Cô giáo hạnh phúc khi trò khuyết tật có thể hòa nhập

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn yêu thương, chăm sóc những học trò “đặc biệt”.

Cô Hoài Thu và các em khiếm thính.
Cô Hoài Thu và các em khiếm thính.

Thấu hiểu cảm xúc, chia sẻ yêu thương và luôn đồng hành cùng học trò “đặc biệt”, cô Nguyễn Thị Hoài Thu đã giúp các em tự tin khi vui chơi và học tập mỗi khi đến lớp.

Hạnh phúc khi chọn “hướng đi khác”

Hơn 15 năm theo nghề giáo, chuyên nhận nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học sinh khiếm thính ở Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng, cô Nguyễn Thị Hoài Thu không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn yêu thương, chăm sóc học trò.

Nhắc tới cô giáo Hoài Thu, phụ huynh không chỉ ấn tượng về phương pháp dạy học, mà còn là tình yêu thương vô bờ bến đối với học sinh khiếm khuyết. Đó là cách san sẻ những thiệt thòi của các em trong đời sống, cùng hướng về phía trước tươi sáng hơn.

Cô Hoài Thu tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế chuyên ngành Giáo dục Mầm non. Khác với bạn bè cùng trang lứa, cô Thu bắt đầu “hướng đi khác” khi chọn dạy ở ngôi trường dành riêng cho trẻ không may bị khuyết tật. Sau đó, cô tiếp tục hoàn thành văn bằng 2 về Giáo dục trẻ khuyết tật tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Năm 2001, cô Thu nhận công tác tại Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng. Thương những đứa trẻ khiếm khuyết chịu nhiều thiệt thòi, cô luôn khát khao được nắm tay các em đi qua chặng đường tuổi thơ đầy bỡ ngỡ.

Cô Thu tâm sự: “Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi cảm thấy day dứt”.

Chính vì vậy, với cô Thu, hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật được xem là lựa chọn đúng đắn. Bởi ở nơi này, cô tìm được hạnh phúc của mình trong những tiết dạy. Một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên khiến công việc dạy học thêm phần vất vả. Thế nhưng, bằng tình thương, sự chia sẻ, nữ nhà giáo dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để bước tiếp trên con đường nuôi tương lai cho những đứa trẻ không may bị khuyết tật từ khi chào đời.

Bằng nhiều cách, phương pháp, dần dần cô Thu đã giúp học sinh khuyết tật cải thiện trí tuệ. Cô thường tổ chức tiết học một nhẹ nhàng, tự nhiên. Mỗi tiết học, cô và học trò luôn phối hợp nhịp nhàng để nắm bắt, vận dụng tốt kiến thức mà không căng thẳng hay áp lực.

Tiết học môn Toán học sinh lớp học D3 – Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng, cô Thu đứng trên bục giảng, vừa nói vừa sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giảng bài. Ở phía dưới, những ánh mắt chăm chú nhìn cô Thu giảng bài. Thỉnh thoảng có cánh tay đưa lên trả lời câu hỏi. Những ký hiệu ngôn ngữ được diễn tả bằng ngón tay bé xinh vẽ chữ số vào không trung khiến ai nhìn vào cũng xúc động.

Cô Thu cho hay, để có được tiết học trôi chảy như vậy, giáo viên phải nỗ lực 200% để giúp các em làm quen với trường lớp, với giờ học chỉ có ký hiệu bằng tay.

“Giáo viên chỉn chu và tỉ mỉ trong từng cử chỉ để trùng với khẩu hình miệng giúp các em nắm bắt và hiểu được cô đang nói gì, biết diễn đạt đúng cho giáo viên dễ hiểu. Có những cử chỉ tôi phải dạy lặp lại nhiều lần để các em ghi nhớ”, cô Thu bộc bạch.

Cô giáo hạnh phúc khi trò khuyết tật có thể hòa nhập ảnh 1

Lớp học của cô Thu tại Trường Chuyên biệt Tương lai.

Thay đổi vì học trò

Không chỉ giảng dạy, cô Thu được xem như người mẹ thứ 2 của những trẻ khiếm khuyết. Cô Thu cho rằng, trước khi là cô giáo thì phải làm bạn, tạo sự thân thiện, gần gũi để các em mạnh dạn hơn, tự tin hòa nhập và vui chơi cùng tập thể.

Để làm được điều đó, nữ nhà giáo phải nắm được tâm lý, từ đó động viên, chăm sóc các em nhiều hơn. “Dạy học tại nơi này như một sự sẻ chia, niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống. Bản thân luôn cố gắng làm những điều tốt nhất, dạy cho các em cái chữ, có được những kỹ năng sống”, cô Thu tâm sự.

Với tình yêu dành cho trò, dù chỉ dạy các em những năm đầu bậc tiểu học nhưng các em luôn xem cô là người thân, vẫn tìm đến chia sẻ câu chuyện trong học tập, cuộc sống. Nhiều em có việc làm, ngày xây dựng gia đình còn đến mời cô giáo tham dự.

Để giúp học trò tiếp cận, bắt nhịp tốt hơn với học tập, cô cùng đồng nghiệp là cô Nguyễn Thị Hồng Thu có nhiều sáng kiến về làm đồ dùng dạy học.

Tiêu biểu nhất là sáng kiến “Mô hình hình học giúp học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai học tốt môn Toán”. Sáng kiến đoạt giải C cấp thành phố, năm học 2021 – 2022. Cũng trong năm học này, sáng kiến này đoạt giải Nhất cuộc thi đồ dùng dạy học cấp nhà trường và giải Ba hội thi đồ dùng dạy học do Dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới hệ thống giáo dục hòa nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng” tổ chức; giải Nhì cấp thành phố dành cho sáng kiến “Ô cửa sổ đa năng cho học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng”.

Có cháu được cô Thu giảng dạy, ông Võ Tấn Vĩnh (trú Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, tình thương yêu của cô Thu dành cho trẻ khuyết tật đã giúp ông và gia đình yên tâm hơn. “Cô Hoài Thu như là người mẹ thứ hai của các cháu khuyết tật. Gia đình chúng tôi vui và ấm lòng trước những cử chỉ, sự quan tâm của cô dành cho các cháu. Hy vọng cô mãi là người “truyền lửa”, dạy dỗ, động viên các cháu không may bị khiếm khuyết, bớt tự ti để hòa nhập với cuộc sống”, ông Vĩnh chia sẻ.

Trái tim yêu nghề đã khiến mọi nhọc nhằn, khó khăn trở thành niềm vui. Với cô Thu, hạnh phúc nhất khi những đứa trẻ khiếm thính có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời. Đó cũng là tâm niệm của nhiều thầy, cô giáo đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang