Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về thực trạng đào tạo nghề cho thanh niên đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục…
Dạy nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông. |
Đào tạo nghề còn nhiều bất cập
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù quy mô đào tạo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn đạt 16,3%. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương.
Ở một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, khả năng tự học… của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cơ hội phát triển nghề nghiệp của người tốt nghiệp còn hạn chế. Quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia học nghề còn rất thấp và chủ yếu là tham gia khóa học nghề dưới 3 tháng. Nhiều đối tượng yếu thế khác như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ít người, người sau cai nghiện, người mãn hạn tù… mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ GDNN còn hạn chế.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của một số quốc gia còn hạn chế do các chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và tổ chức hoạt động đào tạo chưa tương thích, khó chuyển đổi. Sự dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước còn chậm.
Ảnh minh họa/ INT |
Chỉ rõ những nguyên nhân
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại. Đó là nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn tỷ trọng lớn (chiếm tỷ lệ 65%). Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn khá cao (chiếm khoảng 38% trong tổng số lao động có việc làm cả nước). Đa số lao động trong các khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp. Sự khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội giữa các vùng, miền ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác GDNN.
Bên cạnh đó, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng nghề nghiệp. Nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cơ sở GDNN, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò của GDNN, đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đầy đủ. Cụ thể là chưa coi đó là yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.
Hiệu quả tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vào hoạt động GDNN chưa cao, còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế hợp tác phù hợp. Tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN thấp chỉ có khoảng 9,15%, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động chiếm tỷ lệ lớn.
Cùng với đó, nguồn lực cho GDNN chưa bảo đảm cho tiến trình tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Chi từ ngân sách Nhà nước cho GDNN còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đào tạo và đào tạo nghề. Cơ cấu chi và phương thức phân bổ nguồn lực chưa phù hợp, chậm đổi mới. Chưa gắn kết, lồng ghép các nguồn lực trong các chiến lược, chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực.
Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra những nguyên nhân khác như năng lực thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển GDNN. Các chính sách liên quan tới người học, người dạy, cơ sở GDNN, doanh nghiệp tham gia GDNN, người lao động… chậm đổi mới. Một số chính sách về phát triển GDNN quy định trong Luật GDNN chưa được triển khai hiệu quả. Ví dụ như Chính sách hướng nghiệp, phân luồng, Chính sách phổ cập nghề cho thanh niên, Chính sách ưu tiên ngân sách Nhà nước cho GDNN…;
Đồng thời, quản lý Nhà nước về GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sang các mô hình quản trị Nhà nước hiện đại, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…; Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về GDNN, nhất là cấp tham mưu ở địa phương chưa chuyên nghiệp, ít về số lượng và hạn chế về năng lực chuyên môn.
Năng lực quản trị các cấp chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển GDNN. Tính mở và linh hoạt, thích ứng của hệ thống chưa cao, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học, đặc biệt là các đối tượng yếu thế tiếp cận GDNN. Mạng lưới cơ sở GDNN còn dàn trải, chồng chéo và trùng lặp ngành nghề đào tạo, chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở một số vùng, địa phương.
Ngoài ra, số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GDNN. Kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phát triển chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học, nghiên cứu khoa học và công nghệ… của một bộ phận đội ngũ nhà giáo còn hạn chế. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại