Dịch vụ xe ôm “đặc biệt” dành cho người khuyết tật

Ở thành phố Yogyakarta của Indonesia, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc đi học, tìm việc làm hoặc chăm sóc y tế. Trước thực tế này, một dịch vụ xe ôm có tên Difa Bike, đã ra đời, không chỉ giúp đưa đón những người khuyết tật mà còn mang đến cơ hội việc làm cho chính những tài xế khuyết tật.

Một chiếc xe máy thuộc dịch vụ Difa Bike đang di chuyển trên đường phố ở Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: CNA

Một chiếc xe máy thuộc dịch vụ Difa Bike đang di chuyển trên đường phố ở Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: CNA

Là một người bị bại liệt từ khi còn nhỏ, anh Triyono (40 tuổi) biết rõ người khuyết tật ở Indonesia khó khăn như thế nào khi đi học, đi làm hoặc đi khám bệnh.

Anh chia sẻ: “Khi tôi đi học, không có xe buýt nào dừng lại cho tôi. Việc di chuyển xung quanh là một rắc rối vì cơ sở hạ tầng không thân thiện với những người khuyết tật”.

Theo Bộ Y tế Indonesia, cả nước có 3 triệu người khuyết tật về thể chất và 3,4 triệu người khiếm thị.

Những người này thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn trong việc di chuyển vì xe buýt không được thiết kế để phù hợp với họ trong khi vỉa hè thường không thể sử dụng do xuống cấp hoặc bị phương tiện cá nhân lấn chiếm.

Lựa chọn khả thi nhất là taxi nhưng lại quá đắt đỏ, điều đó cản trở cơ hội có việc làm của họ.

Triyono chia sẻ: “Tôi tự thấy rằng cần phải có một phương tiện di chuyển phục vụ cho những người bạn sử dụng xe lăn của tôi để họ có thể tự do di chuyển, có thể là từ nhà đến trường, đến bệnh viện hoặc bất cứ nơi nào họ muốn mà không cần phải lên xuống xe lăn. Việc lên và xuống xe lăn cực kỳ mất nhiều năng lượng với những người khuyết tật.”

Quyết tâm thay đổi điều này, anh Triyono đã cho ra đời Difa Bike, một dịch vụ xe ôm phục vụ người khuyết tật tại thành phố quê hương Yogyakarta của anh vào năm 2014.

Anh Triyono đã cho ra đời Difa Bike, một dịch vụ xe ôm phục vụ người khuyết tật tại thành phố quê hương Yogyakarta của anh vào năm 2014. Ảnh: CNA

Anh Triyono đã cho ra đời Difa Bike, một dịch vụ xe ôm phục vụ người khuyết tật tại thành phố quê hương Yogyakarta của anh vào năm 2014. Ảnh: CNA

Difa Bike hiện có 26 tài xế, tất cả đều là người khuyết tật. Công ty có từ 3.000 đến 4.000 khách hàng mỗi năm.

Mặc dù công ty vẫn đang vật lộn để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Triyono, bằng tiền túi của mình, vẫn ấp ủ những ước mơ lớn cho công ty. Anh có kế hoạch mở rộng dịch vụ Difa Bike đến các thành phố khác trên Indonesia.

Difa Bike vận hành hai loại xe mô tô, trong đó một loại là xe 3 bánh sidecar phẳng với đường dốc có thể gập lại được thiết kế dành riêng cho những người sử dụng xe lăn để họ không phải lên và xuống các thiết bị hỗ trợ di chuyển của mình.

Loại còn lại là chiếc xe 3 bánh sidecar với ghế ngồi và cửa rộng được thiết kế để người chống nạng và người mù có thể dễ dàng tiếp cận.

Difa Bike vận hành hai loại xe mô tô, trong đó một loại dành riêng cho những người sử dụng xe lăn và loại còn lại dành cho người chống nạng và người mù. Ảnh: CNA

Difa Bike vận hành hai loại xe mô tô, trong đó một loại dành riêng cho những người sử dụng xe lăn và loại còn lại dành cho người chống nạng và người mù. Ảnh: CNA

Cô Lusi Insiati, 57 tuổi, bị bại liệt đã sử dụng dịch vụ Difa Bike suốt 6 năm qua, cho biết: “Difa Bike rất hữu ích cho những người ngồi trên xe lăn như tôi. Tôi phải lên và xuống xe lăn khi sử dụng taxi. Sử dụng Difa Bike, tôi chỉ cần ngồi trên xe lăn của mình”.

Dịch vụ này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn cả những người lái xe khuyết tật.

Anh Tri Hartanto, 33 tuổi, tài xế của dịch vụ Difa Bike, hầu như không thể đứng dậy nếu không có khung tập đi chia sẻ: “Việc tham gia giao thông là thử thách đối với tôi. Tôi thường cảm thấy có lỗi với bố mẹ vì họ phải chở tôi bằng chiếc xe máy. Họ ngày càng già đi. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho họ. Tôi không muốn như vậy”.

Tất cả đã thay đổi vào năm 2015, khi Hartanto gặp Triyono, người đã đề nghị anh có cơ hội tham gia Difa Bike: “Điều có ích nhất khi làm công việc này là tôi được gặp gỡ những người bạn mới. Tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi thích mà không phải là gánh nặng cho người khác. Tôi được đến thăm các điểm du lịch ở Yogyakarta mà trước đây tôi chỉ có thể tưởng tượng là sẽ đi. Thế nhưng bây giờ tôi đã có thể đến tận nơi để tận hưởng vẻ đẹp của chúng”.

Anh Tri Hartanto, 33 tuổi, tài xế của dịch vụ Difa Bike. Ảnh: CNA

Anh Tri Hartanto, 33 tuổi, tài xế của dịch vụ Difa Bike. Ảnh: CNA

Điều đặc biệt là Difa Bike chỉ thuê người khuyết tật làm tài xế, người sáng lập Difa Bike cho biết: “Sau khi lên ý tưởng, tôi cũng nhận thấy đa số người khuyết tật có trình độ học vấn thấp. Nhiều người thậm chí không đi học. Không ai chở họ đến trường, trong khi phương tiện giao thông công cộng có thể cũng là vấn đề tài chính khó khăn với họ. Sẽ rất tốn kém với họ nếu đi học tiểu học, trung học rồi phổ thông trung học. Nhưng không có sự lựa chọn nào khác cho họ cả. Đó là lý do tại sao họ khó có được một công việc chính thức”.

Theo Triyono, Difa Bike ra đời và thực sự cứu cánh cho khoảng 25.000 người khuyết tật sống ở tỉnh Yogyakarta.

Cước phí cố định là 2.500 rupiah (khoảng 4.000 đồng) mỗi km trong khi dịch vụ gọi xe dựa trên ứng dụng tính phí từ 3.500 đến 6.000 rupiah (khoảng 5.500 – 9.500 đồng) tùy thuộc vào địa điểm và thời gian trong ngày.

Theo anh Triyono, tài xế Difa Bike có thể kiếm được một mức lương khá: “Trước đại dịch, một người lái xe có thể chở 3-5 khách hàng và kiếm được hơn 100.000 rupiah (khoảng 160.000 đồng) mỗi ngày. Giờ đây, họ kiếm được khoảng 70.000 rupiah (khoảng 112.000 đồng) mỗi ngày”.

Difa Bike ra đời và thực sự cứu cánh cho khoảng 25.000 người khuyết tật sống ở tỉnh Yogyakarta. Ảnh: CNA

Difa Bike ra đời và thực sự cứu cánh cho khoảng 25.000 người khuyết tật sống ở tỉnh Yogyakarta. Ảnh: CNA

Ngay từ đầu, Difa Bike đã nhận được hỗ trợ từ chính phủ như cấp giấy phép lái xe đặc biệt dành cho người khuyết tật hay nới lỏng một số quy định về sửa đổi xe máy và sử dụng khoang bên cạnh. Thế nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Difa Bike được tạo ra như một phương thức nhằm đối phó với tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công thân thiện với người khuyết tật. Tôi hy vọng sự hiện diện của chúng tôi có thể thu hút nhiều sự chú ý hơn đối với thực tế này”.

Anh cho biết chỉ cần người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ giao thông và cơ sở hạ tầng công cộng thì họ sẽ trở nên năng động hơn. Điều này đã được chứng minh với sự có mặt của Difa Bike.

Còn tại Việt Nam, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia giao thông. Đa số các phương tiện xe buýt đang hoạt động đều có sàn xe rất cao, không phù hợp với người khuyết tật. Nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc có vỉa hè thì bị hàng quán chiếm dụng, đặc biệt là độ chênh lệch giữa hè và nền đường quá cao.

Chị Nguyễn Phương Linh, 30 tuổi, gặp khuyết tật về vận động, phải ngồi xe lăn thì việc đi xe buýt dường như là “bất khả thi”, hiện chị đang tự đi xe máy 3 bánh tới chỗ làm.

Chị Linh chia sẻ về những khó khăn khi sử dụng xe buýt: “Hồi sinh viên thì có một vài lần tôi đi xe buýt nhưng mỗi lần như thế thì bạn bè sẽ phải cõng tôi lên xe buýt mà bậc xe buýt khá là cao nên khá là nguy hiểm. Với một người đi xe lăn như tôi thì chỉ cần bước lên bậc điểm chờ đó cũng đã quá là khó khăn rồi”.

Các chuyên gia cho rằng cần chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với người khuyết tật cũng như nâng cấp phương tiện công cộng để việc lên xuống xe của họ dễ dàng hơn, từ đó giúp cộng đồng người khuyết tật tự tin, chủ động khi tham gia giao thông.

Theo VOV Giao thông

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang