Khoảng 200 bức tranh do thầy – trò và học viên tự kỷ sáng tạo hội tụ trong triển lãm ‘Gặp gỡ tháng 3’. Ảnh: Megan Art |
Và nghệ thuật chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu nỗi buồn vô hình với những người mắc chứng tự kỷ.
Ở Việt Nam xét trên bình diện chung, việc trị liệu thông qua nghệ thuật đối với người tự kỷ chưa được coi trọng. Điều này kéo theo nhiều hệ quả, trong đó sự đóng góp của người mắc chứng tự kỷ bị hạn chế. Bởi vậy, mọi dự án nghệ thuật dành cho người tự kỷ đều vô cùng quý giá và cần khuyến khích.
Nghệ thuật kết nối người tự kỷ
Theo Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, số trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng. Thực tế này không chỉ là một áp lực đối với gia đình, mà còn với toàn xã hội. Cho đến nay, bài toán giải quyết các vấn đề liên quan đến người tự kỷ ở Việt Nam còn khá hạn chế.
Tuy nhiên, ngoài việc phổ cập kiến thức nhận biết về chứng tự kỷ, các bậc cha mẹ cũng đang được truyền thụ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đang tập trung vào các nội dung xây dựng bộ tài liệu chuẩn về trẻ em tự kỷ, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt và giảng viên nguồn, tổ chức các chương trình nghệ thuật…
Theo giới chuyên gia, nghệ thuật là một trong những phương thuốc hữu hiệu trong việc trị liệu cho người mắc chứng tự kỷ. Tiếc rằng việc tổ chức các diễn đàn, tập hợp những người mắc chứng tự kỷ trong sân chơi nghệ thuật khá hiếm hoi.
Mới đây, triển lãm “Gặp gỡ tháng 3” do nghệ sĩ Lương Giang cùng 10 họa sĩ Megan Art và 8 học trò mắc chứng tự kỷ tổ chức đã thu hút đông đảo công chúng và những người mắc chứng tự kỷ tìm đến.
Đại diện Trung tâm Dạy vẽ Megan Art (Hà Nội) cho rằng, triển lãm như một lời động viên tinh thần để cả thầy và trò đều có thêm nhiều động lực hơn trên con đường chinh phục hội họa. Hơn hết, hội họa chính là kênh giao tiếp quan trọng của các học viên mắc chứng tự kỷ.
Bên cạnh tác phẩm của 11 họa sĩ chuyên nghiệp kiêm giảng viên mỹ thuật, là loạt tranh của các tác giả từ 12 đến 24 tuổi không may mắc chứng tự kỷ.
Họa sĩ Lương Giang – giảng viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cũng là người sáng lập Megan Art – cho biết, qua cách chọn chủ đề, qua nét vẽ và mảng màu… cho thấy trí tưởng tượng phong phú cũng như những cảm xúc sâu sắc của người mắc chứng tự kỷ.
Hầu hết trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp, và vẽ là cách thức hiệu quả để các em thể hiện cá tính, suy nghĩ. Từ đó kết nối với gia đình, bạn bè cũng như với xã hội.
Trong khuôn khổ hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4), cũng như Tháng Khuyết tật và Ngày Khuyết tật Việt Nam (18/4) – Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cũng đang tổ chức ngày hội thể thao thân thiện cho trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển nhằm tạo sân chơi an toàn, chắp cánh những ước mơ về một thế giới rộng lớn, đa sắc màu – giúp các em tự tin hòa nhập và được yêu thương, hỗ trợ để phát triển.
Nghệ thuật là phương thuốc trị liệu hiệu quả đối với người mắc chứng tự kỷ. Ảnh: Nghệ sĩ múa Bùi Tuyết Minh |
Giúp người tự kỷ biểu đạt ước mơ
“Triển lãm “Gặp gỡ tháng 3” như một sự động viên về tinh thần, để cả thầy và trò đều có thêm động lực – để thầy cô dạy tốt hơn, học viên “chịu” thể hiện mình hơn. 5 năm là chặng đường dài của một lớp học thiện nguyện mà ở đó, các thầy cô đã nhìn ra khả năng của từng học viên mắc chứng tự kỷ, uốn nắn từng nét cọ, dạy từ cách pha màu, dạy cách kiềm chế cảm xúc”. Họa sĩ Lương Giang – người sáng lập Megan Art
Mới đây, Liên Hợp Quốc thông báo kế hoạch tổ chức sự kiện dưới hình thức trực tuyến vào ngày 2/4/2023 đánh dấu Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, trong đó nêu bật những đóng góp của người tự kỷ trên toàn thế giới.
Sự kiện trực tuyến gồm 4 cuộc thảo luận tập trung tìm hiểu cụ thể những đóng góp của những người tự kỷ tại gia đình, nơi làm việc cũng như trong nghệ thuật và trong việc hoạch định chính sách.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ giúp làm rõ cách nào để duy trì sự chuyển biến nhận thức xoay quanh sự đa dạng thần kinh. Mọi người trải nghiệm và tương tác với thế giới theo các cách khác nhau để vượt qua những định kiến, cải thiện cuộc sống của người tự kỷ.
Theo nghệ sĩ múa Bùi Tuyết Minh, người tự kỷ thường được mô tả là người sống đơn độc trong thế giới riêng của mình vì họ thường tránh những giao tiếp xã hội.
Việc phân định tự kỷ là dạng bệnh hay đơn giản chỉ là cách sống khác vẫn còn là câu hỏi lớn. Người tự kỷ có hai dấu hiệu chính nhận biết cơ bản đó là sự hạn chế trong khả năng giao tiếp xã hội và khả năng biểu đạt ước muốn.
Để đồng hành cùng người tự kỷ, nghệ sĩ Bùi Tuyết Minh đã tiên phong trong việc ứng dụng múa chuyển động trị liệu, sử dụng nghệ thuật để kết nối – phát triển thể chất, cảm xúc, suy nghĩ và tâm linh với trẻ tự kỷ.
Có thể thấy rằng, nghệ thuật là phương pháp trị liệu đặc biệt với người mắc chứng tự kỷ. Thế nhưng, việc đưa nghệ thuật đến với người tự kỷ chưa thực sự được quan tâm. Rất hiếm các trung tâm giáo dục đủ tiềm lực giúp trẻ tự kỷ thực hành nghệ thuật và giúp họ đến cùng trong hành trình sáng tạo.
Đại diện Trung tâm Nghệ thuật Tòhe (Hà Nội) cho biết, từ năm 2006, Tòhe đã làm việc với rất nhiều trẻ tự kỷ. Các bạn khác biệt, có tài năng tuyệt vời mà đôi khi chưa được đánh thức.
Trải nghiệm nghệ thuật cùng trẻ tự kỷ, khám phá thế giới bên trong sẽ thấy năng lực đặc biệt của các nghệ sĩ tự kỷ cũng như những đóng góp mà họ có thể cống hiến cho cộng đồng.
Năm 2021, Tòhe từng tổ chức triển lãm mang tên “Thế giới song song” nhằm mục đích chia sẻ câu chuyện, tác phẩm của trẻ tự kỷ. Triển lãm là cầu nối đưa công chúng đến gần hơn với các bạn nhỏ tự kỷ, nơi nghệ thuật là ánh đèn soi chiếu, đánh thức những giác quan và cho chúng ta một khoảng lặng để “chạm” tới được cuộc sống của trẻ tự kỷ.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại