Để ứng phó với các tình huống trong phòng, chống dịch COVID-19, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã phát huy thế mạnh sẵn có, huy động trí tuệ của tập thể các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh SARS-CoV-2 virus do các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học (ĐHTN) phối hợp với Trường Đại học Y – Dược, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nghiên cứu, chế tạo đã được hoàn thiện, hiện đang lập hồ sơ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thẩm định.
Vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, ngay sau khi nhận nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch CVID-19 tỉnh, ĐHTN đã triển khai khu vực chuẩn bị cách ly tập trung, đảm bảo dự phòng 600 chỗ tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh. Đảng ủy ĐHTN đã có nghị quyết sử dụng 7/7 cụm kí túc xá của 7 trường ĐH và CĐ trở thành trung tâm cách ly trong trường hợp khẩn cấp.
ĐHTN đã kịp thời xử lý các vấn đề xã hội đang đặt ra bằng ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ vào phòng, chống dịch. GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN cho biết: “Khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, các nhà khoa học, giảng viên của các trường thành viên thuộc ĐHTN bằng sự tâm huyết trách nhiệm của mình đã trực tiếp sản xuất hàng chục nghìn lọ dung dịch sát khuẩn tay và nước súc miệng nano bạc thảo dược chỉ với chi phí hơn 700 triệu đồng. Số lượng sản phẩm này đã được các đơn vị trao tặng ngành giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc và hàng chục trường ĐH, CĐ, phổ thông, mầm non trong khu vực.”
Đặc biệt, Trường Đại học Khoa học phối hợp với Trường Đại học Y – Dược và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên triển khai đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Đề tài đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương, giao nhiệm vụ, đặt hàng chế tạo “Bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh SARS-CoV-2 virus” với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng.
Ở khối trường kỹ thuật, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã triển khai đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo “Máy đo thân nhiệt tự động không tiếp xúc” với kinh phí nghiên cứu khoảng 100 triệu đồng. Hiện đã có 6 thiết bị (trị giá khoảng 2,5 triệu đồng/thiết bị) được hoàn thành, lắp đặt tại ĐHTN và các đơn vị thực hiện dịch vụ công trong tỉnh, được đánh giá cao qua quá trình sử dụng. Trường cũng đang có kế hoạch thiết kế, chế tạo máy phun nước sát khuẩn tự động và Robot phục vụ khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Đối với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, các thầy, cô giáo, nhóm sinh viên đã sản xuất chuỗi video đồ họa chuyển động (Motion graphics), tập trung vào các nội dung về dịch COVID-19 như: Phân biệt cúm thường và cúm do COVID-19, cơ chế lây nhiễm bệnh, những điều cần làm sau khi tiếp xúc người nhiễm và nghi nhiễm, biện pháp phòng chống, tăng cường sức khỏe, sử dụng khẩu trang đúng cách… Nội dung được tổng hợp và thiết kế dựa trên nguồn thông tin chính thức của Bộ Y tế, thể hiện qua ngôn ngữ ký hiệu của giáo viên Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh.
Về công tác quản lý, từ cuối năm 2019, ĐHTN đã triển khai sớm việc sử dụng phần mềm SvOnline để cập nhật dữ liệu 54 nghìn người học tại các tỉnh, báo cáo hằng ngày, lưu trữ dữ liệu chi tiết tại các đơn vị. Chỉ đạo và cập nhật dữ liệu của hơn 4.000 cán bộ, viên chức, người lao động toàn đại học để khai báo dữ liệu và kịp thời xử lý thông tin. Cập nhật 100% dữ liệu người nước ngoài đến và ở tại ĐHTN; dữ liệu cán bộ, sinh viên từ nước ngoài về nước, báo cáo tỉnh, Bộ theo quy định trước 16h hàng ngày…
Để tiếp tục ứng phó với những diễn biến của dịch COVID-19, ĐHTN triển khai nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo và của tỉnh; duy trì thực hiện nghiêm chế độ làm việc và các biện pháp đảm bảo an toàn trong thời gian phòng, chống dịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo triển khai hoàn thành khung chương trình, kế hoạch đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(Theo Thainguyendientu)