Không chỉ là một hiệu trưởng mẫn cán, cô giáo Vũ Thị Hồng, Trường Tiểu học Đông Bo (Võ Nhai) còn thường xuyên quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt…
Cô Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 1998, cô giáo Vũ Thị Hồng về công tác tại Trường Tiểu học Đông Bo. Trải qua nhiều năm công tác, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Được sự tin yêu, tín nhiệm của đồng nghiệp và sự tin tưởng của cấp quản lý, từ năm 2015 cô Hồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo.
Một điều đặc biệt khiến ai cũng cảm phục khi nhắc đến cô Hồng, đó là một người luôn hết lòng với các em học sinh khuyết tật. Cô Hồng bảo: Mỗi năm chúng tôi lại tiếp nhận một vài trường hợp học sinh khuyết tật, tự kỷ. Ở vùng sâu, vùng xa nên không có điều kiện không có địa điểm dạy chuyên biệt cho trẻ em khuyệt tật nên các em vẫn phải học theo chương trình như các bạn. Tôi nhận ra rằng việc dạy học sinh khuyết tật có rất nhiều khó khăn. Nhìn những đứa trẻ ngơ ngác, không giao tiếp với bạn bè, tôi cảm thấy rất thương các em và nghĩ mình phải làm gì đó để hỗ trợ và giúp các em. Bởi vậy, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của các em, tôi đã phân công giáo viên chủ nhiệm quan tâm giúp đỡ hơn. Đồng thời, tự nguyện kèm thêm các em vào các buổi trong tuần.
Đã hơn một năm nay, cô giáo Hồng nhận đỡ đầu 3 em học sinh mắc chứng tự kỷ. Cô tranh thủ ít nhất 3 buổi/tuần để dạy kèm thêm cho các em tại nhà. Lớp học đặc biệt này thường bắt đầu lúc 17 giờ 30, cô Hồng khởi động buổi học bằng những câu chuyện vui, thú vị hàng ngày, sau đó cô mới kiểm tra lại kiến thức cũ. Dạy trẻ đã khó, dạy trẻ tự kỷ lại càng khó hơn. Các em đều gặp khó khăn khi mặt chữ, khả năng phát âm hạn chế… Để có thể dạy cho học sinh tự kỷ, cô Hồng dành thời gian nghiên cứu tài liệu qua sách, giáo trình uy tín. Theo cô, dạy trẻ tự kỷ cần nhất là sự kiên nhẫn, một chữ có phải phải dạy đi dạy lại hơn 10 lần. Bên cạnh đó, cũng như cần dành thời gian để trò chuyện, làm thân. Qua đó, dần dần các em đã mạnh dạn hơn, cải thiện khả năng giao tiếp.
Ví dụ như trường hợp của em Đặng Hoàng Mạnh, lớp 2A, mẹ đi làm công nhân xa nhà, bản thân em thì mắc chứng tự kỷ. Khi mới tiếp xúc Mạnh rất ít nói, sợ sệt mọi người xung quanh. Thương Mạnh, cô Hồng tự nguyện xin gia đình cho đón em về nhà ở cùng để tiện chăm sóc. Sau hơn một năm kèm cặp, giờ Mạnh đã nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, biết giao tiếp, chia sẻ với mọi người.
Không chỉ giàu lòng nhân ái, cô Hồng còn có quan niệm rất riêng về giáo dục. Trò chuyện với chúng tôi, cô Hồng bày tỏ mong muốn về giáo dục tích cực với mục tiêu giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Bởi vậy, cô luôn nhấn mạnh với các giáo viên không quát mắng học sinh, không nêu lỗi sai của các em trong chào cờ đầu tuần, lồng ghép giáo dục đạo đức trong từng tiết dạy… Với sự tận tụy, tâm huyết với nghề, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hồng đã đạt nhiều thành tích trong các hội thi giáo viên dạy giỏi, Trường Tiểu học Đông Bo 4 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Tuy vậy, hạnh phúc lớn nhất đối với cô Hồng không phải là bảng thành tích cá nhân mà là tình cảm yêu thương của bao thế hệ học sinh, phụ huynh. Nguyện vọng trong tương lai của chị là tiếp tục giúp đỡ các em học sinh khuyết tật, để các em cơ hội tiếp thu kiến thức, vững bước trên con đường thực hiện ước mơ.
Nguồn Báo Thái Nguyên điện tử