Triển khai Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Ban Chỉ đạo đã phân công từng đoàn thể, cán bộ giảm nghèo phụ trách theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” cùng xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với ý định, mong muốn của hộ nghèo. Cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bến Tre giảm còn 3,6%, giảm 0,99% so với cuối năm 2019.
Theo đó, tỉnh công bố tổng số hộ nghèo cuối năm 2020 là 14.218 hộ, trong đó, hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập là 10.495 hộ (có 3.049 hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là 3.723 hộ. Tổng số nhân khẩu hộ nghèo là 41.441 người. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,58%. Tổng số hộ cận nghèo: 15.371 hộ, tổng số nhân khẩu hộ cận nghèo là 53.431 người, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,87%.
Tiếp sức cho hộ nghèo
Năm 2021, Bến Tre tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, năm nay, không áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Mô hình nuôi bò sinh sản giúp người dân thoát nghèo
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 xã bãi ngang, riêng chỉ có xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đạt chuẩn xã nông thôn mới (năm 2018), do đó, theo quy định mới, xã An Nhơn không áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Một trong những huyện thực hiện thành công trong công tác giảm nghèo, huyện Chợ Lách đã phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 có 1.179 hộ tham gia. Đa số các hộ này đều do các tổ chức đoàn thể quản lý.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Lách, huyện có 1.151 hộ được hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. 315 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống tại địa phương thông qua hoạt động hỗ trợ vốn vay và tư vấn, định hướng cách làm ăn. Kết nối, hướng dẫn cho 152 hộ tham gia từ các dự án tiếp cận nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Tổ chức hợp tác y tế Hà Lan – Việt Nam, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Vì người nghèo của huyện với số tiền 1,8 tỷ đồng.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân hơn 47 tỷ đồng cho 955 lượt hộ vay hoạt động sản xuất nông nghiệp để đầu tư sản xuất cây giống, hoa kiểng, xuất khẩu lao động… bình quân dư nợ 50 triệu đồng/hộ.
Giai đoạn 2016 – 2020, đề án sinh kế tại huyện Chợ Lách đã giúp cho 1.165 hộ thoát nghèo, chiếm 98,81% tổng số hộ tham gia đề án.
Giai đoạn 2016 – 2020, đề án đã giúp cho 1.165 hộ thoát nghèo, chiếm 98,81% tổng số hộ tham gia đề án. Hiện toàn huyện còn có 922 hộ nghèo, chiếm 2,67% và 1.614 hộ cận nghèo, chiếm 4,68%.
Châu Thành 100% hộ tham gia đã thoát nghèo bền vững
Huyện Châu Thành có 1.059 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Đến nay, 100% hộ tham gia đã thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 5%/năm theo Nghị quyết Huyện ủy đề ra.
Cuối năm 2015, kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện Châu Thành có 3.435 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,42%, hộ cận nghèo còn 1.918 hộ, chiếm tỷ lệ 4,14%. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia (BCĐ) huyện tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo trên địa bàn.
Từ Kế hoạch số 46 của Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 3121 để triển khai thực hiện đề án. Đồng thời, có văn bản kiện toàn, củng cố, phân công các ban, ngành, các hội, đoàn thể, BCĐ các xã, thị trấn theo dõi, hỗ trợ, quản lý, tiếp cận nắm chắc, với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” hướng dẫn và xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế cho từng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo sự mong muốn, nguyện vọng của người nghèo về sinh kế. BCĐ huyện xác định, trọng tâm trong công tác này là tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người nghèo để từ đó nỗ lực, phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.
Đối với hộ thuộc nhóm sản xuất nông nghiệp, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt
Đối với hộ thuộc nhóm sản xuất nông nghiệp, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Đối với nhóm hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, BCĐ huyện, MTTQ và các đoàn thể phối hợp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tập huấn, đào tạo nghề gắn với các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống để giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và phát triển ngành nghề phù hợp, như hỗ trợ nhóm hợp tác nem ở xã Phú Đức.
Ngoài ra, để đạt kết quả cao trong chương trình này, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách dành cho người nghèo cũng được BCĐ huyện chú trọng như các hoạt động hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin, hỗ trợ pháp lý, trợ cấp xã hội cùng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, công tác huy động và sử dụng các nguồn vốn từ công tác xã hội hóa cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ đề án.
Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo trên địa bàn đều thực hiện đạt 100%, với 1.059 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Chỉ còn xã Tiên Long có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là 6,33%, với 140 hộ.
Theo anh Trần Thế Sơn – cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Phú Túc (huyện Châu Thành) cho biết: Để thực hiện có hiệu quả đề án, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện chung cho cả giai đoạn 2016 – 2020. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cho từng năm, đề ra chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức và triển khai, quán triệt đến từng hội, đoàn thể. Dựa trên kế hoạch, nhiệm vụ được phân công, các hội, đoàn thể sẽ tiếp cận hộ nghèo do hội phụ trách và có hướng hỗ trợ. Hàng tháng, quý họp Ban Chỉ đạo từng hội, đoàn thể báo cáo tình hình thực hiện mô hình phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo, sự hướng dẫn, hỗ trợ của hội, đoàn thể từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp, sát với đối tượng.
Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo trên địa bàn đều thực hiện đạt 100%, với 1.059 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
Là 1/66 hộ nghèo tham gia đề án từ năm 2016, đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ấp Phú Thạnh có kinh tế khá ổn định với mô hình nuôi dê, bò. Chị Tuyền cho biết, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020, chị sẽ xin thoát nghèo. “Mới tham gia đề án, tôi còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của cộng đồng, chính quyền địa phương. Từ khi được trưởng ấp, cán bộ hội nông dân tuyên truyền, giải thích, chúng tôi mới thay đổi ý nghĩ của mình. Được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi bắt tay làm kinh tế” – chị Tuyền chia sẻ.
Trong thời gian tới, BCĐ huyện đề ra phương hướng là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội và các chế độ, chính sách, ưu đãi dành cho họ. Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, huy động mọi nguồn lực từ công tác xã hội hóa, các nguồn vốn lồng ghép để hỗ trợ cho người nghèo. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp, nhất là đào tạo lao động cho con em người nghèo. Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo.
Nguồn: Báo Điện tử Dân sinh