(ĐHVO). Mặc dù sinh ra không được lành lặn như bao người khác nhưng tinh thần, nghị lực của cô Vũ Thị Quê, chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh Hải Dương khiến ai cũng cảm phục vì đã vượt lên số phận, luôn “nặng lòng” với những mảnh đời bất hạnh.
Cô Vũ Thị Quê sinh năm 1964 ở thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, hiện đang là chủ xưởng may. Từ khi sinh ra, cô đã không may mắn được đi bằng hai chân như bao người khác. Cô lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông anh em, bố của cô tham gia vào bộ đội năm 1968, sau khi trải qua chiến trường chống Mỹ ác liệt thì trở thành thương binh. Vì bố phục vụ Tổ quốc nên từ nhỏ, cô đã cùng với các anh em của mình giúp đỡ, phụ việc cho người mẹ tần tảo.
Cô Vũ Thị Quê (đứng thứ 5 từ trái sang) tham gia chương trình tập huấn “Kỹ năng viết tin bài và quản trị tin bài”
Khi trưởng thành cô Quê được anh trai cho đi học may để phù hợp với sức khỏe người khuyết tật. Để không trở thành gánh nặng của gia đình cũng như thấu hiểu với những hoàn cảnh không may mắn, cô đã luôn khao khát bản thân có thể làm chủ một xưởng may, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật.
Bằng sự nỗ lực của mình, cô đã có trong tay một xưởng may cùng với hơn 20 người lao động là người khuyết tật. Đặc biệt, tiền mà xưởng may sản xuất được cô không dành riêng cho bản thân mà dành để trả lương, lo chốn ăn chốn ở cho người khuyết tật. Cô Quê trực tiếp dạy nghề, tâm huyết chỉ bảo từng chi tiết nhỏ trong nghề may cho người khuyết tật.“Tôi luôn đào tạo học nghề may miễn phí, đủ 06 tháng, nếu học sinh ra nghề được thì đi làm ở công ty hoặc không đủ năng lực thì ở lại cơ sở tôi tạo công việc cho làm, số tiền làm ra, tôi trợ cấp và lo cho mọi người”
Xưởng may dành cho người khuyết tật của cô Vũ Thị Quê
Với khát vọng giúp đỡ người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng và sống có ích, có ý nghĩa hơn, đến năm 2016, cô cùng với một số người khuyết tật trên địa bàn đứng ra tổ chức thành lập Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh Hải Dương. Đây là nơi giao lưu, quy tụ những người cùng chung cảnh ngộ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn và cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Lúc đầu thành lập, Câu lạc bộ chỉ có trên chục thành viên, đến nay tổ chức đã thu hút hơn 100 thành viên tham gia. Đến năm 2020, cô đã thành lập thêm Hợp tác xã Phụ nữ khuyết tật huyện Bình Giang.
Hợp tác xã khuyết tật huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương trao quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn
Kể về quá trình hình thành và phát triển của Câu lạc bộ, cô Vũ Thị Quê cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 3000 người khuyết tật. Tôi đã ấp ủ ý tưởng thành lập một Câu lạc bộ để tập hợp những người cùng cảnh như mình để giao lưu, động viên tinh thần, giúp cho họ cởi bỏ đi mặc cảm đang đè nặng trong tâm hồn và dần lấy lại sự tự tin hoà nhập vào cộng đồng xã hội, tạo cơ hội làm không chỉ nghề may mà còn những công việc khác phù hợp với khả năng của họ”.
Trong tương lai, cô mong muốn xưởng may của mình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để tạo điều kiện cho nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có việc làm, gạt bỏ tâm lý tự ti, hòa nhập vào cộng đồng. Cô chia sẻ: “Hiện nay, xưởng may của tôi vẫn đang rất chật chội nóng bức, xưởng bị xuống cấp dột nát, người khuyết tật không đủ điều kiện để làm mà các cháu ngày càng vào nhiều để học nghề và làm việc. Tôi mong muốn xưởng may của tôi sẽ được mở rộng hơn giúp người khuyết tật có thể bỏ đi mặc cảm của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội”.
Sự đóng góp của cô Vũ Thị Quê đã được các cấp chính quyền ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen thưởng. Tấm lòng cao cả của cô sẽ là điểm tựa cho người khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, là hình mẫu để cộng đồng chung tay làm những điều tốt đẹp.
Hồng Liên