Đồng Nai giáo dục hoà nhập và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ

Thực tế cho thấy nếu được can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để tham gia giáo dục hòa nhập. Tùy theo độ tuổi, năng lực riêng, trẻ tự kỷ cũng cần được hướng nghiệp sớm để có thể tham gia lao động, đóng góp cho bản thân và xã hội.Trẻ tự kỷ đang được can thiệp tại Trung tâm Ước mơ xanh (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Yến

Trẻ tự kỷ đang được can thiệp tại Trung tâm Ước mơ xanh (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Yến

Những khó khăn trong giáo dục trẻ tự kỷ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (tháng 1-2019), Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính vào khoảng 1% số trẻ em sinh ra. Trẻ bị tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do chậm phát triển, giảm khả năng ngôn ngữ giao tiếp, bất thường về hành vi và cảm xúc, rối loạn cảm giác khác nhau.

Các nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 20% trẻ tự kỷ có thể giao tiếp được và học được, nhưng vẫn gặp khó khăn trong quan hệ xã hội. 80% còn lại tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc tự kỷ. Khó khăn dễ nhận thấy nhất là trẻ bị thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp, kỹ năng giao tiếp xã hội… Điều này khiến trẻ rất khó hòa nhập xã hội. Vì vậy, việc phát hiện, can thiệp sớm rất quan trọng, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng để chung sống và phát triển.

Cô Phạm Thị Sáu, Trung tâm Tư vấn và giáo dục trẻ chậm nói Ước mơ xanh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết, Trung tâm hiện đang can thiệp cho 20 trẻ tự kỷ. Ngoài các tiết can thiệp 1-1 (một giáo viên với một trẻ tự kỷ) hay can thiệp nhóm, trẻ còn được giáo dục kỹ năng sống và học âm nhạc như một phương pháp trị liệu.

Cũng theo cô Sáu, một số phụ huynh ngoài việc lựa chọn cho con học giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục thì vẫn tiếp tục tham gia những lớp can thiệp theo giờ tại các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ. Khi học giáo dục hòa nhập, trẻ sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất chính là các trường mầm non, tiểu học không có giáo viên giáo dục đặc biệt. Vì vậy, trẻ sẽ không được quan tâm, hỗ trợ đúng mức. Điều này khiến cho một số trẻ sau thời gian học hòa nhập lại phải quay về với các trung tâm trẻ tự kỷ. Đặc biệt là trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, trẻ không được đến trường, bị hạn chế giao tiếp xã hội. Một số phụ huynh do bận việc hoặc do lơ là đã để con tiếp xúc với tivi, điện thoại quá nhiều mà không chơi cùng con…

“Có bé đã nói được từ đơn, từ đôi đúng nghĩa nhưng sau khi nghỉ học chống dịch thì đã quay lại con số 0. Nghĩa là bé có thể nghe và hiểu, nhưng mất luôn khả năng nói. Vì vậy, các cô phải bắt đầu lại từ con số 0 đối với bé. Ngược lại, với những phụ huynh dành thời gian nhiều hơn cho con, tuân thủ hướng dẫn của giáo viên về cách chăm sóc con hoặc tự tìm hiểu những khóa học với các chuyên gia về cực can thiệp tích cực cho trẻ tự kỷ cũng giúp trẻ tiến bộ hơn rất nhiều”, cô Sáu cho hay.

Với kinh nghiệm của bản thân, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, đại diện Đoàn trẻ tự kỷ Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho rằng, sự tương tác của cha mẹ là vô cùng quan trọng đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ đừng nôn nóng, áp đặt trẻ theo ý của mình mà phải hết sức kiên nhẫn, nương theo con để đồng cảm và hỗ trợ bé từng bước một.

“Dạy trẻ tự kỷ luôn phải nhớ câu “mưa dầm thấm sâu”, cha mẹ cầm tay chỉ việc cho con, dạy đến khi nào con ghi nhớ và thực hành được rồi mới chuyển sang dạy thứ khác, chứ không thể nóng vội dạy nhiều thứ cùng lúc được” – chị Lan chia sẻ.

Một hoạt động hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Đồng Nai.

Một hoạt động hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Đồng Nai.

Hướng nghiệp cho người tự kỷ

Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ không chỉ là việc làm nhân văn, giúp cho trẻ tự kỷ sống có ích mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề hướng nghiệp cho người tự kỷ hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 80-90% người tự kỷ trong độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm. Do đó, việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ tự kỷ là vấn đề cần được các cấp các ngành quan tâm và sớm triển khai đồng bộ. Qua đó, giúp trẻ tự kỷ có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bản thân, góp phần giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhằm giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về chứng tự kỷ, cũng như mong muốn xã hội có sự quan tâm đúng mức về hướng nghiệp, dạy nghề cho người tự kỷ, Đoàn trẻ tự kỷ Đồng Nai đã phối hợp với các đã tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho người tự kỷ, thu hút đông đảo gia đình có con tự kỷ tham gia. Qua quá trình trải nghiệm, các doanh nghiệp, đơn vị có thể đánh giá, phân loại năng lực từ đó thiết kế công việc phù hợp, tạo công ăn việc làm cho đối tượng đặc biệt này. Hoạt động này mang lại hy vọng cho gia đình có con em tự kỷ, là khởi đầu để Đồng Nai có những hoạt động dài hơi trong vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề cho người tự kỷ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, đại diện “Đoàn trẻ tự kỷ Đồng Nai” hy vọng, với các hoạt động trải nghiệm này sẽ là khởi đầu để Đồng Nai có những hoạt động dài hơi trong vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề cho người tự kỷ.

Năm 2018, một số gia đình có con bị tự kỷ ở Đồng Nai đã tìm đến nhau, cùng gia nhập Mạng lưới tự kỷ Việt Nam và hình thành Đoàn trẻ tự kỷ Đồng Nai. Đây là nơi để các cha mẹ, gia đình có người tự kỷ cùng trao đổi, sẻ chia, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, giáo dục và đồng hành cùng người tự kỷ. Hiện nay, tổng số người tự kỷ đang tham gia tại Đoàn trẻ tự kỷ Đồng Nai là hơn 100 người (từ 24 tháng đến 23 tuổi).

Theo Báo Điện tử Dân Sinh

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang