(ĐHVO). Trong những năm qua, ngành Y tế Thanh Hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em với tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm từ 18,5%, thể thấp còi từ 28,9% năm 2014 xuống còn 11,3% và 17,5% năm 2019. Trên cơ sở những thành tựu này, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng tiến gần mục tiêu thiên niên kỷ trong thời gian sớm nhất.
Suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã xác định rõ mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi còn nhỏ đến sự phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, ung thư sau này. Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được đánh giá là đã giảm nhanh và bền vững trong những năm qua, kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng được cải thiện. Kết quả đó là sự đóng góp của các Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em), chương trình bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt đã được triển khai trên toàn quốc…
Công tác kiểm tra và thống kê sức khỏe trẻ em tại Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống SDD trẻ em, Dự án A&T, Dự án Aris aid, can thiệp của Tổ chức Tầm nhìn thế giới. Các can thiệp cải thiện cả về kiến thức, kỹ năng về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, nâng cao năng lực cán bộ y tế, cải thiện kinh tế, an ninh lương thực hộ gia đình, can thiệp cải thiện, phục hồi SDD trẻ em. Các can thiệp này có hiệu quả lớn trong giảm tỷ lệ SDD nói chung, đặc biệt là SDD thể thấp còi. Một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em là bổ sung vi chất dinh dưỡng. Trong 2 Chiến dịch bổ sung vi chất dinh dưỡng được tổ chức 2 lần trong năm trên phạm vi toàn tỉnh, đã có hơn 98% trẻ trong độ tuổi được uống bổ sung vitamin A và cân, đo để theo dõi tình trạng dinh dưỡng; hơn 70% bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được bổ sung vitamin A liều cao.Nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em tại các vùng khó khăn, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại các huyện nghèo theo Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 7-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án do Tổ chức Vitamin Angle – Hoa Kỳ tài trợ. Theo đó, Thanh Hóa có 7 huyện được hưởng thụ dự án này, gồm: Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát.
Năm 2020, chương trình phòng chống SDD trẻ em của tỉnh phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD cân nặng và chiều cao. Theo đó, chương trình đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ và dinh dưỡng hợp lý để phòng chống SDD, trong đó ưu tiên can thiệp bằng những giải pháp tích cực hơn nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở các huyện miền núi. Căn cứ chỉ tiêu này, các nhóm giải pháp được triển khai là tăng cường Chiến dịch nhân ngày vi chất dinh dưỡng; Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ; Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển; truyền thông thay đổi hành vi phòng chống SDD thể thấp còi; truyền thông nhóm và thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ; đẩy mạnh tư vấn phục hồi dinh dưỡng (mô hình A & T Mặt trời Bé thơ, nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ…); xây dựng câu lạc bộ gia đình 5 không, 3 sạch, câu lạc bộ không có trẻ SDD, các mô hình phòng chống SDD thấp còi theo đặc điểm vùng…
Tuy nhiên, những năm gần đây kinh phí cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SDD chỉ còn bảo đảm cho các hoạt động cơ bản của chương trình. Các dự án can thiệp về dinh dưỡng của các tổ chức khác hầu như đã kết thúc hoặc chỉ còn vài hoạt động. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD ở nhiều huyện miền núi còn cao như: Huyện Quan Sơn tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân 19%, thể thấp còi 30%, tại huyện Thường Xuân là 21,1 và 24,5%; huyện Ngọc Lặc là 16,4 và 25,9%… Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng như vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, kẽm, i-ốt, khẩu phần can-xi thấp,…
Thực tế cho thấy, mức thu nhập trung bình của người dân ở các vùng nông thôn không quá thấp, tuy nhiên gánh nặng về chi phí sinh hoạt hàng ngày lại rất nhiều nên vấn đề tạo cho trẻ một nhu cầu dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên là rất khó. Mặt khác, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, vì thế đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh biết được tác dụng của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ nhưng vì công việc nên phải cho trẻ ăn dặm sớm hơn so với tuổi để yên tâm lúc vắng nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân – béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý như: ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, người lao động, người bệnh và người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ. Kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 còn nhiều hạn chế, mới tập trung chủ yếu vào phòng, chống suy dinh dưỡng, nhiều chỉ tiêu quan trọng khác vẫn chưa đạt.
Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 20-NQ/TW trong tình hình mới, cần tập trung xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền và tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi. Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng cho giai đoạn tiếp theo, lên các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm giải quyết được các vấn đề dinh dưỡng trong tình hình mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực theo Tuyên bố chung của Lãnh đạo các quốc gia ASEAN ngày 13 tháng 11 năm 2017 về chấm dứt các thể suy dinh dưỡng; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Cụ thể, tại các địa phương công tác truyền thông đã triển khai rộng khắp, bao phủ ở tất cả 116 xã/phường/thị trấn và thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Với nội dung trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn người dân kiến thức thực hành dinh dưỡng, nhằm thay đổi hành vi cho người dân trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và chế biến bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, những hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào các đợt chiến dịch như: Ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… để từ đó người dân có thể chủ động phòng chống SDDTE và cải thiện bữa ăn cho gia đình. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức lồng ghép hoạt động dinh dưỡng với các hoạt động liên quan thông qua tuyên truyền như: Ngày dân số Việt Nam 26/12, ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế phụ nữa 8/3…. Tích cực tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng là phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và cán bộ liên ngành tại 6 huyện/thành phố, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại địa phương; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng, tăng cường phòng, chống các rối loạn chuyển hóa, các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng.
Trung Hiếu