Cô giáo miệt mài bám bản “gieo chữ” nơi vùng cao biên giới

“Yêu nghề, mến trò”, gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi biên giới, cô Nhữ Thị Yến – giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, Tỉnh Hà Giang) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và dành nhiều giải thưởng trong các kì thi.

 

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Tuyên Quang, cô giáo Yến bỏ lại tất cả niềm vui nơi phố thị để lên vùng cao công tác, trải qua bao nhiêu gian khó, vất vả, gieo chữ trên vùng biên, một trong những nơi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Nhưng cô chưa bao giờ nản chí mà còn phấn đấu để đạt được nhiều thành công trong công việc. Gần đây cô Yến còn được Sở Giáo dục và Đào tạo và huyện đoàn Xín Mần tặng giấy khen, và nhiều danh hiệu vì đã có nhiều đóng góp trong việc “dạy tốt, học tốt”.

Qua gần 10 năm đứng lớp, cô giáo luôn nỗ lực đem kiến thức của mình để truyền dạy cho học sinh bằng tinh thần trách nhiệm. Với mỗi tiết học cô Yến luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo của học trò và biến những kiến thức trong sách thành những bài học đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Đồng chí Trịnh Thị Minh Thủy – Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn cho biết: “Cô giáo Yến hiện đang là tổ trưởng tổ khoa học xã hội của trường, đồng chí là một giáo viên năng động, ham học hỏi, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn có nhiều sáng kiến trong nâng cao chất lượng dạy học ở trường, là giáo viên điển hình để các giáo viên khác cùng học tập.”

Đồng thời các phương pháp dạy học của cô luôn được đồng nghiệp và ngành giáo dục đánh giá cao. Một số giáo án hay đã được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả như: Một số biện pháp để bồi dưỡng học sinh giỏi môn địa lí, rèn kĩ năng vẽ biểu đồ địa lí học sinh lớp 9…

 

Bên cạnh đó các bài giảng của cô luôn được chuẩn bị kỹ càng, tìm kiếm tài liệu, hình ảnh trên mạng internet minh họa cho môn học thêm sinh động làm học sinh luôn hăng hái, tích cực trong học tập.

Với 100% là học sinh dân tộc thiểu số sống nội trú tại trường, cô Yến luôn gặp gỡ, chuyện trò nắm bắt tâm tư học sinh và đưa ra các giải pháp hữu hiệu, ngoài giờ lên lớp cô còn hướng dẫn các em bằng cách chia nhóm học tập, tự học tại khu nội trú một cách hiệu quả. Trong nhiều năm liền, số học sinh khá, giỏi do lớp cô phụ trách luôn tăng lên.

Em Lý Văn Thành học sinh lớp 9, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn nói: “Cô giáo Yến luôn nhiệt tình, rất quan tâm và giúp đỡ chúng em trong học tập, những bài nào không hiểu chúng em liền hỏi cô. Phương pháp giảng dạy của cô dễ hiểu, chúng em nhớ rất lâu.”

Thầy giáo Hầu Seo Chỉnh giáo viên tổ khoa học xã hội cho biết: “Cô giáo Yến là một đồng nghiệp vui tính, nhiệt tình, luôn tâm huyết với nghề. Đồng chí luôn giúp đỡ mọi người cùng trao đổi nghiệp vụ, đồng chí Yến là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập và noi theo.”

Nói về nghiệp vụ của mình cô Yến chia sẻ: “Mọi nghề đều cần phải có sự đam mê vì thế tôi luôn nuôi dưỡng trong mình một chữ tâm với nghề. Gần 10 năm lên biên giới dạy học hầu hết mọi ngóc ngách thôn, bìa rừng, con suối tại đây, tôi đã đi qua không sót để đến từng nhà vận động cách em đến lớp, có nhiều nhà tôi đã từng phải đi 4 đến 5 lần mới gặp được phụ huynh và học sinh. Dù vất vả đến mấy, gian nan đến đâu, nhưng tất cả mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua. Đặc biệt là tình cảm của học trò, đồng nghiệp cũng là động lực để tôi phấn đấu.”

Bài, ảnh Nguyễn Thị Dịu. Theo báo tầm nhìn.net.vn

Bài viết liên quan

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang