Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Một số vấn đề chung về công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian qua

Theo các báo cáo, ước tính cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Trong những năm qua, các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việc trợ giúp người khuyết tật không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý của dân tộc ta là “bầu ơi thương lấy bí cùng”,  “lá lành đùm lá rách”, mà còn đảm bảo quyền của người khuyết tật đồng thời để không ai bị bỏ lại ở phía sau; góp phần tạo điều kiện bình đẳng để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động đời sống xã hội. Một trong những hoạt động trợ giúp đối với người khuyết tật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật là công tác trợ giúp pháp lý. Đối với người khuyết tật việc tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật, đặc biệt là trợ giúp pháp lý miễn phí là rất quan trọng. Bởi, trợ giúp pháp lý là một trong những trọng tâm của hoạt động trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, bao gồm: trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp; trợ giúp y tế; trợ cấp xã hội; trợ giúp giáo dục; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ an sinh xã hội; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông…

Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý ở nước ta được thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/NĐ-CP ngày ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Điều đó, đã tiếp tục tạo hành lang pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý đi vào thực chất và đảm bảo quyền của người nghèo, người có công với cách mạng, nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội; tạo điều kiện cho họ bình đẳng với các chủ thể khác trong đời sống xã hội và xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vấn đề đảm bảo quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết, gia nhập và công nhận luôn là chính sách nhất quán được Đảng, Nhà nước  thực hiện.

Theo đó, người khuyết tật được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người khuyết tật là trẻ em. Các lĩnh vực được trợ giúp pháp lý là: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại có yếu tố lợi nhuận.

Công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong những năm qua có những tiến triển tích cực thể hiện các mặt sau:

Công tác truyền thông trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã được các cấp, các ngành và toàn thể xã hội quan tâm. Ở cấp Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý;  tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác trợ giúp pháp lý, tạo dự luận xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Các cơ quan tổ chức như: Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Liên hiệp về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, tập huấn pháp luật cho người khuyết tật. Ở các địa phương, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng được quan tâm, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc asở tư pháp triển khai ở khắp các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương còn có hệ thống các Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý.

Về chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý được chuẩn hóa, thường xuyên được tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; đã phục vụ tốt hơn và kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Qua đó, số lượng người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật được bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế. Có thể kể ra một vài nguyên nhân chủ yếu sau:

Về phía người khuyết tật, nhiều người còn tâm lý tự ti, chưa chủ động/chưa biết tìm đến trợ giúp pháp lý khi vướng mắc do chưa hiểu biết về pháp luật trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý; gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý;  một số trường hợp phải thực hiện thông qua người đại diện hoặc người giám hộ, nên chưa được kịp thời và có nhiều rào cản… Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng đều ở nông thôn và thành thị, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương, ở thành phố và nông thôn….

Một số đề xuất, khuyến nghị

Nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình… Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2025 đã đề ra mục tiêu là 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Và đến giai đoạn 2026 – 2030 là 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn, tính đặc thù của công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật,để triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đề ra cũng như đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật, xin đề xuất một số khuyến nghị giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý đến người khuyết tật và cộng đồng xã hội cũng như các cơ quan tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý giúp đảm bảo thuận tiện khả năng tiếp cận quyền của người khuyết tật cũng như giúp việc tuyên truyền trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền thông. Qua đó, khuyến kích NKT chủ động tìm đến sử dụng trợ giúp pháp lý cũng như cộng đồng, xã hội, các tổ chức cá nhân biết đến quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Các hình thức có thể áp dựng như: Video có âm thanh, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chạy chữ; chuyển tài liệu thành dạng chữ nổi Braille dễ tiếp cận đối với người khiếm thị. Đặc biệt là các hình thức truyền thông đại chúng nhu truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội….

Thứ hai, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Người khuyết tật đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và theo hướng mở rộng diện người khuyết tật được hưởng trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý như trước đây.

Thứ ba, quan tâm công tác tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Do công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có những đặc thù riêng, nên trợ giúp viên pháp lý cũng phải được tập huấn, trang bị cả kiến thức, kỹ năng mền để xử lý các tình huống, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, cần quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp và thúc đẩy vai trò của các tổ chức của và vì người khuyết tật như Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội ở địa phương trong công tác, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Thứ năm, đẩy mạnh hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trên các nền tảng mạng xã hội, truyền thông đại chúng, các trang fanpage của người khuyết tật./.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt.

 

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang