Một cánh tay không lành lặn, đôi mắt không được sáng hoặc bất kỳ một khiếm khuyết trên cơ thể gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp… luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Tuy nhiên, trong rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn đó, có những tấm gương đã vượt lên số phận, làm kinh tế giỏi, tự chủ cuộc sống và giúp đỡ người đồng cảnh ngộ.
Thầy lang người Dao và những bài thuốc hay
Năm 16 tuổi, Lò A Chầu, thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua (Bát Xát – Lào Cai) gặp tai nạn khi đang làm việc, phải cắt cụt 1 cánh tay. Từ một người năng động, hoạt bát bỗng mất đi một phần cơ thể khiến mọi công việc, sinh hoạt của ông bị ảnh hưởng. Tưởng như ông sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, vậy nhưng vượt lên số phận, ông Chầu đã nỗ lực tập luyện để làm việc chỉ bằng 1 cánh tay lành lặn và trở thành người khuyết tật gương mẫu, sống có ích cho gia đình và xã hội. Công việc chính của ông là bốc thuốc nam. Các bài thuốc gia truyền của đồng bào Dao đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.
Để thuận lợi cho người dân và công việc của gia đình, ông mở 7 phòng tắm lá thuốc tại nhà phục vụ khách mỗi ngày. Ông còn tích cực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 5 ha đất rừng, ông trồng các loại cây quế, mỡ; ông đào ao nuôi cá, mỗi năm gia đình bán trên 5 tấn cá các loại. Với nỗ lực vượt lên số phận, hằng năm, gia đình ông Chầu thu nhập trên 300 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất giỏi tại địa phương. Tấm gương về nghị lực vượt khó của ông Chầu được nhiều người biết đến và cảm phục.
Ông Lò A Chầu chia sẻ: Khó khăn trong cuộc sống thì ai cũng gặp phải, quan trọng là phải biết nỗ lực vươn lên. May mắn tôi có sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, vợ con luôn tin tưởng, ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh để tôi hoàn thành tốt các công việc của mình.
Viết ước mơ từ đôi tay không lành lặn
Chị Ma Thị Nống, cán bộ thống kê, văn thư lưu trữ xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) là đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Sự năng động, nhiệt tình và cái tâm trong sáng của chị Nống được nhiều người yêu quý nhưng ít ai biết rằng, chị có khiếm khuyết trên cơ thể và chị đã vượt qua khó khăn, nỗ lực gấp nhiều lần những người lành lặn.
Sinh ra và lớn lên ở xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai), khi 4 tuổi, Nống đột nhiên sốt rất cao, cả người co giật. Sau khi hạ sốt, tay trái của Nống không thể cử động, mất đi cảm giác. Khi đó, gia đình chưa nhận thức được sự nguy hiểm, cứ để con ở nhà, không đưa đi bệnh viện, thậm chí bố mẹ còn mời thầy cúng đến nhà để đuổi ma tà. Sau nhiều ngày thấy con không khỏi bệnh, thương con, mẹ Nống được người làng mách gặp thầy bốc thuốc nam. 6 tháng ròng bó thuốc, tay Nống mới cử động được và dần có cảm giác.
Tuy nhiên, tay teo lại và rất yếu, bẻ quặt sang một bên và từ đó, Nống sống với đôi tay tật nguyền. Lớn lên, ý thức rõ những khó khăn mà mình đã trải qua nên từ khi đi học, Nống luôn nỗ lực. Sau khi tốt nghiệp THPT, rồi đỗ Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chị được kết nạp Đảng tại trường. Tốt nghiệp đại học, chị Nống trở về quê.
Tháng 10/2016, chị bắt đầu làm việc tại UBND xã Tân Dương (Bảo Yên), chính thức biên chế vào tháng 2/2017, với nhiệm vụ là cán bộ thống kê, văn thư lưu trữ. Tháng 10/2020, chị chuyển công tác sang xã Vĩnh Yên. Ở vị trí nào, chị cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với đôi tay tật nguyền, chị Ma Thị Nống không chỉ tự viết lên ước mơ của mình, mà còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ bà con vươn lên trong cuộc sống.
Trước sự đổi thay của cuộc sống, sợ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông bị mai một, chị thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ tại thôn, truyền dạy lại cho thế hệ sau những điệu múa, bài hát của dân tộc. Phụ nữ Mông tại địa phương luôn coi chị Nống là tấm gương sáng để noi theo, không còn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, mà ở nhà hăng hái lao động, sản xuất. Ma Thị Nống còn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao.
Chị Ma Thị Nống chia sẻ: Đã trải qua cuộc sống khổ cực nên tôi hiểu các em nhỏ vùng cao có cuộc sống khó khăn như thế nào. Mỗi người góp một phần nhỏ sẽ cùng nhau giúp được nhiều việc lớn, để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng
Ông Lò A Chầu, chị Ma Thị Nống là 2 trong số hàng nghìn người khuyết tật ở Lào Cai. Họ là những tấm gương sáng, tiêu biểu vượt qua sự éo le của số phận, vươn lên trong cuộc sống. Lào Cai hiện có 4.621 người khuyết tật nặng, hơn 1.500 người khuyết tật đặc biệt nặng. Với mục tiêu giúp đỡ người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, thông qua các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của xã hội, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, 100% người khuyết tật được hưởng trợ cấp hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám – chữa bệnh miễn phí.
Không chỉ chăm lo về vật chất, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người khuyết tật thông qua việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được đến trường, học nghề và tạo việc làm, tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trẻ em, học sinh khuyết tật đi học hòa nhập tại các trường mầm non và phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hoạt động hỗ trợ các mô hình sinh kế cho người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Đã từng đi qua nhiều nỗi đau của cuộc đời, hơn ai hết, những người khuyết tật hiểu rõ giá trị của sự nỗ lực trong cuộc sống. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, họ sẽ thấy xã hội vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp. Bên cạnh đó, sự quan tâm, yêu thương, động viên của toàn xã hội chính là động lực, là cầu nối đưa cuộc sống của những người kém may mắn trở nên ý nghĩa hơn.
Theo nhandaoonline.vn