(ĐHVO). Là một trong những nhóm người yếu thế trong xã hội, người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách để khuyến khích, động viên tinh thần vươn lên của người khuyết tật, giúp họ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng, học tập phát triển bản thân để sống có ích cho xã hội.
Bạn đọc hỏi: Em là N.T.A, 18 tuổi, là người khuyết tật vận động bẩm sinh. Em sắp tốt nghiệp cấp ba và có mong muốn học tiếp lên Đại học nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình em rất khó khăn, thuộc hộ nghèo nên bố mẹ sợ không đủ khả năng để nuôi em ăn học. Em muốn hỏi liệu Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp dành riêng cho sinh viên là người khuyết tật không ạ?
Ảnh: Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp
Luật sư tư vấn: Để giải đáp câu hỏi của bạn, Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp tư vấn cho bạn như sau:
I. Căn cứ pháp lý
– Luật Người khuyết tật năm 2010
– Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên (áp dụng cho cả người nghèo)
– Quyết định số 751/2017/QĐ-TTg ngày 30/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên
II. Giải quyết vấn đề
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Nhà nước ta đã có những chính sách tín dụng riêng đối học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhằm giúp các em có thêm kinh phí để trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Những chính sách này được quy định cụ thể trong Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên (áp dụng cho cả người nghèo) và Quyết định số 751/2017/QĐ-TTg ngày 30/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Như vậy, em là sinh viên người khuyết tật, là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo nên thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.
1. Điều kiện vay vốn
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, sinh viên khuyết tật được vay vốn khi có những điều kiện sau:
– Sinh viên khuyết tật đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay, có đủ các tiêu chuẩn quy định tại đối tượng được vay vốn. (như trên)
– Học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của nhà trường.
– Đối với học sinh, sinh viên năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
Dựa vào quy định trên có thể thấy, em đã đáp ứng đủ điều kiện đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay, có đủ các tiêu chuẩn quy định tại đối tượng được vay vốn. Để được vay vốn thì em cần có thêm giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của nhà trường.
2. Phương thức cho vay
Phương thức cho vay được quy định tại Điều 3 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, phương thức cho vay được chia thành hai đối tượng, đối tượng học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình và đối tượng học sinh, sinh viên mồ côi. Ở trường hợp của em, đại diện hộ gia đình (chủ hộ gia đình) sẽ là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Mức vốn cho vay
Trước đây, theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg thì mức vốn cho vay là 800.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên để đáp ứng với tình hình giá cả ngày một tăng cao thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 751/2017/QĐ-TTg ngày 30/5/2017 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên, theo đó mức vay tối đa của một học sinh, sinh viên là 1.500.000 đồng/tháng.
Căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo từng vùng, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên nhưng không vượt quá mức 1.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
4. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay hiện nay là 0,55%/tháng
Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
5. Thủ tục vay
Thủ tục vay được thực hiện theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội. Trường hợp em vay vốn thông qua hộ gia đình thì thủ tục vay được quy định như sau:
+ Người vay viết giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu in sẵn do Ngân hàng cấp) kèm giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học gửi cho Tổ tiết kiệm và vay vốn.
+ Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra các yếu tố trên giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu với đối tượng, điều kiện vay vốn theo quy định của Chính phủ. Sau đó, lập danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn kèm giấy đề nghị vay vốn, giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học trình UBND cấp xã xác nhận.
+ Tổ tiết kiệm và vay vốn gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đã có xác nhận của UBND cấp xã cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để xem xét cho vay.
Như vậy, trong tương lai nếu em thi đỗ vào trường Đại học, cao đẳng trong nước, em có thể tiến hành vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các thủ tục được quy định như trên.
Hồng Thái