Việc bùng phát Covid-19 tại Việt Nam cùng những hệ lụy đối với nền kinh tế đặt ra câu hỏi về vấn đề miễn trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng, đặc biệt là việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trong trường hợp bất khả kháng mà cụ thể là trường hợp bùng phát Covid-19 (sau đây gọi tắt là Covid-19). Vấn đề miễn tachs nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật Việt Nam và những vấn để liên quan đến việc thực hiện hợp đồng trong bối cảnh Covid-19.
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Dịch Covid-19 có được coi là trường hợp bất khả kháng
Theo đó, những hiện tượng thiên tai như bão, lũ, hỏa hoạn, sóng thần,… là sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, các hiện tượng xã hội như chiến tranh, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ cũng là sự kiện bất khả kháng. Đặc biệt, khi giao kết hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận những sự kiện khác nếu có.
Một sự kiện được xem là bất khả kháng khi đáp ứng điều kiện sau:
- Sự kiện xảy ra một cách khách quan tức là sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng; sự kiện xảy ra không theo ý chí của các bên.
- Hậu quả của sự kiện là không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Có thể thấy các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng được các bên đưa ra dựa trên hoàn cảnh, điều kiện và yếu tố khách quan tại thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu một sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhưng sau đó lại có thể lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng thì liệu sự kiện đó có còn được coi là bất khả kháng hay không? Theo quan điểm cá nhân, nếu một sự kiện trở nên có thể lường trước được sau thời điểm giao kết hợp đồng thì không nên coi đó là một sự kiện bất khả kháng vì mục đích miễn trách nhiệm dân sự cho một vi phạm có thể xảy ra trong tương lai.
- Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng và không thể trông chờ việc xảy ra một trở ngại khách quan để làm căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng. Việc không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu sự kiện bất khả kháng đó trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Như vậy, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên hợp đồng có quyền thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với tất cả các biệp pháp khắc phục được quy định trong pháp luật về hợp đồng. Do vậy, muốn miễn trừ trách nhiệm đối với các biện pháp khắc phục khác, các bên cần quy định cụ thể trong hợp đồng.
Dịch Covid-19 có được coi là trường hợp bất khả kháng trong thanh toán hợp đồng của các doanh nghiệp?
Dường như Covid-19 có thể đáp ứng đủ ba điều kiện để được coi là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 đối với các hợp đồng được giao kết trước khi xảy ra dịch Covid-19 ( Dịch Covid-19 không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên; nằm ngoài dự đoán của các bên trong trường hợp hợp đồng giao kết trước thời điểm Covid-19; và Việc khắc phục Covid-19 nằm ngoài khả năng của các chủ thể theo hợp đồng). Tuy nhiên, việc xác định Covid-19 có dẫn đến hệ quả bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng mà cụ thể là nghĩa vụ thanh toán hay không cần được đặt trong bối cảnh cụ thể của từng hợp đồng.
Ví dụ như đối với hợp đồng vay, nghĩa vụ cơ bản là thanh toán tức là bên vay có nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, nợ lãi và các khoản thanh toán khác qua hệ thống ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động thì Covid-19 không được coi là sự kiện bất khả kháng liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của hợp đồng vay.’
Tuy nhiên, do tình hình ngày càng nghiêm trọng của dịch bệnh, từ 1/4/2020 Chính phủ đã có quyết định cách ly xã hội, hạn chế việc tiếp xúc giữa người với người, các doanh nghiệp đều cho nhân viên nghỉ làm, chỉ giữ lại những cán bộ chủ chốt để giải quyết công việc cấp bách nên việc thực hiện các hợp đồng là điều vô cùng khó khăn. Theo đó, việc thực hiện hợp đồng đúng thời hạn do các bên đã thỏa thuận khi giao kết hợp đồng cũng không tránh khỏi bị chậm trễ.
Khi gặp sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ cần thực hiện thủ tục gì?
Theo khoản 4 Điều 79 Công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa có quy định như sau:
“Bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải báo cáo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.”
Theo quy định tại Điều 295 Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì:
“Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt bên vi phạm phải thông báo ngay cho bên kia biết, nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, khi gặp trường hợp bất khả kháng, cụ thể là tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, thì bên có nghĩa vụ cần:
- Gửi bên kia thông báo văn bản về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn hợp đồng
- Kèm theo thông báo là văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu, chứng cứ hợp pháp có giá trị chứng minh.
Vì thế, việc chuẩn bị các chứng cứ để được hưởng miễn trừ trách nhiệm, nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng là rất cần thiết.
Phạm Giang