Đảm bảo môi trường tại các làng nghề sử dụng lao động khuyết tật: Thực trạng và giải pháp

(ĐHVO). Mặc dù chúng ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề nhưng còn nhiều bất cập, chồng chéo, việc thực thi pháp luật còn chưa hiệu quả, yếu kém, nhằm đảm bảo đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng làng nghề.

Tóm tắt: Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam thì làng nghề ở đồng bằng sông Hồng chiếm gần 40% làng nghề cả nước tạo việc làm thường xuyên lâu bền cho hơn 300 ngàn người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các làng nghề đã góp phần tích cực trong đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động khuyết tật, giúp họ trang trải một phần cuộc sống, không phụ thuộc vào người thân và tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển của các làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe của người lao động. Mặc dù chúng ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề nhưng còn nhiều bất cập, chồng chéo, việc thực thi pháp luật còn chưa hiệu quả, yếu kém, nhằm đảm bảo đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng làng nghề.

1. Mở đầu

Môi trường trong lành là một yếu tố vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết đối với mỗi con người và với mỗi quốc gia. Một quốc gia, một khu vực, một vùng không thể phát triển toàn diện, bền vững nếu không coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện nay Việt Nam luôn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Mặc dù Đảng, Chính Phủ và toàn xã hội luôn dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề này nhưng thực tiễn cho thấy môi trường tại các làng nghề của Việt Nam đặc biệt là làng nghề thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đang ô nhiễm trầm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong phạm vi bài báo này, tác giả muốn đề cập tới một số quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường làng nghề, những vấn đề thường găp phải trong quá trình thực thi pháp luật và đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề. Qua đó cũng tạo điều kiện cho người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội được lao động trong môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe, ổn định thu nhập, giảm gánh nặng cho gia đình và bản thân họ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Sưu tầm)

2. Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường làng nghề bảo đảm sức khỏe lao động cho người khuyết tật

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam thì làng nghề ở đồng bằng sông Hồng chiếm gần 40% làng nghề cả nước tạo việc làm thường xuyên lâu bền cho hơn 300 ngàn người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các làng nghề đã góp phần tích cực trong đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động khuyết tật, giúp họ trang trải một phần cuộc sống, không phụ thuộc vào người thân và tái hòa nhập cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ NKT trong việc cải thiện nhóm người yếu thế rất đa dạng, được các Sở, Ban, Ngành đặc biệt quan tâm như hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, tặng xe lăn, cấp học bổng, hỗ trợ tư liệu sản xuất, hỗ trợ sinh kế giúp NKT ổn định cuộc sống. Tuy nhiên môi trường làm việc của NKT đặc biệt là môi trường làm việc trong các làng nghề – nơi tạo công ăn việc làm ổn định và lâu dài cho NKT thì chưa thực sự được quan tâm đúng mực. Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam, các làng nghề có đã có từ lâu, gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động sản xuất của các làng nghề vẫn còn lạc hậu với máy móc kĩ thuật thô sơ, nguồn nguyên liệu chủ yếu được khai thác từ nguyên liệu tự nhiên tại các địa phương, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, đa phần nằm trong khu dân cư, nhận thức của người dân và của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn chưa cao dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các làng nghề, đe dọa sức khỏe cộng đồng cư dân sống trong làng và người dân khu vực xung quanh làng nghề.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, tại 65 làng nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy môi trường nước tại 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 08 làng nghề không ô nhiễm. Môi trường không khí tại 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm. Theo đánh giá môi trường đất, 28/65 làng nghề có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm. Trong đó có 06/65 làng nghề đạt chuẩn không ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí và môi trường đất; có 13 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với môi trường nước và môi trường không khí hoặc môi trường đất; có 05 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với môi trường nước và ô nhiễm môi trường không khí. Các làng nghề với quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn không có các hệ thống xử lý nước thải… đã và đang làm cho chất lượng môi trường nước tại nhiều làng nghề suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ngày càng được cộng đồng quan tâm. Đồng bằng sông Hồng, nơi tập  trung  nhiều  làng  nghề  nhất  trong  cả nước, chiếm đến xấp xỉ 60% tổng số làng nghề trên cả nước nhưng không có công trình xử lý nước thải, quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu khiến cho chất lượng môi trường nước, môi trường không khí… suy giảm nghiêm trọng. Như vậy, có thể thấy rằng nếu trong tương lai không quy hoạch lại các làng nghề, chuyển các làng nghề ra khỏi các khu dân cư thì tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề còn tiếp tục tiếp diễn phức tạp và môi trường nước sẽ ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện nay, phần lớn lượng nước thải từ các làng nghề này được xả thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy mà chưa qua xử lý khiến các con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể đến một lượng rác thải, bã thải lớn từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Tình trạng ô nhiễm môi trường như trên đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận. Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 10 năm so với làng không làm nghề. Ở các làng tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, thần kinh rất phổ biến, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự phát thải khí độc, nhiệt cao và bụi kim loại từ các cơ sở sản xuất.

Qua các số liệu kể trên có thể thấy môi trường lao động của NKT tại các làng nghề đã và đang bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đế sức khỏe của người dân xung quanh, người lao động tại làng nghề nói chung và NKT nói riêng. Việc ô nhiễm kéo dài sẽ dẫn tới các căn bệnh mang tính chất nghề nghiệp như nhiễm độc kim loại, bênh hen hoặc có thể dẫn tới ung thư….

Chính vì vậy, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề, nhà nước cần phải có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề, các chế tài mang tính răn đe để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường làng nghề của các chủ doanh nghiệp cũng như của người dân tại các làng nghề.

Bà Nậm (NKT vận động) làm việc đã mấy năm nay tại nhà ông Bang, đang thực hiện công đoạn ngồi tách bánh đa nem tại cơ sở ông Bang (Mê Linh, HN). Ảnh: Nguyễn Nhật

3. Một số vấn đề trong việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề có sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề như đề án của Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh”,  Việc phổ biến tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi, đối thoại, tọa đàm, tập huấn cho các cơ sở sản xuất làng nghề, người dân vùng đồng bằng Sông Hồng để giải đáp pháp luật, trao đổi những vấn đề quan trọng trong quản lý tài nguyên nước, đất, không khí…đã một phần thay đổi nhận thức, ý thức, biện pháp của chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ môi trường làng nghề.

Tuy nhiên việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay đang gặp một số vấn đề khó khăn do năng lực, nguồn lực còn hạn chế

Thứ nhất, quy định của pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề chưa hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót và chồng chéo. Mặc dù điều 70 của luật bảo vệ môi trường 2014 đã nêu rõ về công tác bảo vệ môi trường làng nghề và chính phủ ban hành nghị định 19/2015/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành tuy nhiên các văn bản này chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề, gây lúng túng cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Điều này dẫn tới những bất cập, hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề như hiện tượng tiêu cực, làm ngơ, cố tình vi phạm pháp luật của một số bộ phận người dân, chủ cơ sở sản xuất và thậm chí là những cán bộ quản lý môi trường làng nghề.  Cụ thể như quy định pháp luật đặc thù cho môi trường không khí. Luật bảo vệ môi trường 2014 mới chỉ đề cập rất ít tới việc kiểm soát ô nhiễm không khí (điều 62, 63, 64 về kiểm soát bụi, khí thải, hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ trong sản xuất kinh doanh dịch vụ). Tuy nhiên lại thiếu các quy định cụ thể trong văn bản dưới luật khiến việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bảo vệ môi trường không khí và xử phạt những hành vi gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng cũng được quy định trong Bộ luật Hình sự tuy nhiên chưa có những quy định xác định thế nào là ô nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nghị định xử phạt hành chính về quy định các mức phạt còn gặp nhiều khó khăn do việc kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng được thực tế về cả nhân lực và thiết bị kiểm tra. Hay như đối với vấn đề bảo vệ tài nguyên nước, đã có nhiều văn bản quy định về kiểm soát ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước nhưng các quy định này lại soạn thảo riêng rẽ, bị tách rời dẫn tới hiện tượng cạnh tranh, trùng lặp chồng chéo về quy định quyền hạn giữa các cơ quan khác nhau. Ví dụ như trong công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quy định thành lập hệ thống thanh tra tài nguyên môi trường nói chung mà thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước…Chính những thiếu sót trong các quy định, văn bản chính sách dẫn tới các đơn vị, cá nhân chưa nhận thức rõ trách nhiệm quản lý môi trường làng nghề, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành chưa được thực sự gắn kết.

Thứ hai, nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường làng nghề còn yếu. Hiện nay lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường tại cấp huyện đặc biệt là cấp xã, cấp phường còn quá ít, chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Ở các cấp này hầu hết không có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường mà thường là cán bộ kiêm nhiệm nên có nhiều bất cập trong quán triệt và triển khai các văn bản quy phạm pháp luậ về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề.

Thứ ba, ý thức về bảo vệ môi trường làng nghề của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, người dân làng nghề còn kém. Nhận thức về ô nhiễm trong sản xuất của các người dân trong làng nghề còn nhiều hạn chế đôi khi còn mang tính bảo thủ. Một số hộ sản xuất cho rằng họ đang giữ gìn bản sắc của làng, của dân tộc nên việc họ làm là bảo tồn giá trị văn hóa đi đôi với đó là gây ô nhiễm là điều tất yếu. Họ thường thoái thác trách nhiệm, không thừa nhận những hành vi gây ô nhiễm và bao biện theo quan điểm cá nhân đối với tình trạng không tuân thủ pháp luật về bảo vệ làng nghề. Trình độ dân trí của chủ cơ sở sản xuất và người lao động chưa thực sự hiểu và nắm bắt chính xác các văn bản quy phạm pháp luật, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Đặc điểm của các làng nghề thường ở khu vực nông thôn, mối quan hệ trong cộng đồng dân cư làng nghề mang nặng tình cảm như quan hệ họ hàng, xóm giềng… dẫn đến việc người dân thường bàng quan né tránh trong việc phản ánh các hành vi gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất dẫn tới khó khăn cho các cơ quan quản lý môi trường trong việc kiểm soát và xử lý khắc phục sự cố môi trường.

Thứ tư, các chính sách hỗ trợ đối với làng nghề sử dụng nhiều lao động khuyết tật chưa rõ nét. Hiện nay các chính sách hỗ trợ chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp, hộ gia đình có sử dụng lao động là NKT. Nhưng nếu có những chính sách phủ rộng hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ dạy nghề cho các làng nghề có sử dụng nhiều  NKT sẽ đạt được mục đích là thúc đẩy sự phát triển của làng nghề đồng thời tạo điều kiện cho NKT dễ dàng tìm được việc tại các làng nghề.

Thứ năm, các chế độ cho NKT khi bị bệnh nghề nghiệp còn chưa rõ ràng, cụ thể. Điều kiện làm việc của NKT trong các làng nghề không được đảm bảo, có thể dẫn tới các bệnh mang tính chất nghề nghiệp. Nhưng cũng rất nhiều NKT trong khu vực này lại không có thỏa thuận về quan hệ lao động, hoặc các hợp đồng ngắn hạn, mang tính thời vụ vì vậy họ chịu nhiều thiệt thòi và bất lợi khi gặp tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp do môi trường làm việc bị ô nhiễm gây nên. Nhiều trường hợp NKT không được áp dụng chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đã ảnh hưởng tới sức khỏe của NKT, gây khó khăn về cả tinh thần và vật chất của NKT và gia đình của họ.

Tóm lại, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống chính sách pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề nói chung và làng nghề có sử dụng nhiều lao động là NKT đang dần được sửa đổi bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên do năng lực, nguồn lực hạn chế, các văn bản còn nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, ý thức pháp luật bảo vệ môi trường còn yếu nên việc thực thi chính sách pháp luật gặp nhiều khó khăn.

4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề

Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở đồng bằng sông Hồng hiện nay là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của nhiều yếu tố như tuyên truyền, giáo dục nhận thức của các chủ thể kinh doanh, người dân tại các làng nghề, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong việc triển khai, giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Trước thực tế ô nhiễm tại các làng nghề của vùng đồng bằng sông Hồng và thực trạng thực thi pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, góp phần đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành cho người dân làng nghề.

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề. Như đã phân tích ở trên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề hiện nay còn nhiều bất cập, còn hiện tượng chồng chéo và bỏ trống bỏ xót nhiều quy định gây khó khăn cho việc thực thi. Vì vậy, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Trung ương, các tỉnh đồng bằng sông Hồng cần quan tâm đến việc ban hành các văn bản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Khuyến khích việc xây dựng các hương ước, quy ước trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, tiến tới xây dựng thành các quy định bắt buộc đối với các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất trong làng nghề.

Thứ hai, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường làng nghề. Thực trạng các cán bộ quản lý phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường khiến cho thực hiện nghiệp vụ của cán bộ còn nhiều hạn chế, không có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác. Vì vậy cần tiến hành thống kê, rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường làng nghề, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cũng như có chính sách sử dụng hợp lý. Tăng cường biện pháp giáo dục về tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tâm với công việc bảo vệ môi trường làng nghề cho các cán bộ quản lý các cấp. Đồng thời cần tiến hành thanh tra, kiểm tra về việc tổ chức, thực hành kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ quản lý trong công tác thực thi pháp luật nhằm phát hiện những cán bộ có trách nhiệm, nhiệt tình để tuyên dương khen thưởng, nhân rộng tấm gương điển hình và phát hiện kịp thời những cán bộ có hành vi vi phạm để có những chế tài kỉ luật phù hợp.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường làng nghề với cơ sở sản xuất, hộ gia đình và người dân tại các làng nghề. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục về pháp luật bảo vệ môi trường phải thực hiện có trọng tâm gắn với những đặc điểm của từng làng nghề thông qua các chương trình phổ biến pháp luật tại các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, các hội thảo khoa học về tác hại của vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, phát hành tài liệu, tờ rơi phổ biến pháp luật và lồng ghép các kiến thức về bảo vệ môi trường làng nghề trong chương trình giáo dục của từng cấp học…

Thứ tư, có những chính sách phù hợp đối với những làng nghề sử dụng lao động là NKT. Coi đây là nguồn việc làm thường xuyên và ổn định đối với lao động khuyết tật. Khi có các chính sách khuyến khích các hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề sử dụng lao động khuyết tật sẽ tạo điều kiện cho NKT dễ dàng trong việc tìm việc làm phù hợp với khả năng lao động của bản thân.

Thứ năm, có những chế độ đặc thù đối với người lao động khuyết tật khi họ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động. Điều này sẽ giảm khó khăn cho bản thân và gia đình họ giúp họ yên tâm hơn trong quá trình lao động.

Tóm lại, để thực thi được pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có hiệu quả đòi hỏi sự phối kết hợp một cách đồng bộ của các toàn xã hội. Trong đó nhấn mạnh tới vai trò của các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề và ý thức của người dân trong các làng nghề. Và khi môi trường làng nghề được đảm bảo, có những chính sách phù hợp với các làng nghề sử dụng và dạy nghề cho các lao động khuyết tật thì đây chính là nguồn cung việc làm ổn định đối với NKT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Việt Hùng, 2017, Phát triển công nghiệp làng nghề vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa Học xã hội, Hà Nội.
  2. Nguyễn Trần Diện, 2016, Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng Việt Nam, Luật án Tiến sĩ, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  3. Đắc Linh, Cách tiếp cận mới trong xây dựng mô hình du lịch làng nghề, https://nhandan.com.vn/du-lich/cach-tiep-can-moi-trong-xay-dung-mo-hinh-lang-nghe-du-lich-61606
  4. Phạm Duy, 2020, Ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề ở Bắc Ninh, URL: https://thoibaokinhdoanh.vn/an-sinh/o-nhiem-nghiem-trong-tai-cac-lang-nghe-o-bac-ninh-1066339.html
  5. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2008, Báo cáo môi trường quốc gia, Môi trường làng nghề Việt Nam, http://vea.gov.vn/detail?$id=366
  6. Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh

Đại học Mỏ – Địa chất

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang