(ĐHVO). Mới đây, CEPEW – Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ đã thực hiện một đánh giá về việc tiếp cận dịch vụ hành chính công đối với người khuyết tật nhằm hỗ trợ các can thiệp đi đúng mục tiêu, phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật và nguồn nhân lực công.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật, nổi bật nhất là việc ban hành Luật Người khuyết tật 2010. Theo Điều 4 Luật này, người khuyết tật có quyền chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiếp cận trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, Ban ngành đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để thực hiện hóa các chính sách hỗ trợ người khuyết tật như: Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Dự án Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2008-2016, v.v. Và gần đây nhất là Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030. Mặc dù những dự án này đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, rào cản về thủ tục hành chính vẫn là một trong những thách thức lớn trong việc đảm bảo tính liên kết giữa các dịch vụ công đối với người khuyết tật.
Mới đây, CEPEW – Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ đã thực hiện một đánh giá về việc tiếp cận dịch vụ hành chính công đối với người khuyết tật nhằm hỗ trợ các can thiệp đi đúng mục tiêu, phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật và nguồn nhân lực công. Nhóm đã khảo sát hơn 100 người khuyết tật, trong đó có 57% nam và 43% nữ; 19,8% là người khuyết tật đặc biệt nặng, 62,4% là người khuyết tật nặng và 17,8% là người khuyết tật nhẹ. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, NKT (93% người trả lời khảo sát ở độ tuổi 18-44), có nhu cầu sử dụng dịch vụ hành chính công nhiều nhất tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, với gần 47%, cấp huyện và cấp tỉnh theo đó giảm dần lần lượt là 32% và 21%.
Đường lên phòng tiếp nhận thủ tục cấp thẻ căn cước công dân của một trụ sở cơ quan công an tại Hà Nội
Điều kiện về cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất như biển chỉ dẫn, khu vệ sinh, bãi đỗ xe, lối thoát hiểm và đường đi bên ngoài trụ sở cùng với hướng dẫn của các cán bộ hành chính, nhân viên bảo vệ bên ngoài trụ sở đóng vai trò là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mật độ sử dụng dịch vụ hành chính công của người khuyết tật. Trên thực tế, mức độ tiếp cận của cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất đối với người khuyết tật vận động và người khuyết tật nghe, nói đều chưa cao. Người điếc không thể hiểu gần như toàn bộ thông tin trong bảng hướng dẫn nói chung và bảng lệ phí được niêm yết tại các trụ sở UBND do họ sử dụng hệ thống ngữ pháp khác, đồng thời họ còn gặp khó khăn do thiếu phương tiện giao tiếp với cán bộ công chức. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn khó tiếp cận các dịch vụ công khác, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng dẫn đến việc không hoặc khó tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Đa số các công trình như khu vệ sinh, bậc cửa, đường đi tại các cơ quan hành chính công chưa thân thiện với người ngồi xe lăn.
Khu vệ sinh tại một trụ sở UBND cấp xã tại Hà Giang
Về thủ tục hành chính
Người khuyết tật được ưu tiên giải quyết đến thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, người khuyết tật không hài lòng với điều đó, bởi chính sự ưu tiên đó là đồng nghĩa với quyền sống độc lập của mình chưa được ghi nhận. Đồng thời, sự thiếu minh bạch và không nhất quán trong thủ tục hành cũng chính là lý do tạo ra sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận giữa những người khuyết tật với nhau. Bên cạnh đó, người khuyết tật phải trả lệ phí đối với 70% lượt dịch vụ, mặc dù đã có quy định miễn giảm cho người khuyết tật. Tỷ lệ này càng cao đối với khu vực không thuộc đô thị. người khuyết tật đã đưa ra những đề xuất kiến nghị đối với cơ quan hành chính nhà nước, chủ yếu là thông qua kiến nghị trực tiếp tại trụ sở đối với gần một nửa lượt dịch vụ được trải nghiệm, tuy nhiên chất lượng phản hồi những ý kiến đề xuất kiến nghị của người khuyết tật không cao. người khuyết tật không hài lòng với kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất liên quan đến 73% lượt dịch vụ được trải nghiệm.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Nhận thức về quyền, kỳ thị và định kiến
Kết quả khảo sát cho thấy, người khuyết tật cho rằng cán bộ công chức không nhiệt tình trong việc giải thích, hỗ trợ cho họ. Khi không hiểu các nội dung trong đơn kê khai thông tin, họ đã không được giải thích, hỗ trợ, cũng không có mẫu đơn để tham khảo. Khi trải nghiệm tiếp cận các dịch vụ này, người khuyết tật đã phải tự xoay sở để thực hiện hoặc nhờ người hỗ trợ hay nhờ người dân thực hiện các thủ tục giúp đỡ. Hơn thế nữa, người khuyết tật cảm nhận được sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị do tình trạng khuyết tật trong quá trình trải nghiệm thực hiện các dịch vụ hành chính công. Cụ thể, người khuyết tật cho rằng bị từ chối hỗ trợ, giải thích hoặc cảm nhận được sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị do tình trạng khuyết tật khi tiếp cận. “Mình vào đến nơi, cán bộ xã họ thờ ơ, không hỏi. Thậm chí mình là người khuyết tật ngồi lăn xe đến thì hỏi họ không thèm trả lời” – một người khuyết tật chia sẻ.
Như vậy, người khuyết tật hiện nay vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn khi tiếp cận dịch vụ hành chính công. Chính vì vậy cần có những biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn động để giúp đỡ người khuyết tật dễ dàng hơn khi tiếp cận các dịch vụ công.
Đối với người khuyết tật, người nhà và người thân
Sự hiện diện của người khuyết tật ở không gian công là cần thiết để thay đổi định kiến và cách giao tiếp của lãnh đạo, công chức và người dân. Từ đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với NKT. Do đó, NKT cần chủ động tham gia nhiều hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công, hạn chế tối đa việc nhờ người nhà, người thân làm hộ. Sự chủ động của người khuyết tật cũng góp phần thực hiện tốt hơn quyền sống độc lập của mình.
Đối với cơ quan hành chính nhà nước
Người khuyết tật thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, cần được xã hội quan tâm đặc biệt. Vì vậy, để tạo điều kiện giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ hành chính công một cách dễ dàng hơn, Cơ quan hành chính cần tập trung cải tạo/xây dựng/nâng cấp cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tiếp cận với người khuyết tật, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát tính tiếp cận, thân thiện của các công trình công cộng đối với người khuyết tật. Bên cạnh đó, Cơ quan hành chính cần tiên phong trong việc sử dụng Tổng đài phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu phục vụ cho việc giao tiếp giữa cán bộ công chức và người câm, điếc. Ngoài ra, Cơ quan cần thiết kế quy trình tờ khai biểu mẫu dành riêng cho đối tượng NKT nghe, nói phù hợp với cách thức giao tiếp và ngữ pháp tiếng Việt của nhóm đối tượng này. Quan trong nhất đó chính là cần thay đổi thái độ của cán bộ công chức tại Cơ quan nhà nước tránh tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật.
Hồng Liên