Đổi mới truyền thông kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn thực hiện công tác trẻ em ngành LĐ-TB&XH năm 2022, tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 21 – 22/4, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Cần phải đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng”.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, Luật Trẻ em, các Nghị quyết, Chương trình, Đề án về trẻ em ngày càng đi vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em. Đã có nhiều tỉnh, thành ban hành quyết định trong việc phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đã có 13 địa phương ban hành quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong việc phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tạo được sự ủng hộ từ dư luận xã hội…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Cục Trẻ em, nguy cơ mới đối với trẻ em là bị xâm hại trên không gian mạng. Các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Thông tin, hình ảnh bạo lực, xấu độc tràn lan trên mạng đã ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức, lối sống của nhiều người, làm giảm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình; vấn đề bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội,… đã trực tiếp và gián tiếp gây ra các vụ xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả công tác trẻ em, khắc phục những tồn tại, nguy cơ đối với trẻ em trong giai đoạn tới, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh một số giải pháp như: Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chú trọng truyền thông trực tiếp nhằm bảo đảm các thông tin, sản phẩm truyền thông đến được từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn theo trách nhiệm, thẩm quyền việc bố trí hợp lý công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp. Phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.

Các em tự tin nói lên tiếng nói của mình.

Các em tự tin nói lên tiếng nói của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch và tham mưu phân bổ ngân sách địa phương cho công tác trẻ em của ngành LĐ-TB&XH, đặc biệt là xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí hằng năm cho lĩnh vực trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em ở địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành: LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Y tế, TT&TT, VH-TT&DL, Công an, Tư pháp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt ở tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện có hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của địa phương…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan, đơn vị có liên quan; sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, Chính quyền thành phố nên công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn Cần Thơ đã được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao. Nhiều nội dung, chỉ tiêu của các kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến trẻ em được các ban, ngành, đơn vị lồng ghép, triển khai nên có tính lan tỏa cao. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tập trung huy động nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các trẻ em bị mồ côi do Covid-19 được đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các đoàn đến tận nhà thăm hỏi, động viên; tặng quà, tiền mặt, sổ tiết kiệm; xây nhà ở, bảo trợ chi phí học tập đến năm 18 tuổi…

Tại hội nghị, các đại biểu được triển khai, tập huấn một số nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực trẻ em như: Hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; hướng dẫn thực hiện thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2022 – 2025; hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hướng dẫn thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030; báo cáo, trao đổi kinh nghiệm, cơ chế phối hợp giữa Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với địa phương trong xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại  và nhiều nội dung quan trọng khác về công tác trẻ em.

Theo Báo Điện tử Dân sinh

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang