(ĐHVO). Người khuyết tật lâu nay trong xã hội đều được mọi người dành tặng cho những tình cảm hết sức trân quý, nâng niu. Bởi hơn ai hết chúng ta thấu cảm được, nhìn thấy nỗi đau đớn về thể xác mà họ đang phải chịu đựng. Mỗi người mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cùng chung nghị lực sống phi thường muốn cống hiến điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời. Nhưng cũng không ít người ngày ngày cố gắng gồng mình duy trì, hằn lên cuộc đời họ nhiều lam lũ, lo toan, bộn bề.
Cả gia đình anh Tiến và chị Thi
Cái duyên đã giúp tôi được làm quen và tìm hiểu về cặp vợ chồng anh Đỗ Ngọc Tiến và chị Trần Thị Thi.
Anh Ngọc Tiến năm nay 43 tuổi quê gốc ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra cũng bình thường như bao người. Nhưng một tai nạn đáng tiếc xảy ra với anh từ đầu năm 1997 đến nay đã khiến cuộc sống của anh vô cùng đau đơn, tủi thân và quyết tâm vươn lên bằng nghị lực của mình. Gia đình cũng thuộc thuần nông nên mặc dù bị tàn tật anh vẫn cố gắng đi làm để kiếm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình.
Người xưa thường nói, gặp được nhau là cái duyên và kết duyên vợ chồng là cái phận, anh chị gặp nhau lần đầu trong câu lạc bộ người khuyết tật tại Hà Nội. Qua giới thiệu, làm quen anh chị bắt đầu tìm hiểu nhau và quyết định về chung một nhà. Chị Trần Thị Thi quê gốc ở Hà Nội nhưng vẫn quyết tâm xa người thân nơi thành thị về quê hương xứ Thanh lập nghiệp và sánh vai cùng anh Tiến. Chị là người vợ hiền lành, thật thà, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con.
Hai anh chị hiện nay đã có một cháu trai đang học lớp 2. Hàng ngày hai vợ chồng cùng đưa đón con đi học, ăn uống, cơm nước, học hành của con… đều thay phiên nhau giúp đỡ, hỗ trợ. Rất tuyệt vời rằng là cháu học rất giỏi, có nhiều thành tích xuất sắc vào đội tuyển học sinh giỏi cấp trường và hai năm liền là học sinh xuất sắc.
Anh Tiến cùng con trai
Cuộc sống xã hội ngày ngày xoay chuyển, cuộc sống cơm áo gạo tiền vẫn còn đè nặng trên vai bao gia đình. Không nằm trong ngoại lệ, cuộc sống của anh Tiến, chị Thi càng vất vả hơn khi trong hình thể khiếm khuyết.
Công việc hiện tại của vợ chồng anh chị là bán tăm quanh các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Phương tiện di chuyển của anh chị là xe chiếc xe ba bánh đời cũ, rong ruổi khắp các nẻo đường để kiếm tiền. Hoàn cảnh gia đình hai bên cũng éo le như nhau, khi không còn cả cha lẫn mẹ hai bên, nhiều khi mưa gió cuối tuần không biết gửi con đi đâu đành mang đi làm theo mình. Thế mà họ vẫn đồng cam cộng khổ bên nhau, không ngại khó, ngại khổ.
Anh chị vất vả mưu sinh lắm khi đứa con trai duy nhất cũng còn quá nhỏ, gánh nặng trên vai con có thể là rất lớn khi bố mẹ đều là những người không được khỏe mạnh như bao người. Nhưng rồi tôi lại nghĩ cuộc đời này là vô thường, chúng ta đâu biết trước được ngày mai sẽ ra sao, vì thế hãy cứ sống tốt ngày hôm nay.
Anh Tiến chia sẻ “thời điểm trước khi có vợ và sau khi có vợ cuộc đời anh là hai mảng màu khác nhau. Anh không thể tưởng tượng được mình lại có thể trải qua chừng ấy những khó khăn để được sống hạnh phúc bên vợ con như ngày hôm nay”.
Mặc dù kinh tế gia đình chưa được khá giả nhưng có lẽ đó là cả một niềm mơ ước của biết bao người ngoài kia khi có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc như vậy. Anh chị luôn cố gắng để lo cho con được sống, được phát triển và học tập bằng bạn bằng bè. Bởi anh chị luôn nghĩ rằng gánh nặng trên vai con là rất lớn khi bố mẹ đều là những người không được khỏe mạnh như bao người. Và phải chăng đây chính là động lực để cả hai anh chị quyết tâm vươn lên trước số phận, để kinh tế gia đình ổn định hơn.
Cuộc nói chuyện đầy xúc động với vợ chồng anh Tiến lam lũ mưu sinh trên mảnh đất miền Trung nắng gió đã giúp tôi thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của những người khuyết tật. Hy vọng rằng đâu đó ngoài kia sẽ có những tấm lòng hảo tâm yêu thương cùng lan tỏa lòng tốt, tinh thần “tương thân tương ái” đến với gia đình để động viên, giúp đỡ họ vượt qua được khó khăn này.
Mi Lô