Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm thơ bằng tiếng dân tộc thiểu số tuyên truyền phong trào Việt Minh

(DHVO). Khi biên soạn cuốn sách lịch sử ngành Bưu điện Bắc Cạn (Nxb Bưu điện ấn hành, 2004), chúng tôi được cụ Doanh Hằng (1925-2012), nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Kạn; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái, cung cấp một tư liệu quý, đó là bản chép tay “Việt Minh ngũ tự kinh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch ra tiếng Tày và tiếng Dao. Đây cũng là tài liệu đặc biệt quan trọng để tuyên truyền Chính sách của Việt Minh khi mới ra đời.

Việt Minh là tên gọi tắt của của Việt Nam độc lập đồng minh, ra đời ngày 19/5/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) nhằm tập hợp lực lượng tham gia cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, năm 1945.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường công tác tại Việt Bắc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh tư liệu Bảo táng CMVN).

Trước đây, tôi đã được nghe Đại tướng nói tiếng Tày với đồng bào khi Đại tướng thăm tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên. Nay, tôi được biết thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp  thông thạo cả tiếng Dao, tiếng Mông.

Cụ Doanh Hằng cho biết, Đại tướng là người trực tiếp chỉ thị thành lập Tỉnh uỷ và Tỉnh bộ Việt minh lâm thời tỉnh Bắc Kạn, ngày 22 – 01 – 1944. Và chính ông cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giác ngộ, tham gia Việt Minh từ năm 1942, là một trong 3 đảng viên đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Trong những năm tháng gian khổ ấy, Đại tướng đã sống cùng đồng bào, nói tiếng nói của đồng bào và được đồng bào thương yêu đùm bọc như ruột thịt. Nói về tài liệu “Việt Minh ngũ tự kinh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Doanh Hằng kể: Năm 1941, khi Mặt trận Việt Minh mới ra đời, Bác Hồ làm diễn ca về “Mười chính sách Việt Minh” bằng thơ lục bát cho mọi người dễ thuộc. Ở Việt Bắc, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống. Để phù hợp với tình cảm, cách nghĩ của đồng bào địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển bài diễn ca trên của Bác Hồ sang thể thơ năm chữ gọi là “Việt Minh ngũ tự kinh” và dịch ra ba thứ tiếng: Tày, Dao, Mông.

“Việt Minh ngũ tự kinh” gồm 118 câu. Trong đó, khi nói về tương lai đất nước, bản tiếng Việt thế này:

“Dân khắc bầu Chính phủ

Dân có quyền tự do

Được hội họp tha hồ

Được nói bàn phải trái

Được bán buôn đi lại

Trên đất nước nhà mình

Thổ (Tày), Mường, Mán (dao), Nùng, Kinh

Thương yêu nhau ân ái …”

Đoạn này dịch ra tiếng Tày như sau :

“Dân hẩy bầu Chính phủ

Tặc luật lệ kỷ cương

Sloon cạ căn kin dú

Tẳng có đẩy bản mường

Cần mưa pù, tẩu tổng

Cần háng phú, nông thôn

Xày căn tỉnh tiếng sloon

Tờ slương, slết, kết đoàn …

Còn đây là bản dịch tiếng Dao:

“Pua càu bàu Chính pủ

Chấn sỉ mài tự do

Coóng bàn chù mái chù

Tha hồ tú hại cắp

Tú chấu chiếu dốn mình

Liên nhua pua đao nước

Chây pè tài dốt miền

Láo lống pua chàng mua …”

(Bản dịch tiếng Mông chúng tôi chưa sưu tầm được – TG ).

Nói về công tác xây dựng hội (Việt Minh), “Việt Minh ngũ tự kinh” có đoạn:

“…Muốn cho hội vững chắc

Từng tiểu tổ lập nên

Ba đến chín hội viên

Mới lập thành tiểu tổ

Phải cử ban chấp hành

Kỷ luật phải nghiêm minh

Mỗi tháng hai kỳ họp …

Bản dịch tiếng Tày:

… “Chài nhình lao lăng nỏ

Slà puén căn, slứn căn

Kỉ lai pày cảng cỏ

Tặt tên mấu pền cần

Dượng mừ thề khẩu hội

Lập tiểu tổ slan cần

Lai hội viên, lai tổ

Bầu cử ban chấp hành …”

Bản dịch tiếng Dao:

“… Chù liệp mài tiểu tổ

Mài tsắm nom tiểu tổ

Chù bầu ban chấp hành

Sỉ hụi chù chấu luồn

Chìn fí chá chá nộp

Mủi chá y dụm họp

Mái tú khển kiẳm tào

Tài vết pua chù bầu …”

“Việt Minh ngũ tự kinh” được phổ biến rộng rãi trong đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tháng 5- 1942, Đảng bộ liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng quyết định lấy “Việt Minh ngũ tự kinh” làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hoá. Nhờ đó, số lượng hội viên tăng nhanh, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ.

Trước sự phát triển của phong trào Việt Minh, bọn địch mở những cuộc khủng bố khốc liệt. Bọn chúng biết, vũ khí lợi hại của Việt Minh lúc này là tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong nhân dân. Vì vậy, chúng dồn làng nhằm cách ly đồng bào với cán bộ Việt Minh; lùng sục bắt bớ, tra tấn, bắn giết cán bộ và những người chúng nghi liên quan đến Việt Minh. Cụ Doanh Hằng kể, lúc khám xét một bản Dao, bọn địch tìm thấy trong nhà một hội viên cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh”. Đồng chí hội viên này bị chúng bắn chết rồi chặt đầu, tay và chân đem về bêu tại châu lỵ Nguyên Bình. Một hôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giảng bài tại một lớp huấn luyện ở Cẩm Lý thì bọn địch ập tới, lớp học kịp rút vào rừng. Chúng bắt được một người dân tộc Dao làm nhiệm vụ canh gác lớp học, liền chặt đầu đem đi…

Trong thời gian biên soạn cuốn sách trên, chúng tôi đã gặp rất nhiều bâc lão thành cách mạng, hoạt động ở Bắc Kạn trong những năm trước Cách mạng tháng 8/1945. Khi tiếp xúc với các nhân chứng, nhắc đến “Việt Minh ngũ tự kinh” hầu hết mọi người đều thuộc. Cụ Nông Văn Quang, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn, khi xem bản chép tay “Viết Minh ngũ tự kinh” còn sửa lại mấy câu cho đúng với nguyên bản! Thế mới biết, tác động to lớn của “Việt Minh ngũ tự kinh” đối với việc xây dựng phong trào Việt Minh, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 – 1945./.

Cao Thâm

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang