(ĐHVO). Bà Đặng Thị Lịch – Sau khi tham gia thanh niên xung phong (TNXP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà sinh được một người con gái, tuy nhiên từ khi sinh ra bé lại phải chịu căn bệnh câm điếc bẩm sinh. Hai ba năm lo lắng cho con, giờ đây khi nhìn hoàn cảnh của bà không ai không khỏi ngậm ngùi thương xót.
Đi vào thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, chúng tôi hỏi thăm gia đình bà Đặng Thị Lịch, dân làng chỉ đường cho chúng tôi đi về cuối làng nơi có con đường đất nhỏ lầy lội, ngập nước.
Con đường lầy lội lối vào nhà bà Lịch
Vừa vào cổng, đập vào mắt là căn nhà nhỏ khoảng 20m2 lợp ngói xi măng là nơi mà hai mẹ con bà Lịch sinh sống trong những năm qua. Trong căn nhà tuềnh toàng, khiến ai nhìn vào cũng phải xót xa, một người phụ nữ khắc khổ ra chào đón, bà đon đả mời chúng tôi vào trong nhà. Nhìn qua căn nhà không có đồ đạc gì có giá trị, một chiếc giường mà bà giới thiệu là món đồ có giá trị nhất trong căn nhà đó cũng là nguyện vọng của con gái bà mong muốn có một chiếc giường không ọp ẹp. Bà rưng rưng nước mắt mà kể rằng “ cái Dương nó bảo tôi rằng sao nhà mình nghèo vậy mẹ con muốn mua một chiếc giường và một cái tủ để ai vào không chê mẹ con mình và cái tủ để đựng đồ của con”. Hai móm đồ đấy cũng chính là số tiền em Dương dành dụm, tích góp đi làm tại một Trung tâm việc làm cho người khuyết tật bao năm nay.
Ngôi nhà mẹ con cô Lịch đang sinh sống
Nói đến Dương từ khi sinh ra đã không được may mắn như bao người khác, em đã phải chịu căn bệnh câm điếc, lớn lên trong nổi nhọc nhằn vất vả cùng mẹ, Bệnh tật như vậy, nhưng Dương vẫn mong muốn được đi làm để phụ giúp mẹ phần nào đó và may mắn thay em đã được một trung tâm việc làm cho người khuyết tật nhận vào làm việc.
Còn cô Lịch khi còn trẻ cô tham gia TNXP mở tuyến đường Lâm Đồng – Sông Bé. Khi thời bình lập lại người thanh niên xung phong ấy vất vả một mình nuôi con khôn lớn.
Cô Lịch là cựu thanh niên xun phong
Bà kể lại “ Năm 1999 hai mẹ con chỉ có một mô đất nhỏ mà tôi bồi đắp nhô lên khỏ mặt nước để dựng một lều nhỏ cho hai mẹ con sinh sống, xung quanh toàn là ngập nước, đến nay công sức của tôi khiêng từng hoàn đất vất vả bồi đắp, tôn tạo nên mới được cao ráo như ngày hôm nay. Ngôi nhà này là công sức tôi làm lụng vất vả tích góp và cũng là tình thương của toàn xã thấy hoàn cảnh hai mẹ con khó khăn nên khi tôi xây nhà có giúp 10 triệu đồng, rồi từng hàng cây ở đây: hàng bưởi, cây cau… cũng là đôi bàn tay tôi tự trồng dù ở trên mảnh đất này so với mọi người đó không là gì cả nhưng với mẹ con tôi đó là cả một gia tài, công sức và kỷ niệm”.
Bé Dương là đối tượng được bảo trợ xã hội
Rồi bà lại ngậm ngùi chia sẻ “ cho dù tôi mua đất và ở trên đất từ năm 1999 đến nay, công sứ bồi đắp, tôn tạo, không ai đến tranh chấp đất của mẹ con tôi cả nhưng hiện tại đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Tôi chỉ có một nguyện vọng là mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho mẹ con tôi để mẹ con tôi được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mãnh đất này, để rồi khi tôi nhắm mắt xui tay không ai có thể đủi con gái tôi – đứa con gái khuyết tật câm điếc bẩm sinh ra khỏi mãnh đất này”
Bé Dương
Bà Lịch quanh năm lam lũ ruộng vườn, đến nay cũng già yếu hiện tại hàng ngày cô nhặt từng bó rau đi bán, ai hẹn rau của cô cô sẽ giao đến tận nhà. Cuộc sống của mẹ con cô vô cùng khó khăn nhưng mẹ con cô vẫn kiên cường mà sống.
Giọt nước mắt của cô Lịch
Khi hỏi về cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc, có khi nào cô muốn buông bỏ tất cả không? “Mệt, bất lực và muốn từ bỏ lắm chứ. Nhưng khi nghĩ lại về con lại không nỡ lòng nào, giờ đây tôi không sợ gì chỉ sợ khi chết đi mãnh đất này vẫn chưa được cấp sổ đỏ vậy thì con gái khuyết tật của tôi sẽ như thế nào” cô Lịch ngân ngấn nước mắt nói.
Mọi giúp đỡ cho gia đình bà Lịch xin vui lòng gửi về địa chỉ: Bà Đặng Thị Lịch, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, ĐT: 0335147344.
Ls: Đinh Nguyên
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt