(ĐHVO). Hoạt động giải trí có ý nghĩa để giải tỏa căng thẳng, giúp con người cân bằng lại cuộc sống. Tất cả mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận với các hoạt động giải trí nhưng dường như lại “xa xỉ” đối với người khuyết tật.
Quyền tiếp cận hoạt động vui chơi, giải trí và thể thao
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở Việt Nam là 3,7%. Người khuyết tật cũng chính là công dân trong xã hội, không bị phân biệt đối xử, được tham gia hòa nhập và thực hiện các hoạt động bổ trợ sức khỏe, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng. Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (UNCRPD) đã quy định rõ về quyền của người khuyết tật tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm tổ chức, phát triển và tham gia những hoạt động thể thao và vui chơi dành riêng cho người khuyết tật, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo các quyền đó.
Cụ thể hóa các quy định của Công ước, đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành khung pháp lý cơ bản đảm bảo quyền của người khuyết tật trên mọi mặt. Về chính sách du lịch, văn hóa, thể thao đối với người khuyết tật đã được quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.
Khoản 1 Điều 11 Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018 nhấn mạnh không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động vui chơi, thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí. Theo đó, trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ.
Chính vì mục tiêu tạo môi trường bình đẳng cho người khuyết tật, Điều 14 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 và Điều 36 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định cụ thể về hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật như sau:
– Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.
– Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ. Điều 11 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch cho người khuyết tật.
– Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.
– Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động giải trí
Hoạt động vui chơi, giải trí có vai trò quan trọng trong đời sống, xã hội đặc biệt đối với người khuyết tật sẽ giúp phát triển kỹ năng vận động, trí tuệ, nhận thức, xã hội. Nhờ các hoạt động thể thao, vui chơi cơ thể được vận động, sức khỏe được tăng cường, đặc biệt có ích với trẻ em khuyết tật tìm hiểu thế giới xung quanh, giúp tăng cường hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống.
Bởi thế, quyền của người khuyết tật tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được pháp luật bảo vệ, ưu tiên và khuyến khích. Tuy nhiên trên thực tế mức độ tiếp cận quyền tham gia hoạt động giải trí của người khuyết tật chưa phổ biến, thậm chí bị hạn chế về mọi mặt.
Ví dụ như nhiều công ty du lịch không “mặn mà” với những khách du lịch là người khuyết tật. Nguyên nhân đầu tiên là cơ sở hạ tầng du lịch của nước ta phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật ví dụ như bậc tam cấp vẫn chiếm đa số mà chưa có đường dốc thoải, không có lối đi riêng cho người khuyết tật. Hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao; các xe buýt, taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Tại nhiều địa điểm tham quan du lịch thiếu nhà vệ sinh thiết kế riêng cho người khuyết tật… Bên cạnh đó, các tour du lịch bình thường chỉ cần 1-2 hướng dẫn viên đi theo, nhưng nếu có người khuyết tật tham gia sẽ cần thêm nhiều người hỗ trợ.
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất để người khuyết tật có thể tiếp cận đến các hoạt động giải trí còn hạn chế từ các công trình cho người khuyết tật đến các hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật còn ít, so với lượng người khuyết tật ở Việt Nam thì các chương trình giải trí hay sân chơi cho người khuyết tật còn chưa đáng kể. Bên cạnh đó đa số sân chơi, bãi tập đều được thiết kế theo tiêu chuẩn dành cho người bình thường, nên những người khuyết tật rất khó để thích nghi.
Một nguyên nhân khác phải kể đến là điều kiện tài chính của người khuyết tật chưa được đảm bảo, đa số có hoàn cảnh khó khăn, vật chất không đủ nên khó có thể được chăm lo đầy đủ về mặt tinh thần. Mặt khác, yếu tố chủ quan đến từ chính người khuyết tật khi họ chưa hoàn toàn xóa bỏ rào cản về khiếm khuyết khiến họ tự ti, thiếu hoà nhập, rụt rè để có thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hoà nhập, phù hợp với sức khỏe và thể trạng của bản thân.
Đẩy mạnh tiếp cận hoạt động giải trí đối với người khuyết tật
Nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động giải trí cho người khuyết tật thông qua các cuộc thi, các kỳ thế vận hội cho người khuyết tật. Tại các sân chơi đó người khuyết tật được phát huy khả năng của bản thân, thể hiện họ cũng giống bao người khác dù không lành lặn nhưng họ vẫn có thể làm nên nhiều kỳ tích.
Ở Việt Nam, nhiều chương trình cũng được tổ chức tạo sân chơi bổ ích cho người khuyết tật. Để hiện thực hóa quyền được tham gia và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người khuyết tật, những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, cải thiện sinh hoạt cho người khuyết tật, các tổ chức của và vì người khuyết tật đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui chơi, giải trí cho người khuyết tật. Các hoạt động thành công tạo ra một sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và quyền được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật của người khuyết tật; khuyến khích họ tự tin thể hiện tài năng, năng khiếu trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có sự quan tâm nhất định đến phong trào thể thao, giải trí dành cho người khuyết tật. Bên cạnh sân chơi, bãi tập đúng tiêu chuẩn, các tỉnh còn xây dựng đội tuyển vận động viên khuyết tật ở các môn thể thao điển hình, đại diện cho tỉnh nhà tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại giải thể thao người khuyết tật các cấp.
Người khuyết tật cũng là những đối tượng cần vui chơi, giải trí giống bao người khác, hoạt động giải trí cho họ cần phù hợp với khả năng của mỗi người. Bên cạnh các trung tâm giải trí cho người bình thường cũng cần có các trung tâm dành riêng cho người khuyết tật. Nhà nước cũng như các Bộ, Ngành, đoàn thể cần có kế hoạch cụ thể trong xây dựng và đưa vào hoạt động các khu giải trí dành riêng cho người khuyết tật, cũng như tiến hành các buổi tọa đàm, các chuyến du lịch cho người khuyết tật giúp họ chia sẻ và hòa nhập hơn với xã hội.
Trên tinh thần đó, Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu: Giai đoạn 2021 – 2025: 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; Giai đoạn 2026 – 2030: 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật. Với mục tiêu trên, tin tưởng rằng chất lượng cuộc sống của người khuyết tật ngày càng được cải thiện, đảm bảo người khuyết tật sống bình đẳng, hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng sống.
Hồng Thái