Để phụ nữ dân tộc thiểu số “không ai bị bỏ lại phía sau”

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tạo sinh kế, việc làm phát huy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số (DTTS) chính là trao cơ hội để họ chủ động nói lên tiếng nói của mình, quyết định vấn đề của chính họ. Từ đó, tạo điều kiện để phụ nữ DTTS vươn lên phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau.

ho-tro-nguoi-dan-toc-ts

Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế và đồng chí Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng dê giống cho phụ nữ DTTS xã Hương Nguyên, huyện A Lưới trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Ngọc Bình

Năng lực lao động của phụ nữ dân tộc thiểu số còn thấp

Phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS thuộc nhóm yếu thế, chịu bất bình đẳng kép, vừa là người DTTS, vừa là phụ nữ. Nguyên nhân gốc rễ là phụ nữ và trẻ em DTTS thường bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và sinh kế, việc làm. Vùng DTTS là nơi có điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỉ lệ người dân mù chữ, tái mù chữ còn khá cao, tỉ lệ không nói được tiếng phổ thông còn nhiều, trong số đó, phụ nữ chiếm đa số.

Theo số liệu của Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tỷ lệ đi học đúng cấp có sự khác biệt giữa các dân tộc và thấp hơn nhiều so với người Kinh, đặc biệt là ở bậc trung học phổ thông. Cụ thể, 14 dân tộc có từ 30-40% học sinh trong độ tuổi bậc trung học phổ thông đi học đúng cấp; 14 dân tộc có tỷ lệ từ 20-30%; 19 dân tộc có tỷ lệ dưới 20%, trong đó có 3 dân tộc chỉ có 8-9% học sinh trong độ tuổi bậc Trung học phổ thông đi học đúng cấp. Đáng chú ý, có 3 dân tộc có tỷ lệ nữ học bậc trung học phổ thông dưới 10%. Một số dân tộc có tỷ lệ nữ đi học rất thấp như Chứt, Mảng, Xtiêng, Mông, Dao,…

Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ DTTS ít có cơ hội tiếp cận giáo dục chính là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn tồn tại trong xã hội, dẫn đến nhận thức và năng lực tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ DTTS bị hạn chế, cơ hội việc làm khó khăn, chủ yếu là lao động chân tay, nặng nhọc, thu nhập thấp. Cũng như vậy, tỷ lệ lao động DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, đa số làm công việc phổ thông. Tỷ lệ nữ DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ có 5,69%, bằng 1/3 so với tỷ lệ tương ứng của dân tộc Kinh; có tới 12/53 DTTS có tỷ lệ nữ từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật dưới 2% như: Xtiêng 0,78%, Mảng 0,45%, Brâu 0,16%…

Cũng theo Viện Gia đình và Giới, do rào cản về tri thức nên phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn, nâng cao năng lực, ít đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Và trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát-đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, ngoại trừ Hội Phụ nữ. Do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân và niềm tự hào về vai trò và thế mạnh của dân tộc của mình; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.

Tập trung đào tạo, tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Những năm qua, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã tạo những chuyển biến tích cực cho khu vực này. Một số ít chương trình, dự án ở địa phương đã được quan tâm tới khía cạnh bình đẳng giới, mang lại những kết quả tích cực, bước đầu góp phần cải thiện sinh kế, việc làm, thu nhập cho lao động nữ DTTS; từ đó, nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội.

Các dự án, mô hình được đánh giá hiệu quả trong hỗ trợ sinh kế bền vững, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng và thực hiện chính sách là: “Tổ hợp tác nuôi lợn đen bản địa”; “Tổ phụ nữ liên kết trồng và kinh doanh rau bản địa”; “Tổ phụ nữ tiết kiệm vay vốn xoay vòng”; “Ứng dụng phương pháp đồng nghiên cứu trong thực hiện mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long”; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…

Để phụ nữ DTTS phát huy được thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, trước mắt, các chính sách cần quan tâm đến việc tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS. Cụ thể là, các chương trình, dự án về hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở vùng DTTS, cần đảm bảo tiếp cận và tham gia của nhóm nữ DTTS trung tuổi không biết nói, đọc, viết tiếng phổ thông.

Các địa phương có nhóm đối tượng đặc thù này cần nghiên cứu và đề xuất các hình thức, phương pháp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đối tượng. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS sau khi học nghề được hỗ trợ chuyển đổi việc làm, cải thiện việc làm; hỗ trợ nữ thanh niên DTTS mới tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tìm việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Các địa phương ở vùng DTTS và miền núi cũng cần nỗ lực phát huy nội lực, đồng thời vận động các nguồn hỗ trợ khác (từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nữ doanh nhân; các tổ chức trong nước và quốc tế) nhằm hỗ trợ các mô hình phụ nữ DTTS khởi nghiệp; cải thiện sinh kế, việc làm và thu nhập. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyền truyền, giáo dục cho các nhóm nữ DTTS yếu thế về bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.

Theo Thùy Trang/bienphong.com.vn

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang