Dành trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi bằng trái tim yêu thương, Nhà giáo Ưu tú Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn.

Tâm huyết với giáo dục hòa nhập

Là một trong số ít người hiện còn đang công tác tại trường từ những ngày đầu thành lập năm 1993, cô giáo Lê Thanh Hà chia sẻ về những khó khăn và sự bỡ ngỡ trước nhiều cái mới của trường. Đó là mô hình mới khi chăm sóc và giáo dục học sinh bình thường và học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập; chương trình giảng dạy mới dành riêng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ; đội ngũ mới với các giáo viên, nhân viên tuyển từ các nơi về.

Dành trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật
Cô giáo Lê Thanh Hà cùng các em học sinh.

Theo cô Hà, các giáo viên của trường đã bắt tay vào tu bổ, xây dựng, sửa chữa để có cơ sở vật chất khang trang, phù hợp nhất với mô hình được giao. Không chỉ vậy, Ban Giám hiệu và các giáo viên cũng tự nghiên cứu, tìm tòi nội dung, phương pháp giảng dạy của các chuyên gia trong, ngoài nước cho đối tượng trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Trưởng thành từ vị trí giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn rồi được nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Tiểu học, Hiệu trưởng phụ trách trường, cô Hà cứ cần mẫn mày mò những phương pháp, cách làm để nhà trường hoạt động hiệu quả, trở thành ngôi nhà chung tràn đầy tình thương yêu đối với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Trong tâm trí của vị nữ Hiệu trưởng, dù ở vai trò giáo viên hay quản lý thì tấm lòng yêu thương dành cho học trò không bao giờ vơi. Để giáo dục học sinh bình thường, giáo viên vốn đã vất vả, nhưng với trẻ khuyết tật học hòa nhập, nỗi gian nan dường như tăng lên gấp bội, càng đòi hỏi các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết và yêu trẻ mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ thành thạo kỹ năng chuyên môn, các thầy cô còn phải kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các em.

Hiện Trường Tiểu học Bình Minh có khoảng 300 học sinh, chia thành 2 khối là giáo dục Tiểu học hòa nhập và giáo dục đặc biệt. Trong đó, riêng học sinh hòa nhập là trên 200 em và được chia về các lớp khác nhau tùy theo mức độ khuyết tật. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Không có giáo trình riêng dành cho trẻ khuyết tật, nhà trường đã tự biên soạn, lựa chọn tư liệu phù hợp để dạy cho từng đối tượng. Các giáo viên bám vào nội dung chương trình, sách giáo khoa mới để chọn lọc nội dung thích hợp dạy cho trẻ hòa nhập.

“Nhà trường mong muốn có một bộ giáo trình riêng để dạy cho học sinh khuyết tật học hòa nhập. Hiện chúng tôi mới chỉ xây dựng được khung chương trình chung để các giáo viên triển khai linh hoạt, bởi học sinh của trường khá đa dạng về mức độ khuyết tật”, cô giáo Lê Thanh Hà tâm sự.

Sáng tạo trong quản lý, giảng dạy

Nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải dạy học online, mỗi học sinh được thầy cô dạy theo cách riêng. Với học sinh khuyết tật nặng và khả năng nhận thức kém, bên cạnh việc dạy các môn Toán, Tiếng Việt, phụ huynh đăng ký chọn môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh. Dựa trên số lượng phụ huynh đăng ký ở từng môn, trường sẽ thành lập những câu lạc bộ riêng để thầy trò cùng học với nhau qua ứng dụng Zoom.

Cô giáo Lê Thanh Hà đã chỉ đạo giáo viên linh hoạt các phương pháp khi dạy trực tuyến cho học sinh để đạt kết quả tốt nhất có thể. Theo đó, ngoài thời khóa biểu học trực tuyến chung, giáo viên một số lớp dành ra 2 buổi để kèm riêng cho các em hòa nhập. Mỗi tiết chỉ kéo dài từ 25-30 phút. Với môn Tiếng Việt chỉ có thể dạy các em biết đọc và hiểu những câu đơn giản. Toán học tới bảng cộng, trừ trong phạm vi 20, các em chỉ cần nhớ được số là đạt. Với chương trình mới, trẻ hòa nhập học lớp 2 lại càng vất vả vì cần nhiều thời gian hơn so với trẻ thường. Mỗi em lại có khả năng nhận thức ở từng môn khác nhau nên giáo viên phải dạy bằng cái tâm của nghề và quan tâm đến từng học sinh.

“Ở đây, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều hiểu rõ tính nết của từng học sinh. Chúng tôi tạo sự tin tưởng cho các con bằng sự quan tâm thực chất từ trong tâm của mình. Có nhiều gia đình cho rằng con rất khó bảo, nhưng khi giáo viên yêu cầu thì con lại phối hợp rất tốt”, cô Hà chia sẻ.

Dành trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật
Với học trò, cô Hà luôn có sự gần gũi, chia sẻ nên được phụ huynh, học sinh quý mến.

Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường, do đó ngay khi nhận học sinh vào học, nhà trường đã giúp đỡ các phụ huynh biết chấp nhận thực tế của con mình, từ đó hỗ trợ, trợ giúp con. Nhà trường đã có những đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt bằng các phương pháp như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, phương pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phương pháp động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ… Với mỗi học sinh đặc biệt trong khối học sinh chậm phát triển trí tuệ tại Trường Tiểu học Bình Minh, nhà trường xác định không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào, mà luôn phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và theo từng năm học…

Trong gần 30 năm công tác tại ngôi trường đặc biệt này, cô giáo Lê Thanh Hà đã trở thành một hình ảnh thân thiện, ấm áp của học sinh mỗi ngày đến trường. Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường chia sẻ, trước khi xin cho con vào học, họ đã lặng lẽ đến trường quan sát và rất ngạc nhiên khi thấy buổi sáng cô Hiệu trưởng ra tận cổng trường đón học sinh bằng những cái ôm ấm áp và nụ cười hiền hậu. “Trong những năm con theo học ở đây, cô Hiệu trưởng luôn nhiệt tình trong công việc, giỏi trong quản lý. Với học sinh khuyết tật học hòa nhập, việc quản lý, dạy dỗ các em đòi hỏi sự tâm huyết, đầu tư thời gian công sức hơn nhiều so với trẻ thường. Cô Hà đã cùng tập thể nhà trường đưa mảng giáo dục học sinh khối hòa nhập trong trường đạt được những kết quả tích cực”, anh Phạm Quang Hưng (phụ huynh có con từng học tại Trường Tiểu học Bình Minh) cho biết.

Trải qua bao thăng trầm, khó khăn, vất vả, mái trường mang tên Bình Minh vẫn đang ngày càng phát triển dưới sự lãnh đạo tận tâm của cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hà. Sự tâm huyết với nghề và tình yêu thương học sinh của cô đã trở thành tấm gương để đội ngũ giáo viên trong trường học tập, ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi bằng chính trái tim mình. Điều ấy đã giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn…/.

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, cô giáo Lê Thanh Hà chưa từng cảm thấy nản lòng khi phải đối diện với những tình huống “dở khóc, dở cười” khi dạy dỗ các học sinh chậm phát triển trí tuệ. Đau đáu với suy nghĩ cần phải làm gì đó cho những đứa trẻ kém may mắn, cô Hà cứ cần mẫn như thế, tận tụy như thế bằng những việc làm tưởng nhỏ bé mà lại có ý nghĩa lớn lao.

Theo laodongthudo.vn


Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang