(ĐHVO) Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng cuộc đời lại không được may mắn như bao người Trần Thúy Nga, ở xóm 6B, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) khi em mắc phải căn bệnh hiểm nghèo từ năm 13 tuổi. Mặc dù vậy chị đã không cam chịu số phận, tự tìm được cách đi riêng cho mình đồng thời đem hy vọng, động lực sống cho những người xung quanh.
Trần Thúy Nga sinh năm 1985, trong gia đình có bốn anh chị em. Năm 1998, em bị mắc căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Dù được gia đình chạy chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Chị phải sống chung với căn bệnh tàn phá các khớp xương, không tự bước đi được. Thương em, chị gái Nga mua về nhiều sách để Nga đọc cho đỡ buồn, bớt cơn đau và nỗi tủi thân. Niềm say mê đọc sách đã giúp Nga vượt qua đau đớn, xác định quyết tâm vươn lên, không đầu hàng số phận. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau, biến dạng, nhưng em vẫn gắng luyện viết, luyện vẽ, rồi em đã viết được trở lại. Thúy Nga chia sẻ: “Qua những trang sách, em biết nhiều người cũng bệnh tật rất nặng, không thể chữa khỏi. Em đặc biệt ấn tượng về chị Nguyễn Bích Lan “không gục ngã”, anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương-những nhân vật mà nghị lực của họ đã được báo chí phản ánh nhiều. Họ không may mắn như bao người khác, nhưng họ đều làm được nhiều việc ý nghĩa, giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy, em đã thực hiện và phát triển tủ sách miễn phí trong những năm qua” – (theo Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam).
Chị Trần Thúy Nga và các đọc giả tại thư viện sách
Hằng ngày, Trần Thúy Nga cần mẫn bán hàng tạp hóa, tiết kiệm từng đồng tiền lãi để mua sách. Sau nhiều năm, “thư viện” của Nga đã có hàng nghìn cuốn, trong đó có nhiều loại sách được bạn đọc yêu thích, như: Sách nuôi dưỡng tâm hồn; sách văn học kinh điển; sách dạy kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe…
Không gian đọc này đã thu hút rất nhiều bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, từ người già đến học sinh cấp 2, cấp 3 sống gần nhà chị. Mỗi ngày có khoảng 20-30 độc giả đến thư viện. Quy định đặc biệt ở đây là độc giả tự chọn sách, tự ghi sổ và trả lại đúng chỗ đã lấy sách. Độc giả cũng có thể mượn sách về nhà đọc. đông nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần. Để ngày càng có nhiều người đến đọc sách, ban đầu, Nga cho học sinh mượn truyện tranh để đọc nhằm thu hút các em đọc sách, sau đó từng bước hướng các em đọc các cuốn kỹ năng học tập, sách nuôi dưỡng tâm hồn… khiến tủ sách của Nga thu hút nhiều độc giả là học sinh.
Hoàn cảnh gia đình Trần Thúy Nga hiện còn nhiều khó khăn. Nga và mẹ vẫn sống trong căn nhà chật hẹp; tài sản đáng giá nhất chỉ có chiếc giường nằm, ít hàng tạp hóa và tủ sách miễn phí. Mẹ của Nga thì thường xuyên đau ốm…
Dù đôi chân không thể bước đi, đôi tay chẳng thể làm được nhiều việc, nhưng bằng nghị lực phi thường, Trần Thúy Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện hành trình “Gieo duyên đọc sách, lan tỏa yêu thương” nơi quê nghèo Nghĩa Đồng, với niềm tin ngày càng có nhiều học sinh chăm đọc sách, học giỏi và đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc vốn đang bị mai một trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Nam Phương (T/H)