Ngày 11/11/2024, với số lượng bình chọn vượt trội từ người hâm mộ so với các đối thủ sáng giá khác, vận động viên (VĐV) cử tạ khuyết tật Lê Văn Công đã xuất sắc đoạt giải VĐV được yêu thích nhất, đồng thời giành chiếc cúp Chiến thắng – danh hiệu được ví như “Oscar thể thao Việt Nam”.
Ngay sau đó, sáng 26/12/2024, tại Hà Nội, cuộc bầu chọn thường niên lần thứ 46 nhằm tôn vinh các VĐV và HLV tiêu biểu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam và Ủy ban Paralympic Việt Nam phối hợp tổ chức, đã tiếp tục ghi nhận thêm một dấu ấn nổi bật của Lê Văn Công. Với sự tham gia của hơn 200 nhà báo và phóng viên thể thao trên cả nước, anh được bình chọn là VĐV khuyết tật tiêu biểu nhất toàn quốc năm 2024. Cuộc bầu chọn này đã bước sang năm thứ 46 (lần đầu tổ chức từ năm 1978), hướng đến mục tiêu biểu dương và tôn vinh những VĐV, HLV xuất sắc đã đạt thành tích ấn tượng trong và ngoài nước. Năm nay, các đại biểu đã bỏ phiếu để chọn ra 10 VĐV, 5 HLV thể thao xuất sắc nhất, cùng với 5 VĐV và 3 HLV thể thao người khuyết tật có thành tích tiêu biểu.
Vận động viên cử tạ Lê Văn Công. (Ảnh: webthethao.vn)
Tính đến nay, Lê Văn Công đã xuất sắc lập cú “Hat-trick” với 3 lần giành cúp Chiến thắng, 5 lần được vinh danh là VĐV khuyết tật tiêu biểu nhất toàn quốc. Thành tích đáng khâm phục này là kết quả của một hành trình đầy nỗ lực, được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt, thể hiện tinh thần kiên cường và ý chí phi thường của anh.
Khổ luyện thành tài
Lê Văn Công sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, đông con, khi mang thai Công, mẹ Công bị sốt xuất huyết khiến Công mang di chứng, sinh ra bị teo hai chân. Lê lết đi học, Công là tâm điểm để đám bạn trêu đùa lại thêm nhà nghèo nên khó khăn lắm Công mới học hết phổ thông.
Khi mới chỉ mười mấy tuổi, Công rời quê vào TP.HCM để theo học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề dành cho người khuyết tật. Để có tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục việc học, Công làm đủ mọi nghề từ bán vé số, đánh văn bản thuê, đến làm thợ phụ tại các tiệm đồ gỗ. Vì muốn dành dụm hết tiền cho việc học, nhiều lúc anh chỉ dám ăn một bữa mỗi ngày, dù bữa ăn ấy chỉ vỏn vẹn 15 ngàn đồng. Thương cảm trước hoàn cảnh của anh, có người mách Công đến chùa để xin cơm chay. Từ đó, những suất cơm chay từ thiện tại chùa đã trở thành nguồn sống quý giá giúp anh vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, để tiếp tục hành trình đầy gian nan của mình.
Học xong nghề điện tử, ra trường, Lê Văn Công cùng chiếc xe lăn của mình đi khắp nơi tìm kiếm việc làm, nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả. Không chùn bước trước khó khăn, anh quyết định đăng ký thêm một khóa học tin học tại Câu lạc bộ Hướng nghiệp Khuyết tật trẻ TP.HCM. Chính tại nơi đây, Công đã tìm thấy bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình khi được giới thiệu tham gia tập luyện môn cử tạ tại Câu lạc bộ Cử tạ của Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của HLV Nguyễn Hồng Phúc, Lê Văn Công nhanh chóng bộc lộ niềm yêu thích mãnh liệt với môn cử tạ và cho thấy sự tiến bộ vượt bậc qua từng ngày tập luyện. Chỉ sau 2 tháng làm quen và rèn luyện, anh khiến tất cả phải kinh ngạc khi giành được Huy chương Bạc (HCB) tại Giải Vô địch Quốc gia môn cử tạ dành cho người khuyết tật ở hạng cân 48 kg vào năm 2005. Đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu hành trình đầy cảm hứng của Lê Văn Công trên con đường trở thành vận động viên cử tạ.
Trải qua quá trình tập luyện đầy gian khổ cùng tinh thần quyết tâm không ngừng nghỉ, Lê Văn Công đã từng bước khẳng định mình trên các sàn đấu quốc nội và quốc tế. Anh chinh phục các đỉnh cao qua từng mức tạ, từ hệ thống giải toàn quốc đến các đấu trường danh giá như ASEAN Para Games, Asian Para Games, và Paralympic.
Giải đấu quốc tế đầu tiên mà Lê Văn Công tham dự là Đại hội Thể thao Người Khuyết tật Đông Nam Á – ASEAN Para Games 2007. Tại đây, anh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng (HCV) ở hạng cân 49 kg với thành tích nâng tạ ấn tượng 152,5 kg. Thành tích này không chỉ đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp thể thao của anh mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên đấu trường thể thao người khuyết tật khu vực.
Mồ hôi, máu và nước mắt
Biến cố lớn nhất trong sự nghiệp của Lê Văn Công xảy ra vào năm 2011, khi anh đang trong giai đoạn đỉnh cao với thành tích đáng nể, đặc biệt là tấm HCV tại ASEAN Para Games 2009, cùng kỷ lục nâng tạ 165 kg. Một tai nạn xe máy bất ngờ đã khiến anh bị chấn thương khớp cơ vai chính, đẩy anh vào tình thế đầy khó khăn. Lời khuyên từ bác sĩ khi đó như một cú sốc lớn: “Nên từ bỏ thể thao để giữ lấy cánh tay”. Trong nhiều ngày, Lê Văn Công suy sụp, tự nhốt mình trong nhà, chìm đắm trong những dòng suy nghĩ giữa việc nên tiếp tục hay từ bỏ con đường thể thao. Nhưng rồi, khi nghĩ về gia đình, về những người thân đã luôn tin tưởng và ủng hộ mình, anh đã lấy lại ý chí, quyết tâm “làm lại từ đầu”. Chính sự kiên cường và tinh thần không chịu khuất phục đã giúp anh đứng lên sau biến cố, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với cử tạ.
Chị Chu Thị Tám, vợ của Lê Văn Công, chia sẻ đầy xúc động: “Thời điểm chúng tôi còn ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), mỗi ngày anh Công phải chạy xe máy 3 bánh hơn 60 km lên TP.HCM tập luyện. Đến khi về tới nhà cũng đã 9-10 giờ đêm. Không ít lần anh gặp chấn thương tưởng chừng không thể quay lại tập luyện, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh từ bỏ ý chí và đam mê của mình. Dù thi đấu ở bất kỳ giải nào, tôi luôn tin rằng chồng mình sẽ chiến thắng, bởi nghị lực của anh ấy rất lớn.” Những lời tâm sự của chị Tám không chỉ thể hiện sự đồng hành bền bỉ của người vợ mà còn cho thấy một Lê Văn Công mạnh mẽ, không bao giờ gục ngã trước nghịch cảnh, biến đau thương thành động lực để tiến xa hơn trên hành trình thể thao của mình.
Gia đinh anh Lê Văn Công.
Tại Paralympic Paris 2024, Lê Văn Công xuất sắc nâng thành công mức tạ 171kg và giành được tấm huy chương đồng quý giá. Dù không đạt được thành tích như mong muốn khi hai lần không thành công ở mức tạ 176kg và 181kg, anh vẫn giữ nụ cười gượng gạo, chấp nhận thực tại rằng bản thân không còn ở đỉnh cao phong độ. Dẫu vậy, Công cho rằng đây chính là tấm huy chương giá trị nhất trong sự nghiệp của mình, bởi nó không chỉ là kết quả của sự nỗ lực phi thường mà còn giúp Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại kỳ Paralympic năm nay. Anh tâm sự đầy cảm xúc: “Thi đấu xong trở về, tay phải tôi đau đến mức không thể cầm đũa ăn cơm.”
Trước khi bước vào giải đấu này, hành trình tập luyện và thi đấu của Lê Văn Công đã trải qua rất nhiều khó khăn vì những chấn thương mãn tính. Sau khi giành hai huy chương vàng thế giới vào tháng 5-2024, anh phải tiêm huyết tương vào hai vai để thúc đẩy quá trình tái tạo cơ và hồi phục chấn thương. Trước mỗi buổi tập, Công phải dùng thuốc xịt tê để giảm bớt cơn đau. Thế nhưng, mỗi khi thuốc hết tác dụng, hai vai anh lại đau nhức dữ dội, thậm chí như bị liệt tạm thời.
Lê Văn Công chia sẻ về tình trạng sức khỏe hiện tại: “Vai phải của tôi bị rách cơ, rách sụn; vai trái thì bị đứt dây chằng. Dù được điều trị tích cực, nhưng việc tập luyện nặng thường xuyên đã khiến hai vai tôi bị chấn thương mãn tính.” Những lời tâm sự ấy không chỉ nói lên nỗi đau thể xác mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, ý chí mạnh mẽ của người lực sĩ đã cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo, vượt qua mọi nghịch cảnh để tỏa sáng trên đấu trường quốc tế.
Trong sự nghiệp thi đấu, Lê Văn Công không ít lần vượt qua nghịch cảnh để tạo nên những kỳ tích phi thường. Tại Giải vô địch thế giới 2016, anh từng bị sốt siêu virus, phải nằm li bì cả ngày. Tuy nhiên, với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, Lê Văn Công đã uống thuốc hạ sốt và đẩy thành công mức tạ 180kg để giành HCV đầy thuyết phục. Điều đặc biệt hơn, đây chính là tấm huy chương mà anh đã quyết định bán đấu giá, dùng toàn bộ số tiền thu được để giúp một cháu bé hàng xóm điều trị bệnh hiểm nghèo. Hành động này không chỉ thể hiện tài năng mà còn làm sáng ngời tấm lòng nhân ái của người vận động viên kiên cường.
Kỳ tích của Lê Văn Công không chỉ gây chấn động truyền thông quốc tế mà còn trở thành biểu tượng chiến thắng nghịch cảnh, thay đổi số phận. Câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tiếp thêm động lực cho cộng đồng người khuyết tật trong và ngoài nước, chứng minh rằng mọi giới hạn đều có thể vượt qua khi có ý chí và quyết tâm. Anh chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ rằng một người khuyết tật như tôi sẽ có ngày trở thành vận động viên cử tạ. Nhưng tôi luôn cố gắng và quyết tâm vượt qua mọi giới hạn của bản thân. Thay vì trách móc hay đổ lỗi cho số phận, tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình theo cách đặc biệt nhất.”
Mùa xuân đã đến rất gần, xin gửi lời chúc tới Lê Văn Công có một năm mới ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và thành công. Chúc cho tổ ấm của anh mãi rộn ràng tiếng cười và hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục tạo nên những dấu ấn mới trên hành trình thể thao đầy ý nghĩa của mình.
Nhật Nam