Đảm bảo quyền sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật

Ngày 24/06/2021, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo tham vấn “Sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật”. Đây là một hội thảo quan trọng nhằm cung cấp thông tin chung về  thực trạng quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản – tình dục (SKSS/TD) đối với người khuyết tật tại Việt Nam cũng như thảo luận và đề xuất các can thiệp hỗ trợ chăm sóc SKSS/TD cho người khuyết tật, đặc biệt là nhóm thanh niên khuyết tật.

Buổi Hội thảo được tổ chức trực tuyến

Tham dự Hội thảo có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Lê Bạch Dương, trợ lý Trưởng văn phòng đại diện UNFPA Việt Nam cùng đại diện đến từ nhiều cơ quan chức năng, đại diện các tổ chức người khuyết tật, luật sư, người nghiên cứu chính sách, pháp luật, y tế đối với người khuyết tật…

Phát biểu khai mạc, Trợ lý Trưởng Văn phòng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Lê Bạch Dương cho biết: NKT là một trong những nhóm chịu nhiều rủi ro và nhiều thiệt thòi không chỉ ở Việt Nam. Nhiều rủi ro trong đó là vấn đề sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe sinh sản, các vấn đề liên quan đến bạo lực… Theo đánh giá gần đây, có khoảng 80% NKT chưa được tếp cận khám, chữa bởi nhân viên y tế, cho thấy, vấn đề sinh sản, tình dục của NKT chưa được đáp ứng. Nguyên nhân của thực trạng này có thể từ nhận thức “lệch” của xã hội về sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật với việc cho rằng vấn đề này không quan trọng dẫn đến việc NKT “bị bỏ lại phía sau”.

Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA (người mặc áo vàng ngồi giữa) phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo ông Dương, năm 2019, UNFPA đã phối hợp với Bộ Lao động và Tổng cục Thống kê nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 phụ nữ Việt Nam phụ nữ phải chịu nhiều vấn đề do bạo lực gây ra trong đó có 40,3% bạo lực tình dục thể xác không phải do bạn tình gây ra và con số này đối với người khuyết tật có thể còn cao hơn nữa. Đối với thanh niên khuyết tật, đây là nhóm dễ bị tổn thương khi mà nhu cầu về các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng, còn thiếu rất nhiều thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục…

UNFPA là cơ quan chuyên môn, tập trung nhiều đến sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người dân nói chung trong đó gồm người khuyết tật, luôn nhấn mạnh quan tâm đến nhóm đối tượng thiệt thòi, dễ bị tổn thương… UNFPA cam kết hỗ trợ chính phủ thực hiện các cam kết quốc gia về sức khỏe sinh sản tình dục phù hợp với các nguyên tắc quốc tế. Đây là giai đoạn khởi động của Dự án Hợp tác thúc đẩy quyền của người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Mong muốn nhiều ý kiến về thực trạng, nhu cầu của người khuyết tật nhất là của thanh niên khuyết tật về sức khỏe sinh sản, tình dục; chỉ ra được những rào cản; nguy cơ bị bạo lực… Từ đây sẽ có thêm những thông tin đưa vào báo cáo chung và đề xuất những dự án mới – Ông Lê Bạch Dương cho biết thêm.

Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (người mặc áo kẻ, mic “đỏ”) phát biểu tại Chương trình

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh quyền được sống, được tư do, được mưu cầu hạnh phúc như khẳng định của Hồ Chủ tịch trong Tuyên ngôn độc lập. Ông Thanh cũng cho biết, trước đây vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục luôn là một vấn đề nhạy cảm không chỉ đối với người khuyết tật mà còn đối với cả người dân Việt Nam nói chung, tuy nhiên vấn đề này những năm gần đây cũng đã “thoáng” hơn rất nhiều và người khuyết tật cũng đã chủ động tiếp cận nhiều hơn. Với việc đưa ra các số liệu, tỷ lệ người khuyết tật ở nông thôn với thành thị; tỷ lệ nam nữ khuyết tật; tỷ lệ các dạng khuyết tật khác nhau, ông Thanh đã chỉ ra những sự chênh lệch về nhận thức, khả năng tiếp cận đến vấn đề và phân tích những rào cản đối với sức khỏe sinh sản, tình dục của người khuyết tật như hạn chế tiếp cận thông tin, rào cản về đói nghèo, nhu cầu và rào cản đối với từng dạng khuyết tật… đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục đối với nam giới không kém phần quan trọng so với nữ giới.

Chia sẻ thêm một số thông tin, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội cho biết những năm qua, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên trong đó phải kể đến Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vi tổ chức các chương trình hội thảo nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm… về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, tình dục cùng nhiều tập huấn và nghiên cứu về vấn đề này. Ông Thanh hy vọng trong thời gian tới, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân mà nhất là các cơ quan của Liên hợp quốc tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để có nhiều chương trình đối với NKT, thúc đẩy thực hiện chính sách đối với người khuyết tật trong đó có nhiều chủ đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền của người khuyết tật. Về phía Liên hiệp hội cũng sẽ có kế hoạch tăng cường hoạt động truyền thông và có các hoạt động về chủ đề sức khỏe sinh sản, tình dục đối với người khuyết tật nhiều hơn nữa.

Tiến sỹ Dương Văn Đạt trình bày tham luận tại Hội thảo

Để giúp đại biểu có nhiều thông tin hơn liên quan đến vấn đề này, trước khi bắt đầu thảo luận các về các nhóm chủ đề, các đại biểu đã được nghe tham luận của Tiến sỹ Dương Văn Đạt đến từ UNFPA chia sẻ về “Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của người khuyết tật” và vấn đề “ thách thức trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với thanh niên khuyết tật” của Ths. Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội. Cả hai bài tham luận đã cung cấp cho các đại biểu nhiều thông tin hữu ích trên cơ sở thực tế với nhiều minh chứng cụ thể. Bên cạnh đó, cùng với hai bài tham luận, các đại biểu cũng được xem một clip ngắn về sức khỏe sinh sản, tình dục đối với người khuyết tật giúp đại biểu có nhiều cái nhìn tổng quan hơn, từ đó giúp cho buổi thảo luận hiệu quả hơn.

Mặc dù đây được cho là một vấn để nhạy cảm nhưng được các đại biểu tham dự hội thảo thảo luận một cách sôi nổi, gần như không còn “ngại ngùng” để nói nên nhu cầu, “tâm tư” của bản thân trong vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như chỉ ra, phân tích những rào cản đến từ bản thân người khuyết tật, từ gia đình, từ cộng đồng khi nói đến sức khỏe sinh sản và tình dục đối với người khuyết tật. Trên cơ sở đó, nhiều khuyến nghị được đưa ra như vấn đề cần truyền thông nhiều hơn; được phổ biến kiến thức; được cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục; các giải pháp phù hợp đến từ các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với người khuyết tật…

Hy vọng rằng, với những kết quả thu được từ Hội thảo sẽ góp thêm tiếng nói để vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục đối với người khuyết tật được thông tin rộng rãi hơn không chỉ đối với người khuyết tật, bởi bên cạnh rào cản từ chính bản thân người khuyết tật thì các rào cản đến từ nhận thức chưa đầy đủ, “sai lệch” hay những hành động không phù hợp… của gia đình, cộng đồng xã hội là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, là nhiều giải pháp cần được thúc đẩy thực hiện, giúp cho NKT được tiếp cận với sức khỏe sinh sản và tình dục.

Tin tưởng rằng, nếu người khuyết tật được trang bị kiến thức đầy đủ cũng như đươc quan tâm đúng mực thì nhu cầu và khả năng về sức khỏe sinh sản, tình dục đối với người khuyết tật và quyền của họ sẽ được đảm bảo.

Hải Phong


Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang