(ĐHVO). Công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ngày càng cần được quan tâm và có những giải pháp thiết thực, tiếp cận mới mẻ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích cho người khuyết tật, thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Vì lý do khách quan hoặc chủ quan, NKT thường gặp phải những thách thức, rào cản khiến họ khó khăn trong khả năng hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Khi xảy ra tranh chấp hoặc bị vi phạm quyền và lợi ích, họ thường là người bị thiệt thòi, hoặc phải cam chịu vì không biết tự bảo vệ hoặc bị oan sai,… Để đảm bảo được như người dân bình thường khác trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại, họ cần được sự ưu đãi của nhà nước qua thể chế và cần được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ xã hội.
Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác TGPL nói riêng và triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung. Mở rộng diện người được TGPL (14 nhóm đối tượng) trong đó có NKT đảm bảo bảo vệ quyền bình đẳng về pháp luật cho NKT nói riêng và mọi tầng lớp nhân dân nói chung.
Mặc dù công tác TGPL được triển khai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn đó những rào cản khiến NKT chưa tiếp cận được dịch vụ TGPL. Bởi lẽ:
Thứ nhất, các đối tượng tìm đến và yêu cầu dịch vụ pháp lý miễn phí còn chưa phổ biến, vẫn còn mang tâm lý ngại và sợ bị tốn kém khi yêu cầu hoặc thiếu tin tưởng vào trợ giúp viên pháp lý.
Thứ hai, nhận thức của NKT về quyền được TGPL miễn phí các lĩnh vực như tạo việc làm, bảo hiểm, hôn nhân gia đình, chế độ, chính sách, … còn khá mơ hồ, khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Thứ ba, việc di chuyển hay cách tiếp cận TGPL khi NKT có nhu cầu còn hạn chế. Chẳng hạn như hoạt động TGPL lưu động chủ yếu đến trung tâm xã, chưa đến được nhiều thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Đối với NKT thì việc đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi rất khó khăn, vì vậy, họ không thể đến nơi TGPL lưu động, Trung tâm hay Chi nhánh để yêu cầu TGPL trong khi các phương thức TGPL đặc thù dành cho NKT chưa có.
Thiết nghĩ, để NKT sớm được tiếp cận đầy đủ quyền và lợi ích đảm bảo hòa nhập cuộc sống, bình đẳng trong xã hội thì cần thiết phải đổi mới cách thức giúp NKT tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Chính vì vậy, hai cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là Tạp chí Đồng hành Việt và Tạp chí điện tử Đồng hành Việt (có tên miền donghanhviet.vn) chủ trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí qua tổng đài tư vấn 1900.6248 cho người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm giúp họ nâng cao nhận thức cho người khuyết tật, thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, xã hội bình đẳng và đảu đủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Đáp ứng xu thế công nghệ thông tin, tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6248 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt giúp NKT giải đáp mọi vướng mắc pháp lý ở tất cả các lĩnh vực với các tiện ích như sau:
Tư vấn pháp luật miễn phí: NKT không phải thanh toán phí tư vấn pháp luật ngoại trừ phí kết nối nhà mạng.
Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tiện lời dù ở bất cứ đâu: Thay vì phải đến tận nơi trung tâm để yêu cầu thì NKT chỉ cần kết nối qua điện thoại và cũng phù hợp cho các đối tượng bị hạn chế về khả năng vận động.
Đảm bảo quyền lợi tiếp cận pháp luật của NKT: Với đội ngũ tư vấn viên có kiến thức chuyên sâu và giàu kinh nghiệm sẽ đưa ra những giải pháp pháp lý hiện quả, hợp lý và phù hợp với từng vướng mắc của NKT.
Thái độ nhiệt tình, tận tâm: Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng chia sẻ những thắc mắc, vướng mắc của NKT với thái độ nhiệt tình, tận tâm.
Bảo mật thông tin: Mọi thông tin của NKT chia sẻ qua tổng đài tư vấn pháp luật được bảo mật tuyệt đối.
Mong rằng NKT sẽ được tiếp cận TGPL toàn diện hơn đảm bảo được bình đẳng, hòa nhập vào cuộc sống xã hội.
Phạm Vân