Cơ hội và thách thức sử dụng lao động người khuyết tật trong doanh nghiệp hiện nay

Người khuyết tật (NKT) mặc dù chỉ là một nhóm thiểu số trong xã hội nhưng lại là một bộ phận dân cư cấu thành nên cộng đồng xã hội. Cho đến nay, vẫn còn nhiều quan niệm phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng bất lợi cho NKT, đặc biệt là việc sử dụng lao động là NKT của các doanh nghiệp hiện nay. Bởi vậy, trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, tác giả đã xem xét tài liệu về phân tích nghiên cứu việc làm của NKT để có những hướng dẫn thực tế nhằm trả lời câu hỏi về cơ hội việc làm cho NKT. Đánh giá của tác giả cho thấy, phần lớn NKT sống ở nông thôn, là người nghèo, không hoặc chưa được tiếp cận với hệ thống giáo dục, chưa được đào tào nghề, không đáp ứng được việc làm của doanh nghiệp và không có việc làm. Đặc biệt, cơ hội việc làm của NKT trong các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế do sự phân biệt đối xử từ các doanh nghiệp, hiệu suất công việc. Những câu hỏi chưa được trả lời như: 1) Có những cách tiếp cận nào khi nghiên cứu về việc làm của NKT?; 2) Các cơ hội và thách thức khi sử dụng lao động là NKT hiện nay? Đây vẫn là động lực để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Trong bài viết này, tác giả góp phần tìm ra những khoảng trống chưa được đề cập trong các công trình trước đây về những cơ hội và thách thức sử dụng lao động là người khuyết tật của các doanh nghiệp hiện nay.

Ảnh minh họa

1. Mở đầu

Người khuyết tật (NKT) là “Người gặp phải những hạn chế về thể chất, trí tuệ, tinh thần hay cảm giác trong một thời gian dài khi tiếp xúc với môi trường có thể gặp trở ngại và khó khăn để tham gia đầy đủ và hiệu quả so với người không khuyết tật dựa trên quyền bình đẳng” (dẫn lại Sartika & Devita, 2020). Theo số liệu của Liên hợp quốc (UN), trên toàn thế giới có hơn 650 triệu NKT và cuộc sống hằng ngày của 25% dân số toàn cầu có liên quan với NKT ở mặt này hay mặt khác, vì sự khuyết tật của một người ảnh hưởng đến cả gia đình của NKT chứ không chỉ có cá nhân người đó. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý rằng 80% số NKT sống ở các nước nghèo (trong đó có Việt Nam), phần lớn là những người nghèo và không tiếp cận được các dịch vụ cơ bản như các trung tâm phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, việc từ chối các cơ hội việc làm công bằng cho NKT đồng thời là một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự nghèo đói và tình trạng bị phân biệt đối xử cho nhiều trong số những người khuyết tật hiện nay.

Hiện nay, chính sách NKT đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản: một mặt, các nghiên cứu về NKT chứng minh một cách thuyết phục rằng, tính logic kinh tế thị trường lao động là nguồn gốc chính để loại trừ về mặt xã hội của NKT (Oliver 1990; Wansing 2005); mặt khác, bao gồm thị trường lao động là mục tiêu chính của chính sách người khuyết tật, bởi việc làm được coi là đặc trưng của tính bình thường hóa, quyền công dân và hòa nhập xã hội (Bösl 2009; Probst et al, 2016). Bởi vậy, quan điểm về định giá công nhân (người khuyết tật) theo logic lợi ích chi phí, sử dụng lao động là người khuyết tật có vẻ không hợp lý khi cho rằng NKT ít năng suất hơn so với lao động bình thường dẫn đến việc làm không mang lại lợi nhuận và ngụ ý các doanh nghiệp hiện nay chỉ hành động theo tính logic nghiêm ngặt của thị trường.

Về mặt thực tiễn cho thấy, mặc dù có nhiều đổi mới trong luật pháp, chẳng hạn như Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ (1990) thì tỉ lệ thất nghiệp trong nhiều thập kỉ ở NKT vẫn liên tục dao động trong khoảng 60% -70% và một trong những rào cản lớn nhất đối với cơ hội việc làm ở NKT là thái độ tiêu cực của người sử dụng lao động. Callanhan, Schumpert và Mast (2002) phát hiện khoảng 13% những người tham gia Hiệp hội bại não Hoa Kỳ đã chọn làm việc tự do hơn việc làm thường xuyên. Trong một cuộc khảo sát sử dụng lao động Thụy Sỹ gần đây cũng cho thấy có tới 87% số người được hỏi cho biết họ không thuê NKT và 69% cho biết không giữ nhân viên tuy có năng lực làm việc song bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hoặc tai nạn (BSV 2014, 11). Tất cả các nhà tuyển dụng đều biết rằng “sử dụng lao động là người khuyết tật” cần phải có sự nỗ lực và sẽ dễ dàng hơn nếu chỉ tuyển những người có năng suất 150% (Nadai, E., Gonon, A., & Rotzetter, 2018)..

Để giải quyết thực trạng nêu trên, các chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT đã và đang tích cực được triển khai. Tuy nhiên, không phải lúc nào các chính sách về NKT cũng được triển khai một cách đầy đủ và hiệu quả. Do đó, đã đến lúc cần phải có những nghiên cứu một cách hệ thống về hỗ trợ việc làm của các doanh nghiệp hiện nay nhằm tìm ra cơ sở cho việc hoạch định và thực thi chính sách thu hút việc làm là NKT của doanh nghiệp hiện nay. Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong bài viết là phân tích tài liệu thứ cấp đồng thời phân tích tổng quan tài liệu nhằm tổng hợp các thông tin, số liệu cần thiết nhằm chỉ ra những khoảng trống về tư liệu, phương pháp nghiên cứu mới. Bài viết được trình bày trả lời cho hai câu hỏi nghiên cứu chính: 1) Có những cách tiếp cận nào khi nghiên cứu về việc làm của NKT?; 2) Các cơ hội và thách thức khi sử dụng lao động là NKT hiện nay? Với những kết quả nghiên cứu, tổng quan, phân tích tài liệu sẽ góp phần làm rõ hơn về thực trạng cơ hội và thách thức sử dụng lao động là NKT để từ đó có những giải pháp thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách.

2. Luật lao động về đối tượng là người khuyết tật

Người khuyết tật hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, từ cơ sở vật chất trong các toà nhà, giao thông công cộng cho đến các rào cản về mặt sinh học trong vấn đề việc làm và các chương trình công dân. Đặc biệt, đối với NKT, cơ hội được làm việc có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ NKT từng bước hòa nhập cộng đồng và giải quyết vấn đề việc làm cho lao động là NKT. Để tạo cơ hội việc làm của NKT, UN quy định: Các quốc gia phải công nhận quyền được làm việc của NKT, trên cơ sở bình đẳng với người khác; trong đó bao gồm cả quyền có cơ hội kiếm sống bằng một công việc được tự do lựa chọn hoặc được chấp nhận trong thị trường lao động và môi trường làm việc mở, hòa nhập và dễ tiếp cận đối với NKT. Các quốc gia thành viên bảo vệ và thúc đẩy việc công nhận quyền làm việc của cả những NKT, bằng cách thực thi những bước phù hợp, bao gồm cả biện pháp pháp luật, như sau:

i) Nghiêm cấm phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật trong các vấn đề có liên quan đến tất cả các hình thức về việc làm, bao gồm các điều kiện tuyển dụng, thuê và nhận vào làm, duy trì việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp, và các điều kiện lao động an toàn và bảo đảm sức khỏe;

ii) Bảo vệ quyền của NKT, trên cơ sở bình đẳng với người khác, nhằm tạo điều kiện lao động công bằng và thuận lợi, bao gồm bình đẳng về cơ hội, được bình đẳng trả công, các điều kiện làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe bao gồm việc bảo vệ khỏi bị quấy rối và nạn nhân được bồi thường;

iii) Bảo đảm NKT có thể thực hiện quyền lao động và quyền về công đoàn bình đẳng với người khác;

iv) Bảo đảm NKT tiếp cận hiệu quả tới các chương trình chung về hướng dẫn kỹ thuật và dạy nghề, các dịch vụ sắp xếp việc làm và chương trình đào tạo và bổ túc nghề;

v) Nâng cao cơ hội việc làm và sự thăng tiến trong sự nghiệp của NKT trong thị trường lao động, cũng như hỗ trợ họ trong việc tìm việc làm, lập doanh nghiệp, phát triển các hợp tác xã và bắt đầu tạo dựng sự nghiệp riêng;

vi)Tuyển dụng NKT trong khu vực công;

vii) Thúc đẩy việc làm của NKT trong khu vực tư nhân thông qua các chính sách và biện pháp phù hợp;

viii) Bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lí đối với NKT tại nơi làm việc;

ix) Nâng cao sự tiếp thu kinh nghiệm làm việc của NKT trong thị trường lao động mở;

x) Thúc đẩy phục hồi nghề nghiệp và chuyên môn, duy trì việc làm và trở lại làm việc của NKT;

xi) Bảo đảm NKT không bị bắt lao động như nô lệ hay khổ sai; và họ được bảo vệ, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trước những công việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Liên Hiệp Quốc, 2006).

Thông qua Công ước số 159, ILO cũng quy định: mọi quốc gia thành viên phải theo điều kiện, thực tiễn và khả năng quốc gia để hình thành, thực hiện và định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia đối với việc tái thích ứng nghề nghiệp cho những người có khuyết tật (Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 1983). ILO hướng dẫn thúc đẩy cơ hội việc làm bình đẳng cho NKT không chỉ bao gồm việc ngăn cấm phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật mà còn đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách việc làm ưu đãi nhằm đảm bảo NKT sẽ được tiếp cận các cơ hội việc làm trên thị trường lao động.Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, quyền cơ bản của NKT được ghi nhận trực tiếp tại Luật Người khuyết tật năm 2010: a) Tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn góa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010). Ngày 22/10/2007, Việt Nam ký cam kết tham gia Công ước quốc tế về quyền của NKT của Liên hiệp Quốc. Đây là một văn kiện quốc tế khẳng định mọi tiếp cận của NKT đều dựa trên quyền của NKT được quy định trong Công ước và phần nào ghi nhận đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật quốc tế cũng như những quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, Điều 158 nhấn mạnh chính sách của Nhà nước đối với lao động là NKT: Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là NKT; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là NKT vào làm việc theo quy định của pháp luật về NKT. Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được, người sử dụng lao động cũng cần đảm bảo quyền lợi của NKT. Cụ thể, Điều 159 nhấn mạnh sử dụng lao động là NKT: 1) Người sử dụng lao động phải đảm bảo về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là NKT; 2) Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là NKT khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ (Bộ Luật lao động năm, 2019). Tuy nhiên, mặc dù có những chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp, tổ chức tạo việc làm cho NKT song nhiều nghiên cứu đã cho thấy mặt hạn chế khi chưa được doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.

3. Cơ hội và thách thức sử dụng lao động người khuyết tật của doanh nghiệp hiện nay

Người khuyết tật là mắt xích quan trọng trong chính sách an sinh xã hội và luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bới truyền thống nhân đạo của dân tộc. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6/2011) đã nhấn mạnh “Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh… chăm lo đời sống những người già neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi”. Tuy nhiên, theo báo cáo địa phương trên cả nước giai đoạn 2006-2010, tổng số NKT được dạy nghề trên cả nước gần 30.000 người, chỉ đạt hơn 37% so với mục tiêu đề ra theo Đề án trợ giúp người tàn tật của Chính phủ và chỉ có hơn một nửa trong số đó được tạo việc làm. Có thể thấy, công việc được trả lương có ý nghĩa rất lớn đối với NKT và điều này đã phần nào được khẳng định thông qua những nỗ lực của Nhà nước trong việc gắn kết NKT vào thị trường lao động. Là một phần của nền kinh tế xã hội rộng lớn, các doanh nghiệp cũng cần cung cấp cơ hội việc làm được thiết kế phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu và năng lực của NKT. Tuy nhiên, việc tiếp cận việc làm được trả lương của NKT vẫn còn nhiều hạn chế bởi sự kì thị, phân biệt trong cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp hiện nay. Có thể thấy, việc sử dụng lao động là NKT cũng đồng thời mang đến cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp bởi những thách thức trong khả năng cải thiện tình trạng cơ sở vật chất của người lao động theo giới hạn và mức lương. Scheid (1999) phát hiện 50% các công ty được khảo sát nghĩ rằng họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để thuê công nhân bị khuyết tật tâm thần trong ba năm tới, và 38% mẫu thực sự đã thuê một nhân viên như vậy kể từ năm 1992.

3.1. Cơ hội khi sử dụng lao động là người khuyết tật của doanh nghiệp

Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh đến những thuận lợi mà doanh nghiệp có được khi sử dụng lao động là NKT. Eigenbrood & Retish (1988) đã khảo sát 38 nhà tuyển dụng cung cấp kinh nghiệm việc làm cho các nhóm thanh niên đa dạng từ giáo dục đặc biệt ở Mỹ và có 52,6% cho rằng NKT hoàn toàn có khả năng thực hiện ít nhất một số công việc trong doanh nghiệp của họ. Hầu hết các nhà tuyển dụng (86,6%) cảm thấy rằng đồng nghiệp thường thoải mái với NKT và khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái nếu sinh viên khuyết tật làm việc toàn thời gian trong công ty của họ (67,5%). Tuy nhiên, hầu hết các công ty vẫn đang đặt câu hỏi về năng lực của NKT vì những hạn chế của họ (Johnson, Greewood, & Schriner, 1998). NKT có năng lực làm việc đa dạng song các kỹ năng, khả năng và hiệu suất trong sản xuất được thể hiện khác nhau. Trên thực tế, sự đa dạng về các kỹ năng mà NKT sở hữu có thể là một tài sản cho công ty nếu người sử dụng lao động biết cách khai thác tối đa hóa tiềm năng và khả năng của NKT. Đặc biệt, Kettle và Massie (1981) phát hiện ra rằng những người lao động khuyết tật tại Công ty Điện lực miền Tây có tỷ lệ vắng mặt ốm yếu ít hơn 7% so với người lao động không bị khuyết tật.

Đặc biệt, Olson và cộng sự (2001) nhận thấy, các báo cáo của nhà tuyển dụng đưa ra không có sự khác biệt về chi phí nhân lực cho lao động là NKT so với lực lượng lao động bình thường ngoại trừ chi phí đào tạo cao hơn. Một nghiên cứu về dữ liệu dịch vụ thống kê của Hoa Kỳ cũng cho thấy có tới 91% người lao động là NKT được đánh giá là trung bình và tốt hơn so với lao động trung bình không bị khuyết tật (Stein, 2000). Nghiên cứu của Lee và Newman (1995) cũng nhận thấy có tới 72% người sử dụng lao động đã thuê NKT và đánh giá hiệu suất công việc của họ là trung bình, trên trung bình hoặc xuất sắc. Smith, Webber, Graffam và Wilson (2004b) khi đánh giá thước đo chung về sự hài lòng, người sử dụng lao động đánh giá người lao động là NKT ít thuận lợi hơn so với người lao động không khuyết tật. Tuy nhiên, khi kiểm tra xếp hạng hiệu suất của nhà tuyển dụng (tốc độ làm việc, độ chính xác và chất lượng), phần lớn các nhà tuyển dụng (430 so với 199) đánh giá công nhân khuyết tật cao hơn đáng kể so với lao động không khuyết tật. Đặc biệt, nghiên cứu của Hosey và Mattis (2008), cho thấy rằng sử dụng NKT có thể làm tăng mức lợi nhuận của công ty khi nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ủng hộ các công ty này và do đó cung cấp cho họ nhiều doanh nghiệp hơn. Điều này làm cho doanh nghiệp sinh lợi và cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, việc đào tạo NKT cũng dễ dàng vì thái độ tích cực trong công việc. Nghiên cứu nhấn mạnh, NKT có thể đóng góp tích cực cho doanh nghiệp do có thái độ tích cực và đây là nỗ lực tích cực để nhà tuyển dụng thuê NKT. Graffam et al. (2002) đã thực hiện một nghiên cứu về các doanh nhân có kinh nghiệm sử dụng NKT ở Úc và phát hiện nhân viên khuyết tật có giá trị năng suất (tốc độ và độ chính xác) thấp hơn nhân viên trung bình, nhưng tốt hơn so với nhân viên trung bình về các yếu tố tin cậy (vắng mặt và nghỉ ốm) và các yếu tố duy trì nhân viên (tuyển dụng, an toàn, chi phí bảo hiểm). Kết quả cho thấy, các nhà tuyển dụng thường cảm thấy nhân viên khuyết tật làm việc hiệu quả và đáng tin cậy với chi phí thấp.

Ở Việt Nam, nhằm khuyến khích sử dụng lao động là NKT, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là NKT từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP thì Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 334 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi như hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Vay vốn ưu đãi… đặc biệt miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật (Nghị định số 28/NĐ-CP Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật người khuyết tật). Như vậy, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT không chỉ đơn thuần được hưởng lợi theo chính sách của Nhà nước mà còn có cơ hội được sử dụng đội ngũ lao động tin cậy, chăm chỉ, chịu khó, nhiệt huyết công việc được giao nhằm nâng cao hiệu suất cũng như lan tỏa thông điệp nhân văn, nâng cao vị thế doanh nghiệp với khách hàng.

3.2. Thách thức sử dụng lao động người khuyết tật của doanh nghiệp

Cho đến nay, doanh nghiệp ở Việt Nam bên cạnh những cơ hội đạt được khi sử dụng là NKT vẫn còn rất nhiều rào cản, hạn chế trong tạo việc làm cho NKT, bao gồm cả doanh nghiệp của NKT. Tỉ lệ người khuyết tật không có việc làm thường cao hơn tỉ lệ những người khác không có khuyết tật. Kể cả khi người khuyết tật có việc làm, đó cũng thường là những việc không thuộc thị trường lao động chính thức, với đồng lương rẻ mạt, những vị trí đòi hỏi kỹ năng thấp, có ít hoặc không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Tình trạng tồn tại cơ bản là vì người sử dụng lao động thường cho rằng NKT không có khả năng làm việc hoặc họ sợ phải chi phí tốn kém. Tuy nhiên, người lao động khuyết tật thường rất nỗ lực. Các nghiên cứu cho thấy người lao động là NKT làm việc ổn định tại các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam và trên thế giới cũng đã có rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức khi sử dụng lao động là NKT. Trong những năm gần đây, chính sách của chính phủ tại các quốc gia có phúc lợi tự do như Mỹ, Anh và Canada đã nhấn mạnh việc đưa NKT vào việc làm chính được trả lương (Edwards 2010; Gewurtz et al. 2015). Nghiên cứu của Gida và Orussypp (2007), người điều tra các hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong 100 tổ chức hàng đầu của Financial Mail, ở Nam Phi, các chủ lao động tham gia đã chỉ ra rằng các cơ sở không thể tiếp cận và giao thông công cộng đã ngăn họ thuê NKT.

Bên cạnh đó, thách thức của doanh nghiệp khi sử dụng lao động là NKT còn được thể hiện thông qua việc phân biệt đối xử với NKT. Đây chính là kết quả của thái độ tiêu cực, thiếu kiến thức và nhận thức bởi khi một người có thái độ định kiến, phân biệt đối xử thì chính là một trở ngại đáng kể trong cơ hội việc làm của NKT. Đặc biệt, người không khuyết tật thường có ấn tượng tiêu cực về người khuyết tật, xem họ là người thấp kém nên việc phân biệt NKT càng thúc đẩy sự phân biệt đối xử trong nơi làm việc và góp phần vào tình trạng thất nghiệp. Khi nghiên cứu về thái độ doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, Wilgosh và Skaret (1987) đã kết luận rằng: (1) trong một số trường hợp, thái độ của người sử dụng lao động là tiêu cực và làm ức chế quá trình làm việc cũng như sự thăng tiến của người khuyết tật; (2) liên hệ tích cực trước với người lao động khuyết tật có liên quan đến thái độ tạo thuận lợi của người sử dụng lao động; (3) có sự khác biệt tồn tại giữa các nhà tuyển dụng, bày tỏ sự sẵn sàng thuê ứng viên là người khuyết tật. Đánh giá tài liệu của Greenwood và Johnson, (1987) đã đánh giá đặc điểm của chủ lao động, khả năng tiếp nhận NKT và nhận thấy (1) nhà tuyển dụng từ các công ty lớn báo cáo với thái độ tích cực hơn so với công ty nhỏ; và (2) người trả lời có trình độ học vấn cao thể hiện thái độ tích cực hơn so với những người có trình độ học vấn thấp.

Có thể thấy, cân bằng công việc đóng vai trò rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì sự độc lập. Ở Việt Nam, số người khuyết tật tìm được việc làm trong các doanh nghiệp lớn hầu như không đáng kể. Phần lớn doanh nghiệp vẫn nhận thấy nhiều thách thức trong việc tuyển dụng lao động là NKT như cơ sở vật chất không đáp ứng, năng suất lao động, rủi ro về vấn đề thể chất… và rào cản về sự phân biệt đối xử. Đặc biệt, bên cạnh việc làm ở các doanh nghiệp nói chung hiện nay thì doanh nghiệp người khuyết tật Việt Nam cũng cho thấy gặp nhiều thách thức hơn khi bước vào giai đoạn kinh tế đang hội nhập toàn cầu. Sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp sản xuất do thị trường quyết định được xem là thách thức lớn với doanh nghiệp của người khuyết tật. Bởi vậy, bên cạnh việc tiếp cận đầy đủ chính sách ưu đãi và phát huy thế mạnh của mình, doanh nghiệp của NKT cũng cần sản xuất thành chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đây cũng là thách thức, khó khăn do doanh NKT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ song cần được xem xét cho xu hướng phát triển trong thời gian tới.

4. Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lao động là người khuyết tật của doanh nghiệp

Đối với người khuyết tật, việc làm có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp NKT có cơ hội được làm việc, tham gia vào quan hệ lao động mà còn giúp họ hòa nhập vào cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, cần có những chính sách, hỗ trợ thiết thực nhằm nâng cao vị thế của NKT cũng như tạo điều kiện việc làm cho NKT hiện nay.

Về Chính sách: Nhằm đáp ứng được yêu cầu việc làm thì dạy nghề cho NKT là một nội dung quan trọng cần được quan tâm và có chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực. Theo quy định của pháp luật về NKT, dạy nghề cho NKT “được hiểu là quá trình trang bị kiến thức kĩ năng, thái độ nghề nghiệp cần thiết cho NKT để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm thông qua việc tham gia vào quan hệ lao động”. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách cần có những quy định, Luật bảo vệ NKT và hỗ trợ NKT được đào tạo, dạy nghề cũng như đáp ứng được thực trạng công việc theo xu hướng kinh tế thị trường. Cần tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp các dịch vụ việc làm cho NKT. Thành lập hội đồng tư vấn doanh nghiệp về lĩnh vực tiếp nhận NKT vào làm việc, bao gồm đại diện các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hữu quan. Nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu về tuyển dụng lao động của NKT, đảm bảo cho NKT được tiếp cận nội dung dạy, học và đào tạo phù hợp nhằm có sự chuẩn bị trước khi có việc làm.

Về phía nhà tuyển dụng, doanh nghiệp cần thực sự quan tâm tới việc tuyển dụng lao động là NKT, đánh giá đúng khả năng lao động của họ cũng như tạo ra môi trường làm việc tiếp cận để NKT có thể đến làm việc. Khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác tuyển dụng, hỗ trợ việc làm cho NKT. Tập trung chỉ đạo địa phương thành lập Quỹ việc làm cho NKT và thực hiện nghiêm túc chế độ thưởng phạt doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng lao động là NKT.

Về phía người khuyết tật cần không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng. Bên cạnh đó, bản thân cũng cần vượt qua các rào cản về mặc cảm tự ti, ỷ lại và có định hướng đúng đắn đối với việc học nghề và xây dựng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng bản thân.

5. Kết luận

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội nói chung, tầm nhìn của doanh nghiệp về việc làm NKT nói riêng, cũng như thay đổi nhận thức của chính bản thân NKT là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của Nhà nước với Công ước đồng thời cũng thể hiện được chính sách nhân đạo, tinh thần “tương thân tương ái” của Đảng và Nhà nước. Từ phân tích thực trạng cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp về việc làm NKT cho thấy vẫn còn rất nhiều thách thức, hạn chế. Bên cạnh những mặt thuận lợi mà doanh nghiệp đạt được khi sử dụng lao động là NKT như nhận được sự hỗ trợ từ chính sách liên quan NKT; duy trì được sự bình ổn nhân viên, nhiệt tình, dễ tiếp nhận đào tạo công việc, chăm chỉ, chịu khó… còn tạo được danh tiếng khi nhận được sự thiện cảm từ khách hàng, đối tác, cũng như lan tỏa thông điệp nhân văn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì doanh nghiệp nói chung vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc rào cản tiếp nhận lao động là NKT, hiệu suất lao động, khó khăn về đáp ứng việc làm của NKT. Chính vì vậy, để có cơ hội tham gia vào quan hệ lao động nhằm tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp cũng như tự tạo việc làm, NKT cũng cần được học tập, rèn luyện và tích lũy. Bởi vậy, học nghề là một trong những hướng đi quan trọng giúp NKT có thể tìm kiếm và tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng đặc thù công việc của các doanh nghiệp, NKT cũng cần được dạy nghề theo địa chỉ của các cơ sở sản xuất kinh doanh và phù hợp với từng dạng tật, mức độ khiếm khuyết và khả năng học tập, đặc điểm tâm lý của NKT… Mặt khác, bản thân là NKT cũng cần không ngừng nỗ lực vượt khó, trau dồi kiến thức, chuyên môn cũng như vượt qua những mặc cảm, rào cản bản thân để hoàn thiện mỗi ngày đáp ứng nhu cầu việc làm hiện nay theo năng lực, loại hình công việc phù hợp./.

Lữ Thị Mai Oanh Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Thị Như Thúy – Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng Hành Việt số chuyên đề  “hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và lao động NKT” do Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp 2015-2020 của Bộ Tư pháp (Chương trình 585) hỗ trợ thực hiện. Thông qua các bài viết được trong số chuyên đề mong muốn người lao động là người khuyết tật cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là các doanh nghiệp của và vì người khuyết tật cũng như doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức pháp luật khi sử dụng lao động là người khuyết tật…


Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang