NSNA Bùi Đăng Thanh hướng dẫn học viên chụp ảnh. |
Với người lành lặn, để trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) được phong tước hiệu A.FIAP (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế) đã khó thì Nghệ sĩ nhiếp ảnh – thương binh Bùi Đăng Thanh lại làm được điều đó khi… chỉ còn một tay.
Ở ông có một niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật, một tinh thần vươn lên không ngừng của anh bộ đội Cụ Hồ.
Truyền cảm hứng sống
Tác phẩm ‘Bến lở’ của NSNA Bùi Đăng Thanh. |
Những ngày cuối tháng 12, nhân kỷ niệm 78 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), tôi bất giác nghĩ đến Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh và cuộc trò chuyện cùng ông mấy năm trước. Điện thoại cho ông, thấy ở đầu dây bên kia giọng nói của người nghệ sĩ vẫn thật hào sảng.
Chuẩn bị bước sang tuổi 73 nhưng trời phú vẫn cho ông một sức khỏe tốt, sự dẻo dai, dồi dào năng lượng với cuộc đời. Trong hình dung của tôi, ông có dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc xoăn bồng bềnh như mây trắng, miệng cười hiền hậu.
Còn nhớ hôm ở nhà ông, ông pha cà phê mời khách thật chuyên nghiệp, dù chỉ dùng tay trái. Tay phải của ông chỉ còn một đoạn lơ lửng. Khi tôi tỏ ý băn khoăn về việc ông có thể cầm một tay được chiếc máy ảnh to, nặng và cho ra những bức ảnh đẹp, những tác phẩm để đời, ông đã thực hành ngay cho tôi xem.
Cánh tay trái nhanh thoăn thoắt, ông đưa máy ảnh lên vai, áp vào gò má để thăng bằng rồi bấm tanh tách liên tục. Thấy thế tôi xin được chụp thử. Chà, khi đưa máy lên bằng một tay đã khá nặng rồi chưa kể đến việc giữ thăng bằng rồi tìm góc chụp đẹp, lấy nét đúng chỗ để cho ra bức ảnh ưng ý. Thế mới biết rằng có được thao tác thành thục như vậy ông đã phải tập luyện vất vả thế nào.
Không chỉ pha cà phê và chụp ảnh chuyên nghiệp, ông còn khiến người khác bất ngờ về ý chí vươn lên trong mọi việc. Dù chỉ còn một tay nhưng ông không hề ỷ lại vào người khác mà luôn tìm ra phương pháp tối ưu để khắc phục khó khăn, hoàn thành công việc như người bình thường.
Những lần vào trang Facebook cá nhân của ông, tôi luôn tìm thấy một điều gì đó để học hỏi. Ông luôn có ý tưởng mới, sự sáng tạo bất tận hoặc những câu nói như một châm ngôn sống rất thú vị, ví dụ như “Hãy trồng thật nhiều hoa để bớt đi sự chen lấn của cỏ dại”.
Câu châm ngôn này của ông đã truyền cảm hứng tích cực cho không chỉ tôi mà còn nhiều người khác. Ông bộc bạch: “Xã hội là một tổng thể người với đa tính cách, chúng ta hãy cố gắng làm nhiều việc tốt hơn nữa để xã hội tốt đẹp hơn. Khi xã hội có nhiều người tốt, việc tốt thì sẽ vô hình trung đẩy lùi những người xấu, việc xấu đi”.
Nhiếp ảnh cần sự liều lĩnh, dấn thân
Một Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh vui tươi, lạc quan, yêu đời. |
Bùi Đăng Thanh sinh năm 1950, tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nhiếp ảnh của Bùi Đăng Thanh chính là cha ông, ông chủ hiệu ảnh Bùi Thành nức tiếng xứ Thanh một thời.
Ở chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thành đã đào tạo nhiều thợ ảnh cho tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành lân cận. Từ rất nhỏ đã theo cha học nghề nhưng phải tới khi học hết lớp 7 cậu bé Thanh mới được cha tin tưởng giao cho một số công việc về ảnh.
Cuộc sống êm đềm trôi và Bùi Đăng Thanh sẽ tiếp quản hiệu ảnh của cha mình nếu như lúc đó đất nước không có chiến tranh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên họ Bùi nhập ngũ và trở thành người lính trinh sát, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (Mặt trận B3). Gần cuối chiến dịch mùa khô năm 1971, ông bị thương nặng, cánh tay phải mãi mãi để lại nơi chiến trường.
Không đầu hàng số phận, ông đã học bổ túc chương trình cấp 3 ở huyện Ngọc Lặc rồi nuôi tiếp khát vọng đến với chân trời tri thức ở Trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).
Trong thời gian học đại học tại Thủ đô, Bùi Đăng Thanh luyện chụp ảnh bằng tay trái, xông xáo đi chụp để làm tin cho nhà trường và các trường bạn như Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội… Ra trường ông trải qua nhiều vị trí công tác trong các cơ quan Nhà nước ở Phú Thọ rồi Nam Định nhưng rồi cuộc đời sinh ra là để Bùi Đăng Thanh theo nhiếp ảnh nên dù trải qua nhiều nghề ông vẫn chọn bến đỗ là nhiếp ảnh.
Mà cơ duyên và cũng là động lực để ông gắn bó với nghề là vào năm 1987, ông được giải ảnh nghệ thuật đầu tiên trên Báo Hà Nam Ninh (cũ) với bức ảnh về làng nghề truyền thống thêu ren. Năm 1995, lần đầu tiên ông được giải ảnh quốc tế trong cuộc thi ảnh quốc tế ACCU (Nhật Bản) với bức ảnh về văn hóa truyền thống ở Phủ Giầy.
Sau đó 2 năm ông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hồi ấy ông đã xông pha tự mình đi xe máy vào tận đến Huế, Điện Biên, Lai Châu… để thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh… Hẳn là phải có một nghị lực phi thường, phải có một tinh thần thép của anh bộ đội Cụ Hồ mới khiến ông có thể làm được những việc tưởng chừng không thể ấy.
Trong câu chuyện của NSNA Bùi Đăng Thanh, tôi còn ấn tượng mãi với bức “Bến lở” – bức ảnh đã có mặt trong nhiều triển lãm tại các châu lục cũng như được in trong cuốn sách “Ảnh nghệ thuật tiêu biểu Việt Nam thế kỷ XX” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xuất bản năm 2003.
Bởi nếu không sự đam mê, tâm huyết, liều lĩnh, dấn thân thì có lẽ bức ảnh đã không thể thực hiện được. “Năm 1999, tôi đưa một nhóm học sinh đạp xe đi thực tế ở 4 tỉnh phía Bắc. Khi đến đoạn giáp ranh giữa Thái Bình và Hưng Yên (lúc ấy cầu Triều Dương đang xây dựng), tôi chợt ấn tượng với khoảnh khắc trong khung cảnh nước lũ xuất hiện một thôn nữ áo hồng – nét hiền hòa làm dịu đi cảnh dữ dội của thiên nhiên.
Tôi đã không ngần ngại trèo lên mố cầu đang xây dựng để chụp lại cảnh ấn tượng đó từ trên cao. Những người công nhân đã ngăn tôi lại và bằng mọi lý lẽ, họ bắt tôi phải viết giấy cam đoan rằng: “Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho hành động của mình nếu nguy hiểm xảy ra””, ông nhớ lại.
Đi dạy cũng là đi học
Cuộc đời của Bùi Đăng Thanh sẽ không có bước ngoặt nếu như năm 2006, trở về sau khóa học 3 tháng đào tạo giáo viên truyền thông tại Hà Lan, ông đã được tổ chức thanh niên, tình nguyện và người khuyết tật của Liên Hợp Quốc mời dạy truyền thông cho thanh niên tình nguyện ở 6 nước và người khuyết tật Việt Nam.
Từ đó ông bắt đầu đi dạy ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho các nhóm học sinh là những người khuyết tật hoặc những cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Nghề dạy bắt đầu với ông một tự nhiên như thế và ông luôn nhận thức được ý nghĩa cao cả của nghề “trồng người”.
Trong từng bài giảng của mình, ông chỉ giảng dạy kiến thức mà còn cố gắng truyền tải những bài học trải nghiệm của bản thân để mỗi học viên có thể nhìn vào để cố gắng, quyết tâm hơn nữa.
Bùi Đăng Thanh còn tham gia giảng dạy môn nhiếp ảnh cho một số trường đại học, cao đẳng và trường nghề ở Hà Nội. “Thực ra ở cái tuổi này, vết thương ngày càng đau đớn, đó là chưa kể bệnh huyết áp đeo đẳng, nhiều lúc tôi cũng rất mệt mỏi nhưng rồi tôi lại đặt câu hỏi: Thế mệt mỏi thì mình nằm à hay tập thể dục giảm béo? Nghề ảnh với công việc đi sáng tác rất bổ ích cho tuổi già. Vừa được luyện đôi chân, lại được luyện được bộ óc trước sự lão hóa của thời gian.
Với tôi đi dạy cũng là đi học và đã là đi dạy là phải biết nhiều kiến thức ở các lĩnh vực vì thế cứ rảnh là tôi lại lao vào học, học để không cảm thấy bị tụt lùi so với giới trẻ. Hơn nữa được tiếp xúc với các học viên với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, tôi cũng nhận lại những bài học cho bản thân”, nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh cho biết.
Ở tuổi 73 sở hữu gần 70 giải thưởng trong nước, quốc tế và đã được phong các tước hiệu cao quý: NSNA quốc tế (A.FIAP), NSNA có cống hiến xuất sắc Việt Nam (ES.VAPA), NSNA xuất sắc Việt Nam (E.VAPA) và đã có nhiều tác phẩm được giới nghệ thuật đánh giá cao, như: “Lặng lẽ phù sa”, “Miền quê thương nhớ”, “Em bé Hà Nội”, “Đất hẹn mùa vàng”… nhưng Bùi Đăng Thanh vẫn chưa dừng lại.
Ông bảo tác phẩm hay nhất, danh hiệu cao quý nhất vẫn đang ở phía trước. Trong cuộc sống cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, đừng khi nào dừng lại, dừng lại tức là mình đã chấp nhận thất bại. Bởi thế trong các cuộc thực thế sáng tác vẫn thấy “người nghệ sĩ đặc biệt” năng nổ, tháo vát tác nghiệp với một cánh tay.
Dường như ông không chỉ tác nghiệp bằng tay, bằng mắt mà bằng cả tâm hồn của một người lính giàu tình yêu với cái đẹp, một người lính kiên cường, hiên ngang không biết cúi đầu.
Dù là thương binh nặng và trải qua nhiều khó khăn nhưng Bùi Đăng Thanh luôn cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội mãi mãi không thể trở về. Dịp 27/7 và 22/12 khiến ông nhớ về đồng đội và những năm tháng trong chiến trường khôn xiết.
Nghĩ về những năm tháng ác liệt đó, ông nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa, đặc biệt ông muốn truyền đến các bạn trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của hai chữ “Hòa bình”. “Hòa bình” đã được gây dựng từ máu xương của biết bao người, đó chính là chân lý, là lẽ sống, là khát vọng mà thế hệ của ông thời thanh niên hướng tới.
Vì thế ông đã cầm súng vào chiến trường không tiếc tuổi thanh xuân và giờ đây ông lại cầm máy ảnh, cầm phấn, cầm bút để trở thành một nghệ sĩ, một người thầy. Những cố gắng của ông trong suốt những năm qua chính là minh chứng sống động của một người thương binh “tàn nhưng không phế”.
Người thương binh ấy giờ đây vẫn lặng lẽ dâng cho đời những đóa hoa tươi thắm nhất những mong xã hội sẽ ngày càng tốt hơn, con người sẽ yêu thương, trân trọng nhau hơn.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại