Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật (NKT), NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Công tác truyền thông về TGPL và chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đã góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT.

Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn cho cán bộ Hội Người khuyết tật tỉnh về quyền lợi pháp lý của người khuyết tật.
Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn cho cán bộ Hội Người khuyết tật tỉnh về quyền lợi pháp lý của người khuyết tật.

Đồng chí Nguyễn Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 42 nghìn NKT là đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định của Luật TGPL. Để việc thực hiện chính sách TGPL cho NKT nghiêm túc, hiệu quả, hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính. Trong đó, giao Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) chủ trì thực hiện và đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của NKT theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 và các kế hoạch của UBND tỉnh, Trung tâm thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính; tổ chức biên soạn, phát tài liệu cho các cơ quan, đơn vị liên quan và NKT; lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở các tổ chức Hội NKT và cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố và trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà giam giữ; thực hiện chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Bản tin Tư pháp và Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng phóng sự tuyên truyền về hoạt động TGPL cho NKT; xây dựng pano, băng rôn tuyên truyền và tổ chức tọa đàm nhân Ngày NKT Việt Nam (18-4); Ngày Quốc tế NKT (3-12). Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức các buổi TGPL lưu động nhằm phổ biến những nội dung cơ bản của Luật TGPL năm 2017, pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, các vấn đề liên quan đến việc làm, chính sách xã hội, người có công với cách mạng… tới toàn thể người dân, trong đó có NKT tham dự và tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp lý. Qua đó, giúp cho người dân hiểu thêm được quyền được TGPL miễn phí, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước dành cho NKT và các đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm đảm bảo quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cùng với công tác tuyên truyền, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Trong đó, Trung tâm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, UBND các xã, phường, thị trấn bảo đảm 100% NKT được TGPL khi họ có yêu cầu. Cử trợ giúp viên tham gia tố tụng trong các vụ việc án hình sự, án dân sự, hôn nhân gia đình để bào chữa, bảo vệ cho NKT có khó khăn về tài chính là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện TGPL luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho NKT. Tiêu biểu là vụ án của Trần Văn L ở xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) thuộc diện NKT có khó khăn về tài chính. Theo nội dung vụ án, do mâu thuẫn tranh chấp đất đai bố, mẹ để lại, L đã dùng dao gây thương tích 30% cho em trai là Trần Văn D. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hưng đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện xử phạt bị cáo Trần Văn L từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù. Trợ giúp viên đã thực hiện bào chữa cho bị cáo L, đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo L được hưởng mức án thấp nhất của Viện Kiểm sát đề nghị. Kết quả, Tòa nhân dân huyện Nghĩa Hưng đã tuyên xử phạt bị cáo Trần Văn L 3 năm 6 tháng tù. Bị cáo Vũ Huy B ở xã Liên Minh (Vụ Bản) thuộc diện NKT có khó khăn về tài chính phạm tội đánh bạc. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vụ Bản đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt Vũ Huy B 6 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Để bảo vệ quyền của Vũ Huy B, người bào chữa đã đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Kết quả Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản đã tuyên xử phạt bị cáo Vũ Huy B 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng. Từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức 39 đợt tư vấn ngoài trụ sở, truyền thông tại 39 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thu hút gần 400 NKT tham dự; tổ chức 5 buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tọa đàm cho hơn 200 lượt người thực hiện TGPL cho người khuyết tật; thực hiện TGPL cho 320 NKT (gồm tham gia tố tụng cho 44 người, tư vấn pháp luật cho 273 người, đại diện ngoài tố tụng cho 3 người). Các vụ việc TGPL đều đạt chất lượng tốt và người được TGPL hài lòng với kết quả giải quyết vụ việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phối hợp thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật chưa chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm trong quá trình triển khai thực hiện. Một số NKT còn mặc cảm, tự ti lại có sự hạn chế về trình độ, nhận thức, vận động nên việc tiếp cận pháp luật với họ còn nhiều trở ngại… Thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh để triển khai hoạt động TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về quy định của pháp luật về TGPL và các chế độ, chính sách đối với NKT. Tăng cường hoạt động TGPL các vụ việc cụ thể, trọng tâm là tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các vụ án liên quan người khuyết tật, NKT có khó khăn về tài chính. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính cho đội ngũ người thực hiện TGPL, đặc biệt kỹ năng tham gia tố tụng và kỹ năng tiếp xúc với NKT nhằm bảo đảm NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí theo quy định của pháp luật./.

Theo Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang