ĐỂ CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT SÁT THỰC TẾ

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật.  Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 .

Nhằm đưa Luật Trợ giúp pháp lý đến gần hơn với cộng đồng người khuyết tật, năm 2017 khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3662/QĐ-UBND (Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2017) về kế hoạch triển khai thực hiện “Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn thành phố năm 2017-2018”  cho đến năm 2019 được bổ sung kế hoạch 64/KH- UBND về “Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn thành phố năm 2019-2020”

Đối với toàn bộ các Hội NKT quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nhận thấy đây là một chương trình không chỉ rất thiết thực mà vừa không phát sinh kinh phí do có nguồn hỗ trợ từ Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, nên các tổ chức hội đều cố gắng kiên kết với các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở từng cụm địa bàn để thực hiện ít nhất 2 chương trình trợ giúp pháp lý trong một năm.

Dần dà qua các chương trình tư vấn trợ giúp pháp lý, nhận thức về vấn đề rào cản với việc tiếp cận pháp lý với người khuyết tật đã được lộ diện, cũng như đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau mỗi chương trình. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được lấy ví dụ là Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Thị xã Sơn Tây có 15 đơn vị hành chính, trong đó có 10 đơn vị hành chính cấp phường như các quận nội thành, lại có 05 đơn vị hành chính cấp xã như các huyện ngoại thành, nên Hội NKT thị xã Sơn Tây mang nhiều đặc điểm chung của các hội quận, huyện ở Thành phố.

Một chương trình tư vấn pháp lý thường niên của Hội NKT thị xã Sơn Tây

Nhận diện khó khăn.

Người khuyết tật cũng như mọi thành phần công dân khác trong xã hội, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về với cõi vĩnh hằng, đều gắn bó cuộc sống của mình với các chủ trương chính sách liên quan đến các thủ tục pháp lý như: khai sinh, đi học, đi làm, đăng ký kết hôn, thừa kế. Đặc biệt với người khuyết tật còn là các chế độ, chứng nhận, xác minh vấn đề khiếm khuyết…

Điều đó có thể thấy không ai có thể sống tách mình ra khỏi luật pháp “Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật” là thế, nhưng so sánh với thành phần công dân khác, người khuyết tật có sự khác biệt, khi họ phải đối mặt với các rào cản về môi trường, giáo dục, giao tiếp…khiến họ không có các cơ hội về giáo dục, việc làm và được bình đẳng mới mọi thành viên của xã hội nói chung, và nói riêng đối với sự hiểu biết về pháp lý họ cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do sự khiếm khuyết và các rào cản tồn tại của xã hội mà đại đa số NKT không có trình độ học vấn cao cộng với sự tự ti, mặc cảm ngại giao tiếp nên việc hiểu biết pháp lý còn rất nhiều hạn chế.

Thứ hai, nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không thể tiếp cận với dịch vụ này do hoạt động thông tin của Hội đến hội viên chưa được chú trọng.

Thứ ba, đối với những người bị các dạng tật phức tạp (như điếc thường đi kèm với câm) và cũng do quanh năm họ chỉ quanh quẩn ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên rất khó để giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ pháp lý cho họ. Nếu người khiếm thị có sách nói, được học chữ nổi, những người khuyết tật vận động vẫn có thể giao tiếp với cộng đồng, có nhiều cơ hội học hỏi, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết thì với người câm điếc (hiện có khoảng 2,6 triệu người Việt Nam bị khiếm thính) chỉ có cách chuyển tải bằng cử chỉ, hình ảnh nhưng cách làm này cũng có rất nhiều hạn chế, cản trở khả năng hoà nhập cộng đồng của họ. Ngay những người được học ngôn ngữ của người khiếm thính cũng không thể chuyển tải hết nội dung muốn nói vì hiện tại, kho ký hiệu giao tiếp cho đối tượng này còn hạn chế, ngôn ngữ ký hiệu ở các vùng, miền lại chưa được thống nhất.

Thứ tư, đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý là những cán bộ, thành viên của tổ chức Hội NKT  hoặc bản thân cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người khuyết tật, còn rất thiếu và yếu.. Năm 2019 Hội NKT thành phố Hà Nội đã có đề xuất dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái tại 4 quận, huyện Hà Nội” với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp-JIFF thuộc chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam-EU JULE do Liên minh châu Âu tài trợ và trực tiếp được các giảng viên từ Đại học Luật Hà Nội hướng dẫn, thông qua chương trình đào tạo chỉ có khoảng 20 tư vấn viên là nhóm nòng cốt của Hội Hà Nội, con số rất khiêm tốn khi so sánh với số lượng gần 10 nghìn hội viên của Hội NKT T/P Hà Nội.

Thứ năm, hoạt động trợ giúp pháp lý tuy ngày càng được tăng cường về cơ sở với nhiều phương thức nhưng đối với người khuyết tật nặng thì việc đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi rất khó khăn, vì vậy, họ không thể đến nơi trợ giúp pháp lý lưu động, đến văn phòng của Trung tâm hay Chi nhánh để yêu cầu trợ giúp pháp lý trong khi các phương thức trợ giúp pháp lý đặc thù thì chưa có.

Do những nguyên nhân đó có thể thấy NKT gặp khó khăn trong việc tiếp cận với pháp lý để họ có quyền và nghĩa vụ thực hiện theo luật pháp như những công dân khác.

Đội ngũ tư vấn pháp lý ban đầu của Hội NKT Hà Nội trong khuôn khổ dự án Jiff

Lời giải cho bài toán khó khăn

Trong những chương trình trợ giúp pháp lý đầu tiên của Hội NKT thị xã Sơn Tây, tuy lượng hội viên tham dự khá đông nhưng theo quan sát thì đa phần là những người khuyết tật nhẹ và họ cũng khá rụt dè trong các câu hỏi xin được tư vấn bởi các nguyên nhân như đã nêu ở trên.

Khi đã nắm được các nguyên nhân gây khó khăn cho hội viên cũng như cộng đồng và được sự ủng hộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý thì tất cả các chương trình tư vấn, trợ giúp pháp lý đều được thực hiện theo các tiêu chí.

Một là: Chọn hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý sát với các ngày kỷ niệm như: Ngày 18 tháng 4 (Ngày NKT Việt Nam), Ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày 20 tháng 10… khi liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý, Hội cũng đặt hàng luôn các nội dung tuyên truyền gắn liền với ý nghĩa của những ngày này (Ví dụ ngày 18 tháng 4: tuyên truyền về Luật NKT và thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH xác định mức độ khuyết tật , ngày 1 tháng 6 truyên  truyền về Luật Trẻ em 2016 trong đó nhấn mạnh đến quyền tham gia học tập của trẻ khuyết tật, quyền không được xâm hại..) như vậy chương trình sẽ tạo được sự thu hút lớn với truyền thông và thu hút các đối tượng tham dự tại cộng đồng không chỉ dành riêng cho đối tượng là NKT.

Hai là: Tìm hiểu các mối quan tâm có tính đặc thù riêng của từng địa bàn. Như đã nêu, thị xã Sơn Tây có cả đơn vị hành chính cấp phường và cấp xã, nên NKT ở các đơn vị này có mối quan tâm và những vướng mắc khác nhau, như hội viên ở các phường thường có chung mối quan tâm đến các thủ tục về đăng ký bằng lái xe, thủ tục kinh doanh nhỏ..trong khi hội viên khu vực xã lại có nhiều sự quan tâm đến các chế độ, thủ tục chuyển nhượng đất..từ đó BTC cần  chuẩn bị các câu hỏi sát với tình hình đặc thù địa phương để đưa ra các câu hỏi làm nền  cho luật sư để hội viên có sự cởi mở hơn.

Ba là: Cần luân chuyển các hoạt động đến các phường xã để người khuyết tật nặng có thể tham dự được đông đủ nhất, cũng như đại diện chính quyền hiểu hơn về Hội, về các hoạt động hội cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hội viên là công dân đang cư trú trên địa bàn. Trong các chương trình nên mời thêm đại diện tham dự là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, khối Đoàn thể trên địa bàn để phối hợp thực hiện khi có các vấn đề có liên quan.

Bốn là: Chuẩn bị công tác hậu cần như địa điểm tiếp cận, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu ..để hội viên có thể tự tin tham dự chương trình và đảm bảo sự hòa nhập bình đẳng cho tất cả các dạng tật.

Vĩ thanh.

Chị Nguyễn Thị H là con liệt sỹ trước đây khi chị chưa bị tai nạn, chị không đủ điều kiện để hưởng chế độ tuất hàng tháng, nhờ có các luật sư tư vấn mà chị H đã được hưởng chế độ tuất nhờ căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung năm 2012 theo trường hợp “ Con liệt sỹ từ đủ 18 tuổi trở lên còn tiếp tục đi học hoặc khuyết tật nặng; khuyết tật đặc biệt nặng.” Còn anh Đăng Quốc T là người khuyết tật nặng, khi mẹ anh qua đời bà đã di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em trai anh, nhưng nhờ các luật sư hỗ trợ mà anh T đã được hưởng thừa kế theo Điều 669 Bộ luật Dân sự. Đó chỉ là 02 trong rất nhiều những trường hợp hội viên được tư vấn và hỗ trợ về pháp lý tại các chương trình do Hội tổ chức, nhiều vấn đề về sinh kế, việc làm cũng đã được giải đám thỏa đáng cho thấy rằng thông qua các chương trình trợ giúp pháp lỹ này cộng đồng và NKT đã hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình với các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.

Câu hỏi quen thuộc “Vào Hội để được gì” có lời đáp bằng các chương trình, hành động cụ thể như chương trình trợ giúp pháp lý đầy thiết thực và bổ ích trong những năm đã qua.

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang