“Đôi chân tròn” lăn qua những triền đồi cuộc sống

(ĐHVO). Hình hài có thể “tàn” nhưng không thể sống “phế”. Đó là câu tâm niệm luôn luôn khắc ghi trong cuộc sống của chàng thanh niên Đặng Hoàng An – một trong năm mươi tấm gương người khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022.


Đặng Hoàng An sinh năm 1991, sinh ra và lớn lên ở quê nghèo Cần Đước, Long An. Nhận thức được xuất phát điểm của mình, anh An luôn luôn cố gắng, kiên trì vươn lên trong cuộc sống. Anh luôn coi những trải nghiệm đã trải qua dù là dễ dàng hay khó khăn đều là những niềm hạnh phúc khôn cùng của việc “làm người”. Ấp ôm hoài bão thoát khỏi cảnh nghèo cùng, khốn khó, anh An đã ngày đêm học tập và rèn luyện để bước chân vào cánh cổng Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Nhưng rồi khi vừa bước chân sang độ tuổi 26, một biến cố bất ngờ ập đến với anh, khiến cho đôi chân của anh dần dần mất đi chức năng vốn có của nó. Đôi chân ấy, trục xoay giúp anh khám phá bao nẻo đường, là điểm tựa vững chắc cho cha mẹ già yếu nơi quê nhà nay không những trở thành gánh nặng của cơ thể chàng thanh niên mà còn khiến cho ý chí, hoài bão lâu nay gần như dập tắt. Anh vẫn còn nhớ như y câu nói “Xin lỗi chúng tôi không làm gì được hơn thế”, nó như gáo nước lạnh dội lên đầu một người đang ốm, khiến cho anh chưa thể chấp nhận ngay được sự thật đáng sợ này. Đã có nhiều lần, anh nghĩ đến cái chết để giải thoát cho số phận bất hạnh ấy bởi trong anh lúc đó chỉ có một tương lai bất lực và tăm tối. Bởi lẽ, vốn đã là một người hướng ngoại, lại nuôi trong mình bao hoài bão, lý tưởng chân chính, giờ đây lại phải dừng lại bởi đôi chân không thể di chuyển được nữa, anh An thực sự gục ngã.

Nhưng rồi, đến lúc gần chạm vào cái chết, anh mới thực sự nhận ra được sự khao khát được sống, được cống hiến cho đời của bản thân. Dường như đến lúc này, con người anh như được kích hoạt để sống trở lại. Anh bắt đầu hướng mắt ra bầu trời xanh bên ngoài khung cửa sổ và cảm nhận nhựa sống đang ngập tràn bên ngoài kia, nơi mà hoài bão và lý tưởng của chàng thanh niên vẫn còn đó, nhưng chỉ là sẽ thực hiện khó khăn hơn một chút.

Thời gian là thứ không bao giờ có thể chảy ngược, nên An quyết định chấp nhận và thích nghi với cuộc sống hiện tại, nhưng bằng cách nào? Đó là mượn “đôi chân tròn” của chiếc xe lăn để thay thế cho đôi chân khiếm khuyết hiện tại. Thời gian đầu, anh tập làm quen với đôi chân mới này, tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh vẫn luôn cố gắng lấy lại sự tự chủ phần nào còn lại của cơ thể mình. Những đêm tối, thay vì gặm nhấm nỗi đau mất đi một phần cơ thể như trước đây, anh lại tìm đến những trang sách, nơi mà anh gặp được những tấm gương vươn lên trong cuộc sống, như ngọn rau luôn vươn mình, hướng ra nơi có ánh nắng ấm áp để duy trì sự sống. Mỗi lúc có phần chùn bước, anh lại nhớ đến lời của Paven trong tác phẩm Thép tôi thế đấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí,…” Nó như thứ đòn bẩy, giúp anh tự đứng dậy và tiếp tục đối đầu với khó khăn, cạm bẫy phía trước.

Tận dụng vốn kiến thức của một thạc sỹ tâm lý, anh An đã chủ động tham gia các buổi nói chuyện truyền cảm hứng đến với học sinh, sinh viên. Bởi anh nghĩ đây là cơ hội không chỉ để anh chia sẻ kiến thức của bản thân mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn đánh động đến nhận thức và thái độ sống cho thế hệ trẻ.

Không những thế, trong suốt ba năm qua, anh An cùng “đôi chân tròn” đã lặn lội đến biết bao nẻo đường xa xôi để trao đi những món quà vật chất và tinh thần đáng quý. Anh đã gặp được nhiều hoàn cảnh giống mình, từ đó lại khơi lên trong anh sự đồng cảm và san sẻ yêu thương. Đó là động lực giúp anh tiếp tục hành trình thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Đối với anh, mỗi chuyến đi đều để lại những kỷ niệm và cảm xúc đáng nhớ, từ đó, sâu thẳm trong tâm thức chàng thanh niên, ngọn lửa mong muốn được giúp đỡ người đồng cảnh ngộ lại càng bùng cháy. Anh chia sẻ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất hiện tại của tôi là được sống và làm những việc mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng.”

Năm 2021 vừa rồi là năm đất nước ta có quá nhiều biến động gây ra bởi đại dịch Covid-19, gây ra nhiều hoàn cảnh bi thương, côi cút. Là người đã từng trải nghiệm nỗi đau khôn thấu, anh An lại tiếp tục hành trình giúp đỡ những người khó khăn do dịch Covid. Khoác lên mình chiếc áo Đoàn Thanh niên với ngọn cờ Tổ quốc trên ngực trái, “đôi chân tròn” đặc biệt đã lăn đến mọi nẻo đường để trao nhu yếu phẩm cần thiết cho người khó khăn, nơi nào xa quá, anh sẽ nhờ người hỗ trợ để mang đến cho họ. Có như thế, chúng ta mới cảm nhận được tình cảm ấm áp của con người Việt Nam tốt đẹp đến nhường nào.


Không chỉ dừng lại ở đó, trong giai đoạn sau giãn cách, anh An còn trở thành một trong những tư vấn viên hoạt động tích cực của Tổng đài 1022 hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, anh đã được lắng nghe tâm sự của nhiều hoàn cảnh, từ cảm xúc nghẹn ngào khó tả đến giây phút bàng hoàng, mất phương hướng. Bằng sự đồng cảm và tấm lòng nhân ái, anh đã trấn an tinh thần, giúp cho họ bình tĩnh và định ra hướng đi trong tương lai. Sau mỗi lần như vậy, anh lại càng tự tin, chủ động hơn vì đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé trong việc chống chọi với đại dịch.

Gần đây, anh An còn đăng ký tham gia chương trình “Hát cho ngày mai” dành cho tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch, may mắn anh đã lọt vào vòng ghi hình, nhờ đó anh đã tài trợ 20 chiếc xe lăn cho các bạn khuyết tật, những người có cùng cảnh ngộ như anh.

Hành trình vươn lên chính mình và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn của anh Đặng Hoài An còn được lan tỏa hơn khi anh được làm khách mời cho một số chương trình truyền hình trên VTV3, HTV7, HTV9 và một số báo Thanh niên, VnExpress, Sài Gòn Giải Phóng,… Qua đó, nghị lực sống và sự cống hiến cao cả của anh đã được mọi người ghi nhận và tôn vinh, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Đặng Hoàng An chia sẻ: “Thay vì ca thán về những chướng ngại cuộc sống, tôi đã “xỏ chân vào đôi giày của người yếu thế” để biết mình may mắn ra sao … Đôi chân mỏi nhưng trái tim không mỏi. Sẽ đi, sẽ đi đến nhịp đập cuối cùng. Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để trở thành tấm gương vươn lên để sống theo nghĩa “tàn nhưng không phế” để lan tỏa nghị lực Việt đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.” Hy vọng trong thời gian tới, Đặng Hoàng An luôn mạnh khỏe để có thể làm nhiều hơn nữa những việc thiện nguyện giúp ích cho đời.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang