Cổ phục Việt được giới trẻ ngày càng quan tâm
(ĐHVO). Với việc đưa cổ phục – những bộ quần áo tưởng chừng như xưa cũ, lỗi thời – vào cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, giới trẻ Việt đã ngày càng khiến cho giá trị của những bộ cổ phục ngày càng được nâng cao và góp phần gìn giữ được những nét đẹp văn hóa lịch sử của dân tộc.
Từ lâu, chúng ta vốn đã quen với hình ảnh những bộ quần áo cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhiều bạn trẻ còn khá thích thú khi đưa những bộ trang phục này vào những bức hình cưới hay những tấm ảnh nghệ thuật của mình. Những bộ cổ phục Việt dường như vẫn còn hơi “lép vế” khi đứng trên đấu trường “cổ phục”. Thế nhưng, giờ đây, ta lại thấy những trang phục cổ của Việt Nam đang được đưa “lên ngôi” trở lại bởi chính các bạn trẻ Việt.
Việt Nam vốn là một đất nước có nên văn hóa lâu đời. Trong suốt quá trình phát triển và thay đổi của lịch sử, con người Việt Nam cũng có những trang phục của riêng mình, mà mỗi bộ phục trang đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, của giai đoạn lịch sử đó. Vậy nhưng, trước sự phổ biến của những bộ phim cổ trang nước ngoài và sự mở cửa, hội nhập của nền văn hóa, những bộ cổ phục của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản lại khiến cho nhiều bạn trẻ mê mẩn vì sự lộng lẫy, cầu kỳ. Nhiều bạn trẻ còn bỏ tiền ra mua, thuê trang phục nước ngoài để chụp ảnh nghệ thuật hay chụp hình cưới. Đặc biệt, có một giai đoạn, những bộ quần áo cổ trang nước ngoài đã gây “sốt” trong cộng đồng người trẻ Việt. Một số bạn trẻ còn cho rằng, trang phục cổ của Việt Nam trông không được đẹp và “sang chảnh” như cổ phục của các nước khác.
Tuy nhiên, nếu đầu tư và nghiên cứu kỹ về cổ phục Việt, ta sẽ có thể thấy được trang phục cổ đại của Việt Nam hoàn toàn không thua kém nước bạn. Mỗi bộ trang phục đều mang đậm bản sắc văn hóa và đặc trưng của từng triều đại, từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, đã có rất nhiều bạn trẻ có đam mê với sử học đã lập ra nhiều hội nhóm bàn về trang phục cổ vủa nước ta. Nhiều bộ cổ phục của từng triều đại cũng được các bạn dựng lại sau khi được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng. Ngày càng nhiều trang fanpage về cổ phục Việt dành được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ, có một lượng lớn người dùng Facbook yêu thích. Những bộ cổ phục nước ta hiện đang được giới trẻ ưa chuộng nhất chính là Áo Nhật Bình và Áo Tấc.
Nam Phương Hoàng Hậu mặc áo Nhật Bình (Ảnh: Internet)
Áo Nhật Bình vốn là trang phục của Hoàng tộc Triều Nguyễn, là thường phục của Hoàng Hậu, Phi tần và Công chúa. Áo Nhật Bình có nguồn gốc từ áo Đối Khâm Phi Phong đời Minh là dạng áo Đối Khâm có cổ hình chữ nhật to bản, dùng dây buộc 2 vạt áo. Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Tuy nhiên quy chế tay dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu. Màu áo của bậc Hậu đều là màu vàng chính sắc, đôi khi là màu cam; còn bậc Công chúa đều là màu đỏ chính sắc, bậc Phi tần nhị giai là màu xích đào, bậc Tam giai là màu tím chính sắc và bậc Tứ giai là màu tím nhạt, bậc phi tần thấp hơn không có quy định trang phục này. Màu sắc áo của các mệnh phụ quy định dựa vào phẩm cấp của chồng. Bậc Nữ quan có trang phục đơn giản hơn hẳn, gần với áo Phi Phong nguyên mẫu nhất. Vào thời Gia Long và Minh Mạng, quy chế còn đủ đầy, áo Nhật Bình thường phối với một bộ Xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ Phượng tùy thứ bậc. Tuy nhiên về sau, nhất là từ thời Đồng Khánh trở đi, trang phục này thường phối với quần ống trắng và vấn khăn vành to bảng, cho thấy quy chế thời kì cuối nhìn chung ở cung đình đã tối giản hơn hẳn. Sau khi thời Nguyễn kết thúc, bộ áo này trở thành bộ áo trang trọng của giới quý tộc được mặc vào một số dịp lễ và nhất là ngày cưới. Còn áo Tấc cũng là một trong những loại áo phổ biến nhất mà trên từ thiên tử dưới đến thường dân đều mặc vào thời Nguyễn. Áo tấc, hay còn gọi là áo lễ, áo ngũ thân, thường gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy bên phải, áo lót trắng, quần trắng và khăn vấn, được xuất hiện từ những cải cách y phục của Chúa Nguyễn Phúc Khoát tại 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam xưa.
Giờ đây, nhiều bạn trẻ Việt đã sẵn sàng đầu tư cho mình một bộ trang phục xưa để chụp ảnh nghệ thuật, hay chưng diện trong những dịp lễ Tết. Đặc biệt hơn, nhiều cặp đôi đã lựa chọn cổ phục Việt để làm trang phục cưới của mình, thay vì những bộ phục trang cổ đại của Trung Hoa hay những bộ váy cưới và vest mang đậm phong cách Phương Tây. Có thể thấy rằng, việc cổ phục Việt được giới trẻ ưa chuộng, yêu thích đã không chỉ góp phần gìn giữ và lưu truyền những tinh hoa văn hóa đất Việt mà còn đánh dấu sự trỗi dậy của Cổ phục Việt sau một thời gian dài bị mờ nhạt trước trang phục cổ đại của các nước khác, đồng thời giúp cho công chúng trong nước và quốc tế biết và hiểu hơn về trang phục truyền thống của người Việt.
Áo Nhật Bình, Áo Tấc trong đám cưới của một đôi bạn trẻ tại Cao Bằng (Ảnh: Internet)
Minh Hằng