(ĐHVO) Trong suốt thời gian qua, trên khắp mọi miền của đất nước, nhiều địa phương, rất nhiều đơn vị và các mạnh thường quân đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người khuyết tật phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập cộng đồng, phải đối mặt với sự phân biệt nhất là về các quyền cơ bản…
Còn nhiều khó khăn trong giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. (ảnh minh họa)
Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 3/12 hàng năm là Ngày Quốc tế người khuyết tật. Cụ thể, năm nay có chủ đề là “Tầm quan trọng của sự hòa nhập: Tăng cường sự tiếp cận và quyền của tất cả mọi người”.
Mới đây, Liên hợp quốc đã có thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 15% dân số toàn cầu. Trong đó, có 80% số người khuyết tật sống ở các nước đang phát triển và chiếm 20% trong nhóm người nghèo nhất thế giới. Một nửa trong số những người này không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ, trong khi nhiều người phải đối mặt với các rào cản trong việc hòa nhập vào các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Hiện nay, ở Việt Nam, có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (từ năm tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em. Trong tổng số người khuyết tật của cả nước có 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Theo đó, hòa nhập không chỉ là một mục tiêu mà còn là mong ước của tất cả những người khuyết tật ở khắp mọi nơi. Mặc dù vậy, để thực hiện được mục tiêu này còn rất nhiều rào cản cần xóa bỏ. Trong đó, rào cản lớn nhất không phải từ phía những người khuyết tật, mà lại từ chính xã hội.
Điển hình, việc thiếu trường học cũng là một trong những rào cản khiến trẻ khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung khó hòa nhập. Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản khác, cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến cho con đường hòa nhập của người khuyết tật đầy gập ghềnh, khó khăn…
Song song với đó, việc người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế nhưng mới chỉ có khoảng 2,3% nhóm này tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương.
Đồng thời, có tới 43% người khuyết tật được hỏi cho biết đã từng có cảm nhận bị kỳ thị. 46% người khuyết tật tự cho rằng họ không nên yêu và lập gia đình do mặc cảm cá nhân.
Đặc biệt, những rào cản này không xuất phát từ phía những người khuyết tật và nếu chỉ những người khuyết tật cố gắng, nỗ lực là không đủ. Qua đó, nếu được hòa nhập từ sớm, người khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Quan trọng hơn, họ sẽ có sự tự tin.
Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, điển hình: Trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó, với việc thực hiện các quyền cơ bản của người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến, chuyển từ trợ giúp nhân đạo sang trợ giúp phát triển. Nhiều người khuyết tật đã được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, y tế, giáo dục và hỗ trợ việc làm. Mỗi năm, có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng được mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.
Mặc khác, người khuyết tật hòa nhập vào xã hội là năng lực của người khuyết tật tiếp cận và tham gia vào các đoàn thể xã hội, đoàn thể nghề nghiệp, cũng như tham gia vào các câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng. Theo số liệu điều tra cho thấy, không có khác biệt lớn trong sự tham gia của người khuyết tật so với nhóm người không khuyết tật vào các đoàn thể nghề nghiệp (43,86% so với 47,08%) và câu lạc bộ tại cộng đồng (2,07% so với 2,09%).
Theo TS Võ Thị Hoàng Yến – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam cho biết, theo khảo sát của một trường ĐH ở Mỹ về thanh thiếu niên Việt Nam thực hiện vào năm 2015 thì có đến 100% NKT trong độ tuổi thanh thiếu niên được khảo sát đều từng có ý định… tự tử. Do vậy, NKT trong thực tế cũng có thể ghi nhận điều này, nhất là ở tuổi mới lớn. Kể cả những người thành công, trước đây họ cũng đã từng có ý định tự vẫn, chính bản thân bà là một minh chứng. Giải quyết về vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần cho NKT là điều rất quan trọng nhưng điều này chưa thật sự được chú ý. Tính đến nay, NKT Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và tham gia vào những hoạt động. Chỉ có 0,1% người khuyết tật tốt nghiệp đại học hay cao đẳng, 30% có công ăn việc làm tạo được thu nhập, bà Yến chia sẽ thêm.
Nhằm giúp người khuyết tật tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, ổn định cuộc sống, vào ngày 1/11/2019 vừa qua, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật. Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật; tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật.
Minh Sơn – Thành Ánh