“Từ đầu tháng 11-2021 đến nay, dịch Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước thực tế này, các cấp, ngành và các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân…
Nhân viên y tế tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với người về từ vùng dịch.
Dịch diễn biến phức tạp
Dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nửa cuối tháng 10-2021, khi hàng trăm nghìn người lao động từ các địa bàn là “điểm nóng” dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở về quê. Đến tuần đầu tháng 11-2021, không một địa phương nào trong số 13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long là “vùng xanh”.
Theo thống kê chung của ngành Y tế 13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, 2% trong số những người về từ vùng dịch nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Một số địa phương trong vùng có số ca nhiễm theo ngày rất cao như Cần Thơ (440 ca/ngày), Bạc Liêu (414 ca/ngày), An Giang (355 ca/ngày)… Vì vậy, dù dân số toàn vùng chỉ chiếm 17% dân số cả nước, nhưng số bệnh nhân Covid-19 của các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long gộp lại chiếm lần lượt là 35,7%, 31,4% và 30% tổng số ca mắc được ghi nhận ở nước ta trong các ngày 2, 3 và 4-11.
Tính đến hết ngày 9-11, tổng số ca Covid-19 của Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt mức 2.000 ca/ngày. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, từ ngày 1-11, tỉnh Bạc Liêu đã phải chuyển từ vùng dịch cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 4 (vùng đỏ). Thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam). Đến ngày 9-11, tỉnh Vĩnh Long chuyển thành vùng đỏ. Còn tại Cà Mau, 101 xã phường đều ở cấp độ 2 đến cấp độ 4. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ: “Tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, năng lực y tế còn hạn chế nên các địa phương trong tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hơn trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Triển khai nhiều biện pháp
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Thanh Hiền cho biết, tỉnh An Giang đang thí điểm cách ly điều trị F0 tại nhà ở thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu, sau đó sẽ mở rộng ra các địa phương khác. Trong khi đó, UBND tỉnh Kiên Giang hạn chế người dân ra khỏi nhà từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Còn tại Sóc Trăng, tỉnh tổ chức sàng lọc, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực nguy cơ cao; từ đó, phong tỏa hẹp để tiếp tục sàng lọc nhằm mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên quy mô từng xã, huyện. Các tỉnh, thành phố khác đều tăng cường cơ sở vật chất để thu dung, điều trị F0 và cách ly F1.
Chung tay cùng với các tỉnh, thành phố phòng, chống dịch, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 3-11 vừa qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đề nghị Bộ Y tế tập trung phân bổ, bảo đảm đủ vắc xin, có phương án chi viện nhân lực để đáp ứng tiến độ, kế hoạch tiêm vắc xin nhanh nhất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang đánh giá, theo dõi tỷ lệ mắc cũng như chuyển nặng của những người đã tiêm mũi 1, mũi 2 và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19…, từ đó có phương án ứng phó phù hợp.
Bộ Y tế cũng đã điều động đoàn cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường cho Đồng bằng sông Cửu Long, giúp cứu chữa các ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đã cử các đoàn cán bộ y tế từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định về một số tỉnh để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Trong khi đó, về phía quân đội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết, các đơn vị quân đội sẵn sàng chi viện các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Với sự nỗ lực của các địa phương và sự trợ giúp kịp thời của các cấp, ngành, tình hình dịch Covid-19 tại Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, ngày 9-11, tỉnh Bạc Liêu giảm từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh thông tin, từ ngày 8-11, học sinh khối lớp 9 và 12 ở huyện Tân Phú Đông đã được quay lại trường sau thời gian dài học trực tuyến.
“Các em học sinh được trở lại trường là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh từng bước được khống chế. Tôi mong rằng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường”, ông Trương Văn Nghĩa, 51 tuổi, ngụ tại đường Sáu Đồng, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông phấn khởi chia sẻ.”
(Theo Hà Nội mới)