Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1992, làng Thọ An, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội), những mảnh gỗ vụn tưởng như chỉ để làm củi lại trở thành vật trang trí, đồ chơi kích thích sự sáng tạo của con trẻ.
Nguyễn Thị Hảo say mê sáng tạo sản phẩm từ những mẩu gỗ vụn.
Người dân Liên Hà vốn có nghề truyền thống sản xuất đồ mộc dân dụng với mẫu mã phong phú, mang tính thẩm mỹ cao. Sinh ra từ đất nghề ấy, từ nhỏ, Hảo đã được tiếp xúc với gỗ, mùn cưa và các dụng cụ làm mộc trong quá trình phụ bố làm việc.
Hảo kể, bố cô vốn là thợ có tay nghề cao, những sản phẩm do ông làm ra đều bán rất chạy. Tuy nhiên, người thợ tài hoa này lại không có may mắn gắn bó dài lâu với nghề. Năm Hảo 16 tuổi, bố cô bị tai biến nặng, buộc phải dừng hành trình sáng tạo, “thổi hồn” vào gỗ. Sau này, mỗi khi nhắc đến nghề mộc, ánh mắt của bố Hảo đều ẩn chứa nhiều tiếc nuối.
Câu chuyện với gỗ còn đang dang dở của bố chính là nguồn động lực lớn giúp cô đưa ra quyết định táo bạo. Từ bỏ công việc ổn định với mức lương trên 20 triệu đồng, Hảo bắt đầu con số không tròn trĩnh khi lao vào tìm hiểu và làm nghề mộc theo cách của riêng mình.
“Nghề mộc không đơn thuần chỉ là lắp ghép những khối gỗ, mà là sự kết hợp tinh tế giữa toán học và nghệ thuật. Trên hết, người làm nghề phải có đam mê thực sự”, Hảo tâm sự. Tự mày mò, làm quen với nghề mộc, cô gái trẻ này gặp không ít khó khăn, từ việc tính toán sử dụng hợp lý những mảnh gỗ nhỏ đến việc làm quen với các dụng cụ nghề mộc.
Một ngày của Hảo thường bắt đầu vào lúc 5h30 tại xưởng gỗ và kết thúc vào 1h sáng để hoàn thiện nốt các khâu cuối cùng cho sản phẩm. Mỗi món đồ bằng gỗ do Hảo tạo ra thường mất một vài tiếng. Nhiều sản phẩm tỉ mỉ đòi hỏi từ 2 đến 3 ngày để hoàn thiện. Thu nhập nhận lại chỉ bằng một phần tư so với mức lương trước kia, trong khi công việc lại vất vả hơn khiến người thân trong gia đình nhiều lần khuyên Hảo không nên tiếp tục theo đuổi nghề… Sức khỏe cũng là một rào cản đối với việc theo đuổi đam mê của Hảo. Cổ tay nhỏ, bàn tay yếu, Hảo không cầm dụng cụ mộc được lâu. Những vết trầy xước hay sẹo xuất hiện trên bàn tay cô gái trẻ ngày một nhiều.
Khó khăn là thế, vậy mà ở cô gái với dáng người nhỏ nhắn ấy lại toát ra khí chất lạ thường: “Không phải nghề mộc chỉ dành riêng cho đàn ông con trai to khỏe, mạnh mẽ. Người nhỏ làm việc nhỏ, không đóng được giường, tủ thì mình làm các đồ trang trí, dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ em. Đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ sẽ luôn phát huy giá trị”, Hảo tự động viên mình.
Hảo luôn trăn trở làm ra các sản phẩm độc đáo, kích thích sự sáng tạo và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con trẻ. “Mặc dù mẫu mã của đồ chơi do tôi tạo ra có thể không đẹp như những sản phẩm được bày bán trên thị trường. Nhưng có lẽ, tôi bán cảm xúc nhiều hơn là bán sản phẩm với mong muốn mỗi món đồ thực sự trở thành người bạn đồng hành trên con đường học tập và khám phá của các bạn nhỏ”, Hảo chia sẻ thêm.
Hảo luôn có nhiều cảm hứng sáng tạo những sản phẩm đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của Hảo đã nhận lại về những thành quả bước đầu. Những sản phẩm từ đồ trang trí, đồ chơi cho trẻ em, đến trang sức bằng gỗ do Hảo tạo ra đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Ngoài ra, cô đã có một cửa hàng nhỏ để bày bán những sản phẩm tâm huyết của mình.
Trong tương lai, Hảo hướng tới mở rộng hơn nữa các sản phẩm được làm từ vụn gỗ, đưa những sản phẩm đó tới các trường tiểu học, trường mầm non. Từ đó, các em nhỏ được phát triển sức sáng tạo của bản thân một cách tự do, khác biệt, và quan trọng hơn là an toàn. Đồng thời, cô mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tận dụng và tái chế các nguyên liệu sẵn có để tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Với Hảo, mỗi ngày qua đi là một ngày cô được sống với đam mê của mình, của bố, là một ngày nuôi dưỡng giấc mơ, rằng các sản phẩm từ gỗ vụn, gỗ thừa sẽ trở nên có ích qua bàn tay nhiều trầy xước của mình.
Theo nguồn báo Hà Nội Mới