Điểm tựa yêu thương cho trẻ mồ côi

Với những học sinh mồ côi, các em mất đi chỗ dựa vững chắc của cuộc đời, buộc phải sớm tự lập lo toan…

Em Trần Thị Nhi và giáo viên chủ nhiệm lớp 11A7, Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc.
Em Trần Thị Nhi và giáo viên chủ nhiệm lớp 11A7, Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc.

Con đường đến trường cũng gian nan, vất vả hơn. Lúc này, nhà trường, thầy, cô giáo, những người “mẹ đỡ đầu” chính là gia đình thứ 2 yêu thương, bảo vệ và đồng hành với các em trong học tập, cuộc sống…

Sẩy cha, mất mẹ vẫn còn thầy…

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Trần Thị Nhi (học sinh lớp 11A7, Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lần lượt mất cả bố lẫn mẹ. Cho đến giờ, nữ sinh này vẫn không quên được cái Tết đầy ám ảnh năm trước.

“Gia đình khó khăn, dịp Tết mẹ em được người quen giới thiệu đi giúp việc cho một gia đình ở thành phố Vinh. Hôm mùng 3 Tết, mẹ không may bị cánh cổng đổ sập trúng người rồi mất”, Nhi rưng rưng kể lại. Chưa kịp nguôi ngoai sau sự ra đi đột ngột của mẹ, thì đến tháng 10 cùng năm, bố Nhi đột quỵ khi cả nhà đang ngồi ăn cơm. Cũng từ đó, ngôi nhà của anh chị em Nhi trở nên trống trải, quạnh vắng không gì bù đắp nổi.

Trong 5 anh chị em, chỉ mới anh trai cả sớm lập gia đình. Anh trai thứ học hết lớp 9 ở nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Chị gái của Nhi lại không may mắn sinh ra tàn tật, hiện đang học tập ở trung tâm khuyết tật tỉnh Nghệ An. Còn lại Nhi đang học lớp 11 và cậu em trai út đang học lớp 8. Mất bố mẹ, anh chị em nương tựa nuôi nhau. Không thể kể hết những đau thương, việc đến trường trở thành niềm an ủi và động lực mỗi ngày của cô học trò lớp 11. Biết hoàn cảnh đặc biệt của Nhi, Trường THPT Nghi Lộc 5 và các thầy, cô giáo thường xuyên quan tâm, chia sẻ…

Em Cao Thị Diệu Linh (lớp 10A7, Trường THPT Ngô Trí Hòa, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng có hoàn cảnh éo le khi sớm mồ côi cả bố lẫn mẹ. Linh là con gái út trong gia đình nông ngư nghiệp làng bãi ngang ven biển Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Năm lên 3 tuổi, em đã mất mẹ, còn bố sức khỏe sa sút không thể đi biển được mà chỉ làm công việc phụ trong làng, rồi ra đi sau vợ 8 năm. Không còn bố mẹ, Linh cùng anh trai, chị gái sống cùng bà nội. Nhưng bà tuổi cao, sức yếu không lâu sau cũng qua đời.

Ba chị em Linh được họ hàng mỗi nhà giúp đỡ, đùm bọc một chút rồi cứ thế lớn lên. Chị gái Cao Thị Hà My lấy chồng từ năm 19 tuổi, sớm có con, chồng đi biển nên còn nhiều vất vả. Anh trai Linh giờ đã vào đại học ở Hà Nội, biết hoàn cảnh gia đình nên quyết tâm vừa đi học vừa đi làm tự nuôi sống bản thân. Riêng Linh hiện không có nơi ở cố định, mà luân phiên nửa tháng thì ở với cô chú, nửa tháng ở với gia đình chị gái.

“Nhà anh chị, cô chú đều khó khăn nên không thể nuôi được em hoàn toàn. Em cũng quen với việc sống ở nhiều nơi rồi. Chỉ có dịp Tết cả mấy anh chị em mới đoàn tụ. Em mong mình học hết lớp 12 rồi đi học nghề, kiếm tiền, tự lập để mọi người và thầy, cô giáo không phải cưu mang em nữa”, Diệu Linh nói.

Thầy Lê Văn Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Trí Hòa – cho hay, sau khi tổ chức nhập học cho khối 10, nhà trường giao cho các giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp để kịp thời hỗ trợ những em khó khăn đặc biệt. Với Diệu Linh, nhà trường miễn giảm học phí, tặng quà, dành học bổng của các đơn vị tài trợ, tạo động lực để em theo đuổi học tập, ít nhất là hoàn thành THPT. Trường là đơn vị ngoài công lập, dù vậy, nhà trường vẫn luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ học sinh mồ côi, hộ nghèo. Ngoài em Cao Thị Diệu Linh, hiện trường có 59 học sinh khó khăn khác được miễn, giảm học phí…

Điểm tựa yêu thương cho trẻ mồ côi ảnh 1

Công đoàn Sở GD&ĐT Nghệ An nhận đỡ đầu em Lê Duy Mạnh (Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc).

“Mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi

Thầy giáo Đặng Văn Kỳ – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 – chia sẻ: Biết hoàn cảnh của em Trần Thị Nhi nhà trường thường xuyên hỗ trợ, dành các suất học bổng, hỗ trợ để em yên tâm đi học. Cùng với đó, khi Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” học sinh mồ côi thì bên cạnh nhà trường, Nhi còn được Công ty Cổ phần Vilaconic nhận giúp đỡ. Theo đó, từ nay đến khi tốt nghiệp THPT, em được miễn học phí và công ty đỡ đầu sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/năm.

“Dù mức hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng tôi mong rằng với tấm lòng của thầy cô, của các nhà hảo tâm sẽ giúp các em phần nào nguôi ngoai được nỗi đau và tạo cho các em động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập” – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 chia sẻ. Hiện, Trường THPT Nghi Lộc cũng là một trong những đơn vị nhận đỡ đầu nhiều học sinh mồ côi nhất với 7 trường hợp. Các mức hỗ trợ tập trung chính vào hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền học thêm và một số trường hợp hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt.

Trước đó, từ tháng 12/2022, Công đoàn Giáo dục Nghệ An cũng đã phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi, giai đoạn 2022 – 2025. Công đoàn cơ quan Sở GD&ĐT Nghệ An đã nhận đỡ đầu em Lê Duy Mạnh (Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc) với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm.

Cách đây không lâu, bố của Mạnh không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Mẹ em làm nhân viên văn thư tại một ngôi trường ngoài công lập, cuộc sống gia đình còn chật vật. Đến nay, mẹ con Mạnh chưa có nhà riêng nên phải nương nhờ 2 bên nội ngoại. Theo lãnh đạo các nhà trường, dù vất vả nhưng cả 2 mẹ con đều rất nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống, công việc và học tập. Vừa qua, em Lê Duy Mạnh còn xuất sắc giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý.

Công ty Vilaconic nhận đỡ đầu 10 học sinh mồ côi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bà Kim Liên Thọ – Chủ tịch Công đoàn Công ty – chia sẻ: Khi nắm được thông tin về Chương trình Mẹ đỡ đầu học sinh mồ côi, chúng tôi thấy đây là chương trình ý nghĩa, nhân văn để xã hội cùng chung tay chia sẻ với những số phận thiệt thòi, không may mắn. Với sự kết nối của ngành Giáo dục, chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ cho 10 học sinh nhân dịp Tết Quý Mão. Qua đó góp thêm động lực, niềm tin, đồng hành với các em học sinh mồ côi trong cuộc sống, học tập.

Một số đơn vị khác như Phòng GD&ĐT Con Cuông trước đó cũng sáng tạo triển khai mô hình mẹ đỡ đầu cho học sinh mồ côi, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó kết nối nhiều cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm nhận hàng chục học sinh trên địa bàn làm con nuôi và giúp đỡ hàng chục triệu đồng mỗi năm. Các mẹ đỡ đầu cùng với giáo viên chủ nhiệm để số tiền giúp đỡ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, ưu tiên giúp học sinh đến trường đầy đủ, không bỏ học giữa chừng.

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An – cho hay: Dù mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhanh chóng lan tỏa trong các nhà trường. Hiện đã có gần 50 học sinh mồ côi được các nhà trường, công đoàn ngành và một số doanh nghiệp nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. “Chúng tôi mong muốn, chương trình không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà từ đó nhân lên nhiều lần giá trị của tình yêu thương, tình cảm thầy trò, nhà trường với học sinh”.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang