Phụ nữ khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Họ phải cân đối giữa cuộc sống gia đình thường ngày và công việc để có thể tự trang trải cuộc sống. Từ những chính sách đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, tại các địa phương đã từng bước xây dựng những chương trình, hành động cụ thể để giúp đỡ phụ nữ khuyết tật trong cuộc sống.
Chính sách đối với lao động là phụ nữ khuyết tật
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật, đặc biệt là lao động nữ.
So với lao động bình thường, lao động là phụ nữ khuyết tật được nghỉ hằng năm 14 ngày làm việc khi làm việc đủ từ 12 tháng trở lên cho một người sử dụng lao động (Đối với lao động ở điều kiện bình thường là 12 ngày làm việc). Thời gian nghỉ hằng năm, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương theo Hợp đồng lao động.
Nhà nước có nhiều chính sách đối với việc dạy nghề, đào tạo đối với người khuyết tật, các chương trình hỗ trợ giảm học phí, tư vấn miễn phí học nghề qua các giai đoạn luôn được triển khai. Các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mỗi thời kỳ Chính Phủ đưa ra những quyết định trợ giúp cụ thể dành cho người khuyết tật. Ví dụ theo Quyết định số: 1190/QĐ-TTg phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 đưa ra những mục tiêu cụ thể:
– Hàng năm khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 50.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
– 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
– 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
– 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
– 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 40%.
– Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng ¼ tỷ lệ chung cả nước.
– 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng.
– 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
– 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 30% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 20% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
– 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.
– 70% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật.
Từ những mục tiêu cụ thể như vậy, cơ quan địa phương phối hợp với các tổ chức trợ giúp người khuyết tật ở các địa phương triển khai các chương trình cụ thể, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nữ
Thực tiễn cơ hội việc làm với người khuyết tật
Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ 4.0 đang thịnh hành, người lao động khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội để tiếp cận công việc. Đặc biệt là những ngành nghề như điện tử, công nghệ, số hóa.
Nhiều doanh nghiệp đã dần nhận định rằng người lao động khuyết tật làm việc không thua kém người bình thường, làm việc rất chăm chỉ. Đặc biệt là đối với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những tác phẩm nghệ thuật, người khuyết tật đang làm ra những sản phẩm độc đáo và kỳ công hơn những người bình thường. Bản thân phụ nữ khuyết tật cũng nhận ra rằng mình có ít cơ hội hơn so với những lao động bình thường nên họ luôn nỗ lực khi được trao cơ hội. Theo baodansinh.vn, gần đây Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng thường xuyên mở những phiên giao dịch việc làm cho NKT, qua đó có thể kết nối giữa NKT có nguyện vọng tìm việc với các doanh nghiệp có chính sách tuyển dụng NKT. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng lao động khuyết tật trong doanh nghiệp cũng như thay đổi nhận thức của doanh nghiệp là cả vấn đề, bởi vì khi sử dụng lao động khuyết tật thì phải kèm theo đó là các hoạt động về cải thiện môi trường, điều kiện làm việc và các chế độ, quyền lợi đối với lực lượng lao động khuyết tật”.
Hiện nay, các ngành nghề cần nhiều nhân sự trình độ cao, người khuyết tật, đắc biệt là phụ nữ khuyết tật có thể hòa nhập được như lập trình viên, đồ họa, kiến trúc, nhân viên nhập liệu, kế toán. Các trang tìm việc online có thể kết nối người lao động khuyết tật với nhà tuyển dụng một cách dễ dàng, đơn giản nhờ tận dụng công nghệ như topcv, vieclam247,…
Phụ nữ khuyết tật là đối tượng cần được quan tâm, nhờ tự lực bản thân cùng với những hộ trợ của nhà nước, phụ nữ khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội để học nghề, thực hành các công việc đúng sở trường và nguyện vọng, ổn định cuộc sống.
Quỳnh Trang