Điểm sáng trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của TP. Hà Nội.


Bảo đảm an sinh xã hội từ nguồn vay ngân sách - Ảnh 1.

Người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay tại các địa phương của TP. Hà Nội đã không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Nguồn vốn cho vay góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị – xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Các địa phương đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới…

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Mỹ Đức đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được trên 118.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt trên 1.860 tỷ đồng.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Vốn tín dụng chính sách cũng tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, với trên 110.000 lượt khách hàng được vay vốn đã góp phần giúp trên 18.900 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 28.900 lao động, xây dựng và cải tạo trên 52.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho 902 hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 4.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập. Hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.

Theo ông Đặng Văn Cảnh, thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Hà Nội  và cả nước.

Qua đó cũng khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt, những đặc thù riêng có của Ngân hàng chính sách xã hội khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.

Bảo đảm an sinh xã hội từ nguồn vay ngân sách - Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã có hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, giảm nghèo… tại các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh

Đại diện Đoàn Thanh niên xã An Phú, huyện Mỹ Đức cho biết, toàn xã có trên 2.200 hộ gồm các dân tộc Tày, Ngạn, Dáy, Mường và Kinh; trong đó số hộ nghèo là 81 hộ, chiếm tỷ lệ 3,59%, hộ cận nghèo 109 hộ chiếm 4,8%  tổng số hộ dân thuộc 13 thôn.

Vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm và chăm lo cho các đối tượng chính sách luôn được Đảng bộ, chính quyền xã An Phú hết sức quan tâm. Mặc dù kinh tế xã còn nhiều khó khăn song những năm qua An Phú vẫn dành nguồn lực đáng kể và kêu gọi các kênh đầu tư cho hộ nghèo. Trong đó nguồn vốn ổn định, hiệu quả nhất đó là vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn lực này góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Không nằm ngoài phương châm đó, nhằm chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, hiệu quả.

Tính đến nay, Đoàn thanh niên xã đang quản lý 6 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ổn định, hiệu quả với 212 tổ viên đang vay vốn. Tổng dư nợ nhận ủy thác của Đoàn thanh niên xã là trên 8.700 triệu đồng, với 10 chương trình cho vay.

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội  Nguyễn Văn Chuẩn cho biết, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, thị xã Sơn Tây đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay được trên 45.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt trên 9360 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 589 tỷ đồng.

Ngân hàng chính sách thị xã Sơn Tây đã góp phần giúp cho trên 6.400 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho 11.564 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện được cuộc sống; tạo việc làm mới cho trên 17.400 lao động tại chỗ; tạo điều kiện cho 163 hộ nghèo được vay vốn để xây 163 ngôi nhà mới, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn (2016-2020) từ 4,04% (năm 2016) xuống còn 0,17% (năm 2020).

Từ nguồn vốn vay này nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thị xã Sơn Tây có điều kiện xây dựng được nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình như các hộ vay: Hộ bà Phùng Thị Hải, thôn Đồng Đổi, xã Thanh Mỹ trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con ăn học. Năm 2019, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò, gà đẻ và gà thịt, hiện nay gia đình đã có 2 con bò và 100 con gà đẻ và gà thịt; hộ bà Nguyễn Thị Hiền, thôn Thống Nhất, xã Sơn Đông trước đây bà Hiền luôn ốm đau, bệnh tật gia đình thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH bà đã đầu tư chăn nuôi bò, đã thoát cận nghèo năm 2020, hiện nay gia đình đang có 5 con bò và đang xây nhà mới khang trang.

Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên.

Theo Thiện Tâm – Báo Điện tử Chính phủ

Nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/diem-sang-trong-he-thong-chinh-sach-giam-ngheo-10322062821050085.htm

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang