Đại đoàn kết dân tộc: Di sản quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời gian vừa qua, một lần nữa minh chứng cho sức mạnh bất diệt của tinh thần đại đoàn kết của Dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19…

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, đã để lại cho dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá. Tư tưởng của Người là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn kết dân tộc đã trở thành giá trị tinh thần vô giá, truyền thống của người Việt, được hun đúc hàng ngàn năm trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước để Việt Nam tồn tại và phát triển. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đặc biệt coi trọng việc đoàn kết, vì đoàn kết dân tộc là mấu chốt của mọi thắng lợi, đồng thời cũng là quy luật mang tính sống còn của Dân tộc Việt Nam. Đoàn kết có thể hiểu đó là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi tới các thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết dân tộc. Nói về đại đoàn kết, Bác Hồ đã giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Theo Người, đại đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng, kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế.

Như vậy, đại đoàn kết dân tộc có thể hiểu là: Đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc, trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản của cả dân tộc. Trong khối đại đoàn kết đó, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất, đồng thời là cơ sở vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc chỉ được phát huy khi tập hợp trong một Mặt trận dân tộc thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cả dân tộc hay toàn dân chỉ có thể tạo nên một sức mạnh, trở thành lực lượng vô địch khi được tổ chức thành một khối chặt chẽ, được giác ngộ sâu sắc về mục tiêu lý tưởng, được định hướng bởi một đường lối chính trị đúng đắn. Là người lãnh đạo tối cao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh, mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu và đánh bại một tên thực dân đầu sỏ có ưu thế tuyệt đối về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.

Trong suốt quá trình xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và công cuộc kiến thiết, bảo vệ Tổ quốc sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không ngừng được phát huy, giúp nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để có một Việt Nam ngày càng phát triển, có uy tin trên trường quốc tế. Vận dụng phát triển sáng tạo tư tưởng của Bác về đại đoàn kết dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đảng ta khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là sự liên kết, gắn bó tất cả các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác, người đã nghỉ hưu và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài thành một khối vững chắc, ổn định, lâu dài nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đem lại hạnh phúc cho nhân dân.


Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Thời gian vừa qua, một lần nữa minh chứng cho sức mạnh bất diệt của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, cả thế giới chao đảo trước đại dịch Covid-19 tàn phá. Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD. Hiện nay các nước có nền kinh tế lớn là Mỹ, các nước châu Âu đang bị thiệt hại chưa từng có trong lịch sử và dịch bệnh còn diễn biến khó lường, số ca nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại.

Như vậy, có thể nói đến nay Việt Nam đã cơ bản khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và đang nỗ lực cùng với các nước đóng góp sức người, sức của tiếp tục ngăn chặn, chống lại đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới: Việt Nam là một trong những điểm sáng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đáng được các nước học tập. Có rất nhiều lời giải thích vì sao Việt Nam lại đạt được thành công chống dịch. Nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể khảng định với bạn bè quốc tế, điều tiên quyết của sự thành công chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của một Chính phủ vì dân trong thời điểm cực kỳ khó khăn; với phương châm: Tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết; cùng chung sức, chung lòng sát cánh bên nhau chiến đấu “chống dịch như chống giặc” và “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch” không để ai bị bỏ lại phía sau dù họ là ai, đã tạo ra một sức mạnh chiến thắng.

Chúng ta có quyền tự hào về dân tộc mình, với những chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu là bác sĩ, nhân viên y tế; các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng liên ngành, tình nguyện viên… họ là những người ngày đêm đối mặt với nguy hiểm, hy sinh vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cảm động biết bao với những tấm gương của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn những hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. Đến nay, Ban vận động Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận số tiền và hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ đồng của hàng chục triệu đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước gửi về. Hàng triệu lượt người nghèo, người khuyết tật, người gặp khó khăn được hỗ trợ kịp thời từ cân gạo, gói mỳ tôm, chiếc khẩu trang, bộ quần áo… Những món quà vật chất tuy nhỏ, song đó là những tình cảm “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” đã làm ấm lại tình đồng chí, nghĩa đồng bào cùng chung nguồn cội… Chính vì vậy mà Việt Nam đã tập hợp được ý chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và các mọi lực lượng trong xã hội để vượt qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Tháng 5 vừa qua, nhân dân ta kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại: 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 75 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít; 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù vẫn đang trong thời điểm phải tiếp tục cảnh giác, không tập trung đông người, hạn chế đi lại, thực hiện vệ sinh dịch tễ và những điều Chính phủ, các cơ quan chức năng yêu cầu, song không khí vui mừng phấn khởi, tự hào vẫn tràn ngập trong lòng mỗi người Việt Nam yêu Tổ quốc.

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay, trong hoàn cảnh thế giới ngày càng phức tạp, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách xuyên tạc nhằm chia rẽ, phá hoại những thành quả của cách mạng Việt Nam, tình hình biển Đông, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp… Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết là vấn đề chiến lược lâu dài, liên tục: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam để vượt qua khó khăn chiến thắng mọi kẻ thù; thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc Tổ quốc theo Di nguyện của Bác Hồ.

BBT

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang