(DHVO). Về đất Thành Nam những ngày tháng 9 âm lịch, nhất là trong khoảng thời gian từ 13-16 âm lịch, bạn đừng quên ghé qua Hội chùa Cỗ Lễ (Trực Ninh, Nam Định). Đến với Hội chùa Cổ Lễ, bạn không chỉ được tham quan một di tích kiến trúc lịch sử, một điểm đến tâm linh mà còn được hòa vào không khí lễ hội được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn.
Là ngôi chùa có lối kiến trúc nghệ thuật với nhiều biểu tượng độc đáo
Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của đất Thành Nam mà còn của cả nước. Ngôi chùa cổ này xuất hiện từ thời nhà Lý, có hiệu “Thần Quang Tự” tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Đây là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo và dân tộc, được Bộ Văn hóa xếp hạng là “Di tích lịch sử” quốc gia, là trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và cơ sở trường hạ Phật giáo tỉnh Nam Định.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Cổ Lễ (Ảnh: internet)
Chùa Cổ Lễ được du khách gần xa biết tới là một trong những quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm cho du khách có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực.
Trong Gác chuông chùa Cổ Lễ treo quả chuông đồng cao 4.2m, rộng 2.03m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều người dân nơi đây kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.
Ngoài ra chùa Cổ Lễ còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.
Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức vào 13-16 tháng 9 âm lịch hằng năm
Từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hằng năm, Hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức nhằm suy tôn Thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không tổ sư nghề đúc đồng. Vào những ngày chính hội, diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ,… và được mong chờ, hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.
Cuộc thi bơi chải truyền thống vào mỗi dịp Hội chùa Cổ Lễ được đông đảo người dân quan tâm
(Ảnh: internet)
Năm nay, vào thời gian tổ chức Hội chùa Cổ Lễ còn có lễ hội ánh sáng được tổ chức tại Sân vận động Cổ Lễ (Trực Ninh), hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến với Chùa Cổ Lễ và tham gia lễ hội tại đây.
Nếu như có cơ hội về Thành Nam vào những ngày này, đừng quên ghé qua Hội chùa Cổ Lễ nơi đây.
Trần Hồng