(ĐHVO). Hiện nay, người khuyết tật đặt biệt là trẻ khuyết tật nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội thông qua nhiều hoạt động cụ thể như trợ giúp, hỗ trợ tài chính, tuyên truyền kêu gọi ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hết sức chú ý khi đăng ảnh trẻ khuyết tật nhằm kêu gọi tài trợ.
Xuất phát từ mục tiêu bảo vệ quyền của trẻ em được giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng, Luật trẻ em 2016 và Luật An ninh mạng 2018 quy định chi tiết về việc đăng ảnh trẻ em lên không gian mạng. Việc chia sẻ rộng rãi ảnh khuôn mặt, thông tin đời tư trong những vụ việc tiêu cực đặc biệt những khiếm khuyết, khó khăn của trẻ khuyết tật sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cá nhân, nhất là khi các em đang trong giai đoạn lớn lên và có những hiểu biết, nhận thức nhất định. Về lâu dài, trẻ em sẽ cảm thấy mặc cảm, tổn thương, sợ hãi, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ tự tử khi đối diện với sự chỉ trích, nhận xét, đánh giá, kỳ thị, hoặc những thông tin bịa đặt từ bên ngoài.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Theo đó, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.”
Mặt khác, theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng; phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.”
Như vậy, khi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân muốn đăng ảnh trẻ khuyết tật nhằm mục đích kêu gọi tài trợ từ cộng đồng mạng xã hội thì cần đảm bảo an toàn thông tin của trẻ và đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Nếu trẻ từ 07 tuổi trở lên: Phải có sự đồng ý của trẻ và cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
(ii) Nếu trẻ dưới 07 tuổi: Phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Nếu tự ý đăng tải ảnh trẻ khuyết tật lên không gian mạng khi chưa có sự đồng ý nêu trên thì hành vi này được coi là vi phạm pháp luật. Trường hợp thu thập, sử dụng hình ảnh cá nhân không xin phép mà xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm gây ra có thể bị xử lý hành chính từ 10-20 triệu đồng, hoặc xử lý hình sự lên tới 5 năm tù.
Các hoạt động vì trẻ khuyết tật là rất đáng quý và nhân văn tuy nhiên những hoạt động đó đôi khi bị lợi dụng, biến tướng trục lợi cá nhân. Nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tốt và sự tín nhiệm của người dân, lợi dụng tình cảnh khó khăn của trẻ khuyết tật kêu gọi ủng hộ cho trẻ khuyết tật, sử dụng tiền từ thiện vào mục đích cá nhân. Đó là hành vi sai trái và đáng lên án bởi dưới góc độ đạo đức thì đây là hành vi trái lương tâm, trái đạo đức làm người. Đều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của trẻ khuyết tật mà còn tạo ra một vệt đen trong công tác hỗ trợ, trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, về lâu về dài sẽ tạo ra sự vô tâm, vô cảm trong xã hội. Dưới góc độ pháp luật, tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm gây ra có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân. Bởi vậy, những hành vi sai lệch đạo đức nêu trên rất đáng lên án, xử lý nghiêm khắc để những tấm lòng hảo tâm được đến tới đúng người đồng thời cũng giúp minh bạch hoá hoạt động thiện nghiện, nhân cao giá trị nhân văn trong cộng đồng, xã hội.
Hồng Thái