Đại tá về vườn-Kí của Lưu Quốc Hòa

(DHVO). Đọc bài kí của tôi trên trang cá nhân fb viết về lọ mẻ cơm truyền thống. Nguyễn Thành Hữu ghi cảm nhận: Tao về quê và có hẳn 2 lọ mẻ, vừa ăn vừa cho hàng xóm. Tao thích nhất món ngó khoai nấu mẻ, hôm nào tao gọi thì vào mà ăn, nhân thể xem tài ẩm thực của tao.


Đại tá Nguyễn Thành Hữu

Sau chuyến đi Thanh Hóa mệt bở hơi tai. Vừa về đến nhà tôi lăn ra ngủ. Không rõ mấy giờ đêm, đang ngon giấc thì thấy chuông điện thoại. Tôi càu nhàu: Thằng động dồ nào gọi điện quấy quả mình đêm hôm thế này và miễn cưỡng nhấc máy. Đầu bên kia một giọng quen thuộc cất lên: “Về chưa mày? Sáng tao ra thấy nhà mày khóa im ỉm. Hỏi hàng xóm họ bảo mày đi xứ Thanh”. Tôi trả lời: “Về rồi, đang hồn lìa khỏi xác đây! Có chuyện gì đấy thằng bạn? Thành Hữu cười: “Mai vào tao ăn ngó khoai nấu mẻ nhé!”.

Nguyễn Thành Hữu là đại tá về hưu nhưng hưởng lương tướng cùng vợ con ở lại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn và khoa Sử, rồi học đến tận tiến sĩ, công tác tại Binh chủng Hóa học rồi về Bộ Tổng Tham mưu. Hữu là bạn học với tôi suốt những năm học cấp 1 rồi cấp 2 trường xã. Hai thằng bằng tuổi nhau và từ tuổi thơ cho đến tận bây giờ vẫn quen gọi nhau là “mày tao”…Cái địa vị xã hội không thể lẫn vào cách xưng hô cá mè một lứa. Ngay cả đời thường, có hôm hai thằng cãi nhau hàng giờ trên điện thoại vì một đoạn văn, một tứ truyện hay một cái dấu chấm dấu phảy giời ơi đất hỡi…

Tôi ngắm cơ ngơi của một ông Đại tá về hưu mà khó diễn tả cảm xúc. Vẫn là ngôi nhà xưa từ những năm 60 của thể kỉ trước. Ngôi nhà lợp ngói đã lên rêu xanh, đôi ba chỗ ngói đã mủn ra rơi như bụi phấn. Cái hiên có mấy cái cột bương vừa được lau rửa kì cọ và những cây luồng Thanh Hóa già đáu làm đòn tay rui mè thi gan tần ấy năm với thời gian. Loáng thoáng từng góc có những đôi vợ chồng nhện đang thoăn thoắt giăng tơ và chiếc ban thờ đầy ắp chân nhang cuộn tàn. Có lẽ chỉ khác xưa là nền nhà nay đã được lát đá hoa loại rẻ tiền. Tôi rưng rưng ngắm lại ngôi nhà mà tôi và Hữu vẫn cùng nhau nô đùa những năm bom Mỹ. Ngôi nhà ấy là chứng tích của lứa cha mẹ chúng tôi đã lăn lưng trên đồng để nuôi chúng tôi khôn lớn và cầm súng ra trận. Nơi mà chúng tôi vĩnh biệt đưa cha mẹ về với khoảnh đồng xa. Nơi lứa chúng tôi lấy vợ và sinh con. Rồi mồng 5 ngày Tết, ngày giỗ chạp tổ tiên ông bà…Ôi! sâu nặng quá là một nếp nhà để làm nên nết người biết sống phải để làm những điều tử tế.

Tôi biết Hữu có thể đủ sức làm một biệt thự hiện đại để ở ẩn tuổi già nhưng bạn tôi biết giữ lại những điều sâu thẳm trong tâm hồn. Để nhớ, để thương một đoạn đời đi qua với bao sự hợp tan, bao gừng cay muối mặn. Bọn văn chương như tôi với Hữu vốn giản dị, tránh những hội hè đình đám với “cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm” là vậy. Chúng tôi thích cô đơn mà suy tưởng, càng cô đơn, cô đơn đến thảm sầu mới có độ lùi thời gian mà viết. Bọn tôi tránh những tiếng cười ha hả, tránh những phù phiếm mà muốn trở lại những giá trị làng quê cổ sơ nền nếp.

Tôi kể cho Hữu nghe một chuyện như cổ tích: Hôm tôi dọn về nhà mới, lúc khiêng chiếc giường ra khỏi nhà, có đôi vợ chồng…cóc cứ ngẩn ngơ vì không còn gầm giường để trú ngụ. Chúng nhảy ra sân và cứ thế thúc thắc nhảy theo chủ và phải một đoạn khá xa, tôi ne chúng lại nhà cũ thì đôi cóc cụ mới chịu nhảy lại rồi trốn vào bụi khu vườn. Tôi đứng lặng nhìn theo và tự nhiên rấm rứt khóc.

Nghe chuyện, Hữu dẫn tôi vào góc nhà. Ở góc hơi tối nhà Hữu cũng có nhiều vợ chồng cóc, già có, trẻ có ôm nhau ngủ hồn nhiên và tin tưởng. Hữu nói: cứ tối tối là chúng nó kéo nhau ra vườn. Sáng ra lại lục tục kéo vào góc nhà. Nhiều lần không nhảy vào được, lại phải giúp đấy. Kể cũng vui. Con người và giống vật vô tri cũng có mối hòa đồng giao cảm. Đất lành thì chim đậu và người lành thì thú vật chim muông cũng muốn ở cùng… Người ác thì nuôi chó hay cắn trộm vì muốn noi gương chủ. Ta ác với thiên nhiên thì thiên nhiên quay lại ác với ta… Lẩn mẩn tôi nghĩ như thế.

Chúng tôi ngồi cùng nhau trước hiên ngôi nhà cũ để ngắm hai cây mẫu đơn đang đỏ ối hoa. Thành Hữu trầm tư nói với tôi và hình như cũng nói với chính mình:

– Hoà này! Cái bả danh lợi nó tàn phá con người khủng khiếp lắm! Sao có nhiều thằng tham thế. Của nả tiền bạc thừa ăn mấy đời mà vẫn tham. Cũng phải để con cái nó lo thân để biết giá trị của lao động. Nhiều tiền quá dành cho con là một hình thức giết con ngọt ngào. Làm chúng ỷ nại và ích kỉ. Cái ông Binget giàu như thế nhưng cũng chỉ cho con đủ tiền lập một công ty rồi tự lao động mà sống, còn bao nhiêu cống hiến cho nhân loại. Một món từ thiện khổng lồ đã đem lại hạnh phúc cho bao người trên trái đất.

Tôi trả lời Hữu:

-Tao cũng từng giàu có nhưng tao nghiệm ra: Thằng người, nhất là những thằng người giống đực, càng nhiều tiền, càng lắm hư đốn bởi sức quyến rũ, những dục vọng thiếu lương thiện nó dắt mình đi. Nó như ma đưa lối quỷ dẫn đường làm mình rạc dài lúc nào không hay…

Hữu cười:

-Mày thấy không! Làm một quan chức có quyền bính mà không thanh liêm thì khó ổn lắm… tham rồi, tham nữa, tham mãi, cuối cùng là vào nhà lao nằm nền xi măng. Không biết các quan tham đất nước ta thi nhau vào lò nướng giờ này có ân hận không. Mà ân hận thì cũng muộn rồi. Các vị ấy có học đạo làm quan mà cha ông ta đã dăn dạy không nhỉ ?

Bữa cơm hai thằng đàn ông hì hục loạy nhoạy nấu nướng rồi cũng được dọn ra. Cả hai thằng khoanh chân dưới nền đá hoa so đũa xếp bát. Bữa cơm này tôi dành phần nấu ngó khoai với mẻ cho riêng Hữu “trổ tài ẩm thực” …Vừa ăn vài đũa tôi đã nhăn mặt: “Chua quá! Chua hơn cả khế.! Mày đánh bả tao đấy à. Chua thế này có thể rụng hết cả răng”.

Hữu cười: “Để tao ăn xem nào! Ái dà, chua thật. Quái lạ, sao tao cho có một muỗng mẻ thôi mà chua vậy. Quái lạ! Quái lạ thật…Rồi thằng bạn ngồi thừ tiếc rẻ cái bó dãi khoai mất cả tiếng đồng hồ ngồi tước vỏ”.

Tôi cười phá lên:

– Quái lạ cái gì! Chẳng quái lạ đâu bởi tao với mày chỉ là kẻ vụng tay nhưng hay mắt. Chúng ta được vợ chiều nó quen rồi, chỉ biết ngồi ăn. Có khi ăn ngon cũng tiết kiệm lời khen với vợ.

– Có thể là như thế thật! Hình như là như thế thật!

Thấy đụng mâm gõ thớt. Mấy con chó vàng nhà hàng xóm lách rào sang ngồi chầu và khua đuôi xắng xít. Một con sà vào lòng Hữu nghếch mõm lên ngóng đợi, một con rụt rè ngồi cạnh tôi ý chừng muốn kết thân. Tôi đút cho cậu Vàng miếng xương, nó nhai rau ráu. Bên đối diện tiếng Hữu quở chó: “Thôi nào! Từ từ tao cho ăn. Đừng ngoáy đuôi nữa! Cảm ơn cái gì. Chúng tao ăn hết thịt chỉ cho chúng mày gặm xương thì kể ra cũng chưa tốt lắm đâu”.

Khề khà hai thằng uống li rượu nhạt và bàn về tập sách viết chung về 10 cô gái Lam Hạ anh hùng trong đó có cô giáo Vũ Thị Thanh Phương, chủ nhiệm lớp chúng tôi.

Nắng thu trải hong hanh lên khu vườn và khoảng sân trước nhà. Hai cây mẫu đơn rung rinh đón nắng gió. Tự nhiên tôi triết lí:

-Mày thấy về vườn có sướng không ? Thế mà nhiều thằng nghe từ về vườn thì ấm ức như người ta miệt thị mình.

– Thì vẫn! Về vườn là về chốn cũ ta ra đi sau khi làm tròn bổn phận làm trai khi đất nước có giặc. Xong việc thì về, nấn ná ở lại làm gì. Dù còn bao công việc  đang làm rở, nhưng đến tuổi là tao xin nghỉ, bàn giao cho thế hệ kế tiếp nó làm. Các cụ nhà mình có câu: Tri túc – Thường túc thế mà chí lí vô cùng. Tiền nhân dạy ta rằng: Hãy biết dừng lại khi vừa đủ độ.

Chia tay bạn, tôi lại đi trên con đê làng quen thuộc. Đâu rồi những cánh cò chớp trắng trên cánh đồng xa. Những kỉ niệm tuổi thơ chỉ còn trong hoài niệm. Quê tôi mới nâng cấp lên đô thị với nhà tầng và những con đường trắng phau, thẳng tắp. Lại miên man nghĩ về bạn học, vị Đại tá về vườn để bình tâm sáng tác, và mỗi sớm mỗi chiều thắp nhang trên ban thờ tổ tiên cha mẹ. Lại nhớ đến câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao”.

Phải chăng khôn hay dại là con người tự định danh giữa cuộc đời đầy dâu bể.

Phủ Lý tháng 9/2019

LQH

Bài viết liên quan

Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Cần làm tốt vai trò truyền thông liên quan đến người khuyết tật

Picture1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại tỉnh Nam Định

Picture1

Nam Định tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang