Cựu chiến binh tạo “sinh kế” cho người khuyết tật

Hết lòng vì ngôi nhà chung

Đầu tháng 9, chúng tôi có dịp tới phường Thụy Khuê (Tây Hồ) thăm thương binh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ Vũ Hữu Lào. Tiếp chuyện chúng tôi trong Văn phòng Hội – một căn phòng nhỏ xinh giản dị, chỉ đủ để kê tủ tài liệu, bàn làm việc, bàn tiếp khách, ông Vũ Hữu Lào chia sẻ, ông sinh năm 1955, sau gần 30 năm gắn bó với quân ngũ, năm 2003, ông nghỉ chế độ cấp bậc hàm Đại úy. Trở về địa phương, ông tham gia công tác xã hội tại phường Thụy Khuê hơn 10 năm. Sau đó, ông tham gia Ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ, rồi gắn bó với công tác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn suốt 8 năm nay. Hiện nay, ông Vũ Hữu Lào là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ.

ông Vũ Hữu Lào (ngoài cùng phía bên trái) và các học viên tại Lễ bế giảng trao chứng chỉ sơ cấp nghề cắt may dân dụng. Ảnh: Lê Thắm

Nói về nguyên do gắn bó với Hội, ông Vũ Hữu Lào cho biết, trước đây, trong quá trình công tác ở tổ dân phố với cương vị là Tổ trưởng, Tổ phó, ông có cơ hội sâu sát, nắm bắt cụ thể tình hình thực tế dân cư tại địa phương. Nhờ đó, ông biết trên địa bàn quận Tây Hồ cũng như nơi ông sinh sống có không ít người khuyết tật. Đa số cuộc sống của họ rất khó khăn, cộng thêm sự tự ti, mặc cảm và thiếu hiểu biết khiến họ gặp nhiều thiệt thòi, không được hưởng những chế độ mà bản thân đáng được hưởng. Chính vì vậy, ông tâm niệm những người khuyết tật cần được hỗ trợ một cách toàn diện, bền bỉ, thường xuyên để có thể vui sống tích cực, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nghĩ là làm, từ năm 2008, ông Vũ Hữu Lào cùng một số anh em thương binh đã tích cực, chủ động trong công tác vận động thành lập Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ. Đến năm 2015, sau thời gian dài chuẩn bị, đáp ứng đủ điều kiện quy định, Hội chính thức được thành lập. Hiện nay, trụ sở Hội đặt ở tầng 1 số nhà 16, ngõ 125 đường Thụy Khuê (Hà Nội), do gia đình một hội viên của Hội cho thuê với mức giá hỗ trợ, chỉ 1 triệu đồng/tháng.

Nhìn vào kết quả hoạt động hiệu quả của Hội hiện nay, ít ai nghĩ trong giai đoạn đầu thành lập, Hội gặp chồng chất khó khăn do thiếu trụ sở, thiếu kinh phí hoạt động. “Hồi đó, muốn thành lập được hội, địa điểm đặt trụ sở phải có sổ đỏ. Để đáp ứng điều kiện, tôi đã bàn với gia đình, thống nhất cho Hội mượn tầng 1 nhà mình tại 264 Thụy Khuê để làm trụ sở hoạt động suốt gần 5 năm. Quá trình hoạt động, do chưa có kinh phí nên tôi và các thành viên trong Ban Chấp hành Hội, người tự trích một phần lương hưu, người trích từ trợ cấp thương binh… để chung tay lo chi phí hoạt động hằng tháng”, ông Vũ Hữu Lào kể.

Dù nhỏ, hẹp nhưng nơi đây đã trở thành điểm đến gần gũi của 240 hội viên thuộc 8 phường trên địa bàn khi cần hỗ trợ thủ tục giấy tờ, tư vấn các nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật. Đây cũng là điểm gặp gỡ, kết nối giữa đại diện các tổ chức, cá nhân, các tổ chức phi chính phủ…với những mảnh đời khó khăn, thiệt thòi, hỗ trợ người khuyết tật trong công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Sau 8 năm hoạt động, đến nay, đã có hơn 60 hội viên được Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ và ông Vũ Hữu Lào hỗ trợ pháp lý, xác nhận khuyết tật và được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của anh Phạm Hùng Vĩ (sinh năm 1969, trú tại phường Thụy Khuê). Anh Vĩ là người khuyết bẩm sinh (đa khuyết tật) từ lúc sinh ra, thế nhưng do không nắm rõ quy định, vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ, nên không được xác nhận khuyết tật và nhận trợ cấp. Đến khi tham gia vào Hội, dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội anh được xác nhận là người khuyết tật nặng và được hưởng trợ cấp theo đúng quy định của pháp luật.

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Từ buổi đầu thành lập đầy khó khăn, đến nay, với sự chủ động, sáng tạo trong cách làm của các thành viên và cá nhân ông Vũ Hữu Lào, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ đã có nhiều thành công trong huy động nguồn lực xã hội hóa tặng quà người khuyết tật các dịp kỷ niệm, lễ, Tết, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn tích cực xây dựng dự án huy động các tổ chức phi chính phủ, góp phần tạo nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật trong cả việc tiếp cận công trình giao thông công cộng và đào tạo nghề.

Đơn cử như năm 2020, Hội lập dự án “Nâng cao năng lực vận động chính sách thúc đẩy tiếp cận các công trình công cộng cho người khuyết tật”, do Quỹ Abilis (Phần Lan) tài trợ, được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Quá trình triển khai dự án đã hỗ trợ việc tiếp cận của người khuyết tật với các công sở, công trình công cộng trên địa bàn quận Tây Hồ có nhiều thuận lợi, an toàn hơn. Thấy rõ sự đầu tư này đạt hiệu quả, đúng người, đúng việc, năm 2023, Quỹ Abilis lần thứ hai hỗ trợ Hội thực hiện dự án mở một lớp dạy nghề may dân dụng cho 10 hội viên là người khuyết tật, với mức kinh phí gần 240 triệu đồng, gấp gần 4 lần so với mức đầu tư của dự án lần 1. Đến nay, lớp đã hoàn thành khóa học và các học viên được cấp chứng chỉ vào ngày 30/5. Các học viên sau khi có chứng chỉ đã tự tin mở cửa hàng may hoặc nộp đơn xin vào làm việc tại các công ty may mặc trên địa bàn.

Theo ông Vũ Hữu Lào, bài học kinh nghiệm là phải chủ động nghiên cứu thông tin cấp Hội của thành phố cung cấp, chọn chủ đề hoạt động phù hợp với chương trình của đơn vị tài trợ. Thêm nữa, phải phát huy năng lực của thành viên Ban Chấp hành, hội viên trong việc lập, xây dựng dự án bảo đảm khoa học, chuyên nghiệp, sát thực tiễn.

“Quá trình triển khai, phải sâu sát, cụ thể, có hình ảnh, video người thực, việc thực, nêu thực tế việc thực hiện, xây dựng công trình giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận trên địa bàn. Với lớp dạy nghề may, chúng tôi tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ cho học viên, có sản phẩm thực chứng từ chính tay nghề của các học viên”, ông Lào cho hay.

Là một hội viên vừa hoàn thành chứng chỉ học may, bà Nguyễn Thị Lợi chia sẻ, bà tham gia vào hội từ những năm 2015, sau khi trở thành hội viên của Hội, từ một người không thích giao tiếp bà đã trở nên tự tin, hướng ngoại hơn. Lần này, tham gia lớp học may, mục đích của bà là duy trì, và mở rộng công việc kinh doanh của gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định cho những người khuyết tật giống như bà và các nhân viên tại cửa hàng. “Hiện cửa hàng gia đình tôi đang có 5 nhân viên đều là người khuyết tật. Sắp tới gia đình dự kiến sẽ tìm hiểu, nhờ sự hỗ trợ của Hội để vay vốn, mở xưởng may và đưa những người khuyết tật có tay nghề trong Hội vào làm việc, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho họ”, bà Lợi bày tỏ.

Theo laodongthudo.vn

Bài viết liên quan

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang