Dành hơn 26.000 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung rà soát, xem xét việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, cơ quan nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Dành hơn 26.000 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chính sách phải phủ kín được những người cần hỗ trợ

Một trong những nội dung được thảo luận là Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Dự thảo này bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Dành hơn 26.000 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Xây dựng pháp luật phải lấy thực tiễn làm thước đo

Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật nói chung trong thời gian tới, Thủ tướng đặt ra nhiều yêu cầu.

Các bộ, ngành phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thật tốt, hiệu quả.

Với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần chuẩn bị bài bản, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật để trình Quốc hội.

Nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp với cơ quan liên quan, các địa phương rà soát để xác định thứ tự ưu tiên, khẩn trương đề xuất sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, bổ sung các quy định thực tiễn đang đòi hỏi.

Thủ tướng cũng lưu ý, tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

“Các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật”, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh.

Cạnh đó, phải tăng cường lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên những người làm công tác xây dựng pháp luật…

Đổi mới, hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, đạt kết quả quan trọng, ban hành nhiều chính sách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thể chế, cơ chế, chính sách vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 8 nội dung:

Dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê;

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi);

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2005 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19;

Tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Báo Điện tử Dân sinh

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang