(ĐHVO). Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân từ đủ 18 tuổi trở lên và có quyền ứng cử từ đủ 21 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền và nghĩa cụ bầu cử đối với người khuyết tật (NKT) đòi hỏi nhận thức đúng đắn không chỉ của NKT mà còn của toàn xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ngày hội lớn của toàn dân, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu tiêu biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho NKT về mọi mặt đảm bảo NKT ngày càng có nhiều điều kiện học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt từ khi Việt Nam đã ký công ước về quyền của NKT, trong đó có điều ước không phân biệt đối xử với NKT, đảm bảo NKT sống và hòa nhập cộng đồng, quyền tham gia chính trị, trong đó có quyền tham gia bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Khoản 1 Điều 69 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định mỗi cử tri “phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay”. Tuy nhiên, NKT thuộc đối tượng được ưu tiên, cụ thể: “Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu”.
Như vậy, NKT không những vẫn được đảm bảo quyền bầu cử mà còn được tạo điều kiện phù hợp với thể trạng từng người. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Mặt khác, đối với cơ sở chăm sóc NKT có từ 50 cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng (Khoản 3, Điều 11 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015).
Chính sách hỗ trợ NKT trong tham gia bầu cử được ban hành phần nào đảm bảo mong muốn, nguyện vọng của NKT, thể hiện sự dân chủ, tích cực của nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện sự không phân biệt, đối xử với NKT.
Tuy nhiên thực tế chưa có nhiều NKT tham gia bầu cử, đặc biệt là tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Nguyên nhân một phần do NKT chưa vượt qua được rào cản tâm lý, mặc cảm, thiếu tự tin khi tham gia các hoạt động hòa nhập bình đẳng với cộng đồng, thiếu kiến thức về quyền và nghĩa vụ bầu cử. Mặt khác, hoạt động truyền thông về quyền bầu cử, ứng cử của NKT chưa sâu rộng, phương pháp truyền thông chưa linh hoạt, phù hợp với các dạng tật khác nhau nên thông tin chưa đến được với đông đảo NKT đặt biệt NKT ở vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá nhanh của UNDP thực hiện trên 111 NKT về đề xuất hỗ trợ NKT tự tin ứng cử cho kết quả như sau: 15,3% cần hỗ trợ về kiến thức về quy trình bầu cử, 17,1% cần hỗ trợ về kiến thức về hệ thống pháp luật, 16,2% hỗ trợ về cách vận động/tranh cử, 16,2% hỗ trợ các hội nhóm đề cử và cùng tham gia vận động tranh cử, 26,1% tính tiếp cận như thông tin, cơ sở hạ tầng, chính sách và 9% cần các hỗ trợ khác.
Mặc dù đánh giá nhanh đưa ra các chỉ số phần lớn là để tham khảo nhưng đã phần nào phản ánh mong muốn được tiếp cận truyền thông, phổ biến kiến thức về bầu cử, ứng cử. Bởi vậy, trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các cơ quan, ban ngành cũng như toàn xã hội cần chung tay và nỗ lực tăng cường công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của NKT và toàn xã hội để không còn tình trạng NKT không biết hoặc không tham gia bầu cử, ứng cử.
Ngoài ra, phương thức phổ biến, tuyên tuyền cũng cần được cải thiện, phù hợp với từng dạng khuyết tật. Đơn cử đối với người khiếm thị không thể nhìn thấy để đọc, để hiểu các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong khi đó hệ thống chữ nổi để cử tri là người khiếm thị đọc hiểu thì chưa có. Bởi vậy, các phương thức phổ biến, tuyên truyền bầu cử, pháp luật về bầu cử cần linh hoạt hơn như bằng lời nói, băng ghi âm, đài phát thanh, bằng hình ảnh…
Việc tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn NKT bầu cử, ứng cử được thực hiện đến tận thôn, bản, tại các tổ chức Hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT, thậm chí đến từng nhà để tiếp cận trực tiếp với NKT. Có như vậy, nhiều NKT mới được tiếp cận kiến thức pháp luật về quy trình bầu cử, ứng cử, cách vận động tranh cử đặc biệt là quyền tự bầu cử, ứng cử của NKT.
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tới đây có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. NKT tự tay bỏ lá phiếu cử tri thể hiện tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của NKT lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Nguyễn Hoa