Điểm tựa của những cảnh đời yếu thế

“A lô, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội xin nghe!” – là câu trả lời quen thuộc khi có cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng 02433.525.662 và 0912.902.611 của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội). Để tạo điểm tựa, niềm tin cho những cảnh đời yếu thế như phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán, người già cơ nhỡ… đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn làm nghề bằng tất cả sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn cho một phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Phía sau những tiếng chuông

Sáng 22-3, nghe tiếng chuông vang lên từ số điện thoại đường dây nóng, chị Khuất Thị Thúy, nhân viên Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội) vội vàng nghe máy. Lúc tiếp nhận thông tin, chị Thúy điềm tĩnh, nhẹ nhàng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn cho người gọi đến. Nhưng sau khi kết thúc điện thoại, buông máy xuống, gương mặt chị không giấu được nét trầm tư…

Theo lời kể của chị Khuất Thị Thúy, phía gọi đến thông tin về trường hợp chị N.T.H, 37 tuổi, ở xã Tiên Phong (huyện Ba Vì), nghi là nạn nhân bị mua bán trở về, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được hỗ trợ khẩn cấp về nhiều mặt. Sau khi chị Khuất Thị Thúy trao đổi nhanh sự việc với lãnh đạo, đồng nghiệp, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội liên hệ ngay với chính quyền địa phương nơi chị N.T.H cư trú và các cơ quan chức năng đề nghị xác minh, điều tra xem chị N.T.H có đúng là nạn nhân bị mua bán hay không. Nếu là nạn nhân, chị sẽ được trợ giúp về tâm lý, học nghề, tạo việc làm… Trong thời gian chờ xác minh, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội và các lực lượng chức năng vừa trợ giúp tâm lý, vừa kết nối nguồn lực để giúp gia đình chị N.T.H vơi bớt khó khăn.

Trường hợp khác mà Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đang phối hợp, triển khai trợ giúp là cháu N.H.B (12 tuổi), trú tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông), nghi bị bạo lực từ người thân. Hiện tại, cháu N.H.B đang được chăm sóc tại một cơ sở bảo trợ xã hội, đồng thời được trị liệu tâm lý. Nhờ đó, sức khỏe thể chất, tinh thần của cháu N.H.B dần cải thiện, vui vẻ hơn…

Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội Vũ Thị Minh Tuyết cho biết, đằng sau những cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của trung tâm là những mảnh đời, những con người, những số phận có hoàn cảnh đặc biệt, yếu thế, cần được quan tâm, trợ giúp. Nhờ kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, đội ngũ tư vấn viên của trung tâm có thể thẩm định thông tin và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng lên phương án trợ giúp cho từng trường hợp. Đối tượng nhận được sự trợ giúp là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, người lang thang xin tiền, người khuyết tật, người bệnh tâm thần, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, người sau cai nghiện ma túy…

Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, mỗi năm, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 300 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, giúp nhiều trường hợp ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. “Năm 2020, nhờ được đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn, trợ giúp pháp lý, tôi đã hoàn tất thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng dành cho người khuyết tật. Từ tháng 1-2021 đến nay, tôi nhận được mức trợ cấp 525.000 đồng/tháng”, bà Nguyễn Thị Thật, 57 tuổi, thôn Kim Lâm, thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) chia sẻ.

Còn những điều trăn trở

Thường xuyên tiếp xúc với những hoàn cảnh đặc biệt, hơn ai hết, những người trực tiếp làm nghề công tác xã hội như đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội hiểu rõ, họ chính là cầu nối góp phần đưa các chính sách, dịch vụ an sinh xã hội vào đời sống, để nhóm người yếu thế có điểm tựa vươn lên. Vì thế, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã, đang làm nghề bằng tất cả sự quan tâm, chia sẻ, xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tinh thần nhân văn.

Tuy nhiên, quá trình làm nghề cũng khiến họ chất chứa không ít những điều băn khoăn, trăn trở. Chị Hoàng Hạnh Tâm, cán bộ Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng cho biết, do nhiều nguyên nhân, số đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp thông qua Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội, nhất là với nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại có xu hướng tăng lên. Thế nhưng, những trường hợp được cung cấp thông tin về vụ việc đều trong tình thế “đã rồi”, nghĩa là sự việc đã ở mức nghiêm trọng. Đa số nạn nhân lựa chọn im lặng, thay vì lên tiếng tìm sự trợ giúp.

“Mới đây, một trường hợp phụ nữ ở huyện Phúc Thọ, bị bạo lực gia đình đã được chúng tôi hỗ trợ các dịch vụ cần thiết. Tuy nhiên, khi chúng tôi động viên trường hợp này mạnh dạn tố cáo người có hành vi bạo lực đối với bản thân, thì nạn nhân chọn phương án… chấp nhận thực tế”, chị Hoàng Hạnh Tâm nói.

Cũng từ thực tế công tác, anh Tô Hoành Anh, cùng làm tại Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, bên cạnh với sự lên tiếng và hành động của nữ giới, thì nam giới không thể đứng ngoài cuộc. Suy nghĩ ấy thôi thúc anh Tô Hoành Anh hình thành ý tưởng và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới cho nhóm đối tượng là nam giới.

Vấn đề khác mà đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội trăn trở là mạng lưới cộng tác viên, hệ thống dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu so với số người cần trợ giúp. Ở một số nơi, người dân chưa quan tâm, chưa biết đến các chính sách, dịch vụ trợ giúp, khiến những người làm nghề công tác xã hội còn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động… Nhằm chủ động khắc phục, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội Nguyễn Tiến Trung cho biết, trung tâm đã, đang phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương đưa các dịch vụ công tác xã hội về cơ sở; đồng thời kết nối, tìm kiếm nguồn lực xã hội để trợ giúp kịp thời cho những cảnh đời yếu thế.

Phối hợp với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội để xây dựng mô hình công tác xã hội trong trường học từ năm 2018 đến nay, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng đánh giá: “Việc đưa mô hình công tác xã hội vào trường học, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên trong các vấn đề xã hội có tác động tích cực tới chất lượng giáo dục toàn diện”.

Hiện tại, 18 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội luôn cố gắng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bất kỳ ai gọi đến cũng có thể an tâm khi nghe câu nói quen thuộc: “A lô, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội xin nghe!”.

Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang