(ĐHVO). Bạn đọc hỏi: Tôi đứng tên sở hữu mảnh đất trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Nhưng do bị tay nạn nên tôi bị cụt cả 2 tay, không thể ký hay điểm chỉ được. Vậy tôi có bị coi là mất năng lực hành vi dân sự không và tôi phải làm thế nào để thực hiện thủ tục bán căn hộ chung cư đó? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Luật sư Đinh Thị Nguyên – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:
Ðiều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ mất năng lực hành vi dân sự là: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Căn cứ điều luật trên, bạn chỉ bị hạn chế một số khả năng viết, điểm chỉ do cụt cả hai tay còn trí tuệ vẫn minh mẫn, có khả năng nhận thức tốt nên không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo quy định. Do vậy, bạn có thể toàn quyền thực hiện các giao dịch dân sự để định đoạt tài sản của mình.
Về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bạn thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật đất đai.
Hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hồ sơ yêu cầu công chứng (1 bộ) gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng;
- Dự thảo hợp đồng (nếu có);
- Bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
Tuy nhiên, do bạn bị cụt 2 tay nên không thể ký và điểm chỉ nên trường hợp của bạn được giải quyết theo Khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2014 về việc người yêu cầu công chứng không ký và không điểm chỉ được, cụ thể: “Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu họ không mời được thì công chứng viên chỉ định.”
Như vậy, nếu bạn không thể ký tên và điểm chỉ được thì có thể nhờ người làm chứng hoặc yêu cầu tổ chức công chứng chỉ định người làm chứng để làm các thủ tục công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lưu ý, người làm chứng phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản của bạn.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai về việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Trên đây là giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của bạn. Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi về Tòa soạn theo Email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – 1900.62448 để được giải đáp và hỗ trợ.
Hồng Liên