Cục Quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế: Hội thảo xây dựng danh mục dụng cụ phục hồi chức năng ưu tiên

(ĐHVO). Ngày 17/02/2023, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế đã phối hợp cùng Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức IC, Chương trình phát triển Hoa Kỳ USAID đã tổ chức Hội thảo xây dựng danh mục dụng cụ phục hồi chức năng ưu tiên tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập (ICC); đại diện đến từ các Hội Người mù Việt Nam; Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, CLB Chấn thương cột sống….


Ông Cao Hưng Thái và ông Đặng Văn Thanh điều hành Hội thảo

Phát biểu khai khạc Hội thảo, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ y tế nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng nói chung và chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng (PHCN) đối với người khuyết tật nói riêng đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành, địa phương và toàn xã hội ngày càng quan tâm. Việt Nam đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật, người có công với cách mạng như nạn nhân chất độc da cam, thương bệnh binh…người cao tuổi… Điều đó được thể hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ như: Luật Người khuyết tật; phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật; ban hành các Chỉ thị, chương trình trợ giúp…

Theo chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện Việt Nam có 01 Bệnh viện PHCN thuộc Bộ Y tế, 01 Trung tâm PHCN trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 38/63 tỉnh/thành phố có bệnh viện PHCN hoặc bệnh viện PHCN lồng ghép; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Các khoa/đơn nguyên/tổ PHCN ở các bệnh viện/TTYT tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các bộ, ngành khác có 05 bệnh viện, 25 trung tâm PHCN. Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật PHCN được ứng dụng phục vụ người bệnh và NKT và người dân có nhu cầu, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng theo chia sẻ của ông Cao Hưng Thái: Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, người khuyết tật thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT. Hiện BHYT đã bao phủ 92,6% vào tháng 5/2022, tiến tới 93.2% vào năm 2023. Có hơn 3 triệu NKT trong số 6,2 triệu NKT đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng (năm 2011: 33 bệnh và 47 kỹ thuật PHCN; năm 2016: 252 kỹ thuật (tất cả các dịch vụ PHCN BYT ban hành đều được chi trả BHYT), hiện nay đang mở rộng tới 352 kỹ thuật PHCN.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ KCB, PHCN cũng như trong trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người dân và người khuyết tật, đó là: vẫn còn gần 3 triệu NKT phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ KCB. Đặc biệt các dụng cụ PHCN, dụng cụ trợ giúp rất cần đối với NKT, người cao tuổi, những người có khó khăn trong sinh hoạt lao động, học tập, làm việc để giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh, hiệu quả, độc lập, tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội, nhưng chưa được BHYT chi trả (Khoản 8 Điều 23-Luật Bảo hiểm Y tế).

Với nguồn tài chính có hạn, với nhu cầu về dụng cụ PHCN, công nghệ trợ giúp lớn tại Việt Nam, thì nguồn tài chính bền vững chi trả cho các dụng cụ trợ giúp NKT từ BHYT là hết sức cần thiết. Đồng thời, cần xây dựng Danh mục dụng cụ PHCN ưu tiên để giúp người khuyết tật, người dân có cơ hội được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động sinh hoạt, lao động của gia đình, xã hội. Trong thời gian tới, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi ban hành, thì Danh mục dụng cụ PHCN ưu tiên xây dựng sẽ được ban hành và triển khai thực thi. Trên cơ sở danh mục 50 dụng cụ trợ giúp, Bộ Y tế đã họp các chuyên gia từ cơ quan quản lý, chuyên môn, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật…. xác định các tiêu chí cần thiết để xây dựng Danh mục dụng cụ PHCN ưu tiên, phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam. Và Hội thảo này với mong muốn chia sẻ thông tin và thảo luận xây dựng, lựa chọn danh mục dụng cụ phục hồi chức năng ưu tiên; mong muốn nhận được những ý kiến của đại biểu là người thụ hưởng và có thêm cơ sở để hoàn thiện, tiếp tục xây dựng danh mục trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành – Ông Thái cho biết thêm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về báo cáo nghiên cứu, đánh giá năng lực dụng cụ phục hồi chức năng tại Việt Nam cùng bài trình bày về danh sách dụng cụ trợ giúp ưu tiên của Tổ chức Y tế thế giới và tiêu chí lựa chọn, hướng dẫn điền phiếu lựa chọn danh mục Dụng cụ trợ giúp ưu tiên ở Việt Nam của BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng phòng PHCN và GĐ, Cục Quản lý khám chữa bệnh; bài chia sẻ những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ về y tế của người khuyết tật đến từ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.


BSCK I Nguyễn Thị Thanh Lịch trình bày các nội dung tham luận tại Hội thảo

Bài chia sẻ của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã nhấn mạnh nhu cầu cần hỗ trợ về y tế của người khuyết tật là rất lớn với con số tham khảo là trên 80%, nhất là ở các nội dung như: Chăm sóc sức khỏe/Khám chữa bệnh thường xuyên, định kỳ; nhu cầu PHCN và dụng cụ trợ giúp (dụng cụ PHCN); nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần; nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản; dịch vụ y tế tại nhà hay hỗ trợ, tư vấn về y tế… Cùng với đó, bài chia sẻ cũng chỉ ra thực trạng những khó khăn trong tiếp cận y tế cùng một số giải pháp kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng trong đó chủ yếu là vai trò của ngành y tế trong việc thúc đẩy, đảm bảo nhu cầu hỗ trợ về y tế của người khuyết tật nhất là trong vấn đề PHCN và tiếp cận các dụng cụ trợ giúp (dụng cụ PHCN).

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi của các đại diện đến từ các tổ chức của và vì người khuyết tật, đại diện cho nhiều dạng khuyết tật nói nên tiếng nói và nhu cầu thực tế với các dụng cụ trợ giúp có tính ứng dụng cao. Bên cạnh làm rõ các tiêu chí, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số dụng cụ chức năng phù hợp, có tính phổ dụng nhưng chưa có trong danh mục trên cơ sở vẫn đảm bảo các tiêu chí mà Cục đưa ra.

Tin tưởng rằng, với những ý kiến trao đổi, khuyến nghị, đề xuất từ chính những nhóm đối tượng thụ hưởng, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ có thêm những cơ sở, căn cứ để tham mưu Bộ Y tế trong việc sớm hoàn thiện và ban hành danh mục các dụng cụ PHCN ưu tiên để NKT có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dụng cụ trợ giúp. Từ đó, không chỉ đảm bảo nhu cầu hỗ trợ về y tế mà còn từng bước hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cũng như thực hiện nghĩa vụ của công dân.

Tuệ Lâm

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang